Nhu cầu tiêu thụ điện cao điểm mùa khô (tháng 5-7) dự báo tăng 13%, cao hơn nhiều so với kế hoạch cung cấp điện đặt ra trước đó.
Tại toạ đàm chiều 8/4, ông Nguyễn Quốc Trung – Phó giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) – cho biết nhu cầu sử dụng điện của cả nước và miền Bắc những tháng đầu năm tăng 10-11%.
Theo ông Trung, sang tháng 5-7, thường là thời gian căng thẳng nhất trong năm về cung cấp điện toàn hệ thống, tốc độ tăng trưởng có thể lên tới 13%. Con số này cao hơn so với dự báo trước đó khoảng 9,6%, theo kế hoạch vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2024 của Bộ Công Thương.
Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia mới đây dự báo nắng nóng sẽ đến sớm trong năm 2024. Điều này có thể ảnh hưởng tới cung ứng điện cho hệ thống, đặc biệt là miền Bắc khi nhu cầu tăng cao so với dự báo.
Đại diện A0 tính toán nhu cầu sử dụng điện khu vực miền Bắc khoảng 25.000 MW, tăng trưởng 10% một năm, tương ứng khoảng 2.500 MW. “Mỗi năm cần thêm một nhà máy thuỷ điện Sơn La đi vào vận hành để đáp ứng tốc độ tăng trưởng, nhu cầu sử dụng điện này”, ông nói và cho rằng đây là thách thức không nhỏ với ngành điện.
Báo cáo mới đây của A0 dự báo trong cao điểm mùa khô (tháng 4-7), tốc độ tăng trưởng công suất cực đại (Pmax), riêng miền Bắc dự kiến đạt 27.481 MW, tăng 17% so với kỷ lục vận hành cùng kỳ năm 2023. Trong khi, tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu của hệ thống điện miền Bắc giai đoạn này khoảng 52,3 tỷ kWh, tăng trưởng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo ông Nguyễn Thế Hữu, Phó cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), cân đối cung ứng điện ở các tháng cao điểm mùa khô năm nay dự báo gặp nhiều thách thức do nhu cầu tăng cao, lưu lượng nước có dấu hiệu thấp hơn trung bình nhiều năm.
Trong cuộc họp hôm 3/4, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các đơn vị đảm bảo cung ứng điện, cung cấp than, khí cho sản xuất điện thời gian tới. “Tuyệt đối không để thiếu điện trong mọi tình huống”, ông nói. Thông điệp này cũng được Chính phủ, Thủ tướng nhiều lần nhắc tới khi giao nhiệm vụ cho Bộ Công Thương, ngành điện.
Để đảm bảo cung ứng điện, đại diện A0 cho biết cơ quan này có chiến lược tích nước ở các hồ thuỷ điện để sử dụng khi cần thiết, đến nay chứa được 11 tỷ m3 nước, gấp 2,7 lần cùng thời điểm năm ngoái. Một số hồ chính như Lai Châu giữ mực nước cao hơn 20 m, Sơn La cao hơn 10 m, Hoà Bình 4 m.
Cùng đó, EVN đã lên kịch bản phát nguồn điện đắt tiền nhất, như nguồn chạy dầu (FO, DO), đưa nguồn năng lượng mới khí hoá lỏng (LNG) vào vận hành từ 15/4. Nguồn điện than, chiếm tới 50%, được đơn vị này chỉ đạo sát để chuẩn bị vật tư dự phòng.
A0 cũng phối hợp với Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) rà soát các nhà máy thuỷ điện nhỏ, tổng công suất 5.000 MW với gần 300 nhà máy, nhằm điều chỉnh giờ cao điểm vào khung giờ có nhu cầu sử dụng cao nhất.
“Ví dụ, 21-23h đêm mùa nóng sẽ có nhu cầu phát sinh, A0 sẽ điều chỉnh để các nhà máy thuỷ điện nhỏ phát điện đúng vào giờ đó”, ông Trung cho biết.
Ngoài các nguồn huy động điện, giới chuyên môn cho rằng tiết kiệm điện sẽ góp phần giải tỏa áp lực cung điện trong cao điểm nắng nóng miền Bắc.
“Nếu không có sự chung tay của khách hàng, doanh nghiệp, chính quyền, thực sự chúng tôi khó “qua ải’ nắng nóng năm nay”, ông Trần Minh Dũng, Phó tổng giám đốc EVNNPC nói.
Theo ông Võ Quang Lâm – Phó tổng giám đốc EVN, Việt Nam còn nhiều dư địa để tiết kiệm năng lượng và điện.
Ông dẫn số liệu cho biết để tạo ra 1.000 USD GDP, nền kinh tế đang cần một lượng năng lượng sơ cấp quy đổi gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần so với thế giới và các nước phát triển. Tương tự, về hệ số đàn hồi (hệ số co giãn giữa tăng trưởng điện và tăng trưởng GDP ở Việt Nam) bình quân các năm 2017-2021 đều hơn 1,2 lần, trong khi các nước phát triển hệ số này là dưới 1.
“Nhu cầu sử dụng năng lượng, điện tăng trưởng cao nhưng giá trị GDP tạo ra được còn thấp”, ông Lâm nói. Ông cho biết tập đoàn này mong muốn các cơ quan, chính quyền, khách hàng tiết kiệm điện để chia sẻ với ngành điện.
Đồng quan điểm, chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa nói cầu tiêu thụ điện có tác dụng trở lại đối với cung, thậm chí quyết định cung. “Nếu kiểm soát được cầu tiêu thụ của từng vùng miền, lĩnh vực, nền kinh tế sẽ xác định được tổng lượng cung ứng ra, từ đó chủ động bảo đảm cân đối cung – cầu trong mọi tình huống”, ông Thỏa nói.