Thực hiện nhiệm vụ trong chủ đề công tác năm 2024 là nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, Quảng Ninh luôn quan tâm, chú trọng tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn vào địa bàn với các ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao, hiện đại, công nghiệp xanh. Từ sự đồng hành của tỉnh, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã và đang tăng trưởng ổn định, đóng góp vào sự phát triển chung của Quảng Ninh.
Xác định chuyển dịch cơ cấu phát triển kinh tế từ “nâu” sang “xanh” là chủ trương xuyên suốt, lâu dài. Trong đó, Quảng Ninh chú trọng thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch, hiện đại, thân thiện với môi trường. Từ chủ trương này, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 16/11/2020 về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030. Đây là tiền đề quan trọng để ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng, phát triển trong những năm qua.
Như năm 2024 này, tính đến ngày 15/11, tổng vốn thu hút FDI trên địa bàn tỉnh đạt 2.049,78 triệu USD, trong đó cấp mới 32 dự án với số vốn đăng ký 1.757,24 triệu USD, điều chỉnh tăng vốn 25 lượt dự án với số vốn tăng 292,47 triệu USD. Phần lớn các dự án thu hút vốn FDI đều là thuộc lĩnh vực chế biến, chế tạo, công nghệ cao, công nghệ sạch. Dự kiến hết năm 2024, Quảng Ninh sẽ thu hút đầu tư được thêm khoảng 960 triệu USD, gồm: Khu Công nghiệp Bắc Tiền Phong 85 triệu USD, Khu Công nghiệp Sông Khoai 87 triệu USD, Khu Công nghiệp Texhong 683 triệu USD, Khu Công nghiệp Đông Mai 105 triệu USD, nâng tổng nguồn vốn đầu tư FDI trên địa bàn tỉnh cả năm 2024 đạt trên 3 tỷ USD.
Có được kết quả trên, Quảng Ninh đã tập trung triển khai nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, trọng tâm là hỗ trợ, giải quyết nhanh chóng thủ tục hành chính về quy hoạch, thủ tục đầu tư, đất đai, giải phóng mặt bằng; xúc tiến thu hút các doanh nghiệp chế biến, chế tạo; hỗ trợ các doanh nghiệp sớm đưa nhà máy, dây chuyền các dự án trong khu kinh tế, khu công nghiệp vào sản xuất, tạo ra năng lực sản xuất mới, giá trị tăng thêm. Đến nay, Quảng Ninh đã đưa 7 dự án công nghiệp chế biến, chế tạo mới đi vào hoạt động chính thức, 12 dự án còn lại đang được khẩn trương hoàn thành, đi vào hoạt động, trong đó tỉnh chủ động, tích cực hỗ trợ, đồng hành cùng Tập đoàn Thành Công để đưa Dự án Nhà máy ô tô Thành Công Việt Hưng sớm đi vào hoạt động, ra sản phẩm trong tháng 12/2024 theo kế hoạch. Ngoài 19 dự án thuộc danh mục từ đầu năm, Dự án Baike Vehicle Việt Nam cấp Giấy chứng nhận đầu tư trong năm 2024 cũng đã đi vào hoạt động và có sản phẩm từ tháng 10/2024. Tỉnh cũng chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh lần 2 Dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh, hỗ trợ, đồng hành cùng nhà đầu tư triển khai các thủ tục để sớm khởi công xây dựng dự án.
Để tiếp tục thúc đẩy công nghiệp chế biến, chế tạo phát triển trong thời gian tới, Quảng Ninh xác định tạo thuận lợi, hỗ trợ cho ngành công nghiệp này tạo bứt phá, tăng tối đa công suất, năng lực sản xuất; tháo gỡ, giải quyết tối đa các khó khăn, vướng mắc cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh, khơi thông điểm nghẽn; giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính về đất đai, đầu tư, kinh doanh, cấp phép, thuế, tín dụng, thông quan hàng hóa, làm tốt công tác đền bù, giải phóng mặt bằng…
Cùng với đó, hỗ trợ, tạo thuận lợi cho các dự án đã đủ điều kiện về thủ tục pháp lý đẩy nhanh tiến độ triển khai, đi vào hoạt động sớm nhất, bổ sung năng lực tăng thêm, tăng năng suất, sản lượng. Đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh; đưa nhà máy sản xuất ô tô Thành Công Việt Hưng vào vận hành thương mại, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đóng góp vào ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho lao động. Quảng Ninh cũng thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, nhất là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, các ngành, lĩnh vực mới, công nghệ cao như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, công nghiệp dịch vụ phụ trợ. Tỉnh tập trung thu hút đầu tư vào các Khu Kinh tế Vân Đồn, Khu Kinh tế ven biển Quảng Yên, các khu công nghiệp: Bắc Tiền Phong, Nam Tiền Phong, Sông Khoai, Đông Mai (TX Quảng Yên), Texhong Hải Hà giai đoạn 1 (huyện Hải Hà), Hải Yên (TP Móng Cái)…
Năm 2025, Quảng Ninh quyết tâm đạt tốc độ tăng trưởng (GRDP) trên 12%, tổng thu ngân sách nhà nước trên 57.300 tỷ đồng. Việc tăng cường thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến, chế tạo phát triển mạnh mẽ hơn nữa sẽ đóng góp quan trọng vào hiện thực hoá mục tiêu phát triển của năm 2025.