Sáng 10/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 1 năm tháo gỡ “điểm nghẽn” trong triển khai Đề án 06 và đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế. Tại đầu cầu Quảng Ninh, đồng chí Cao Tường Huy,Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành liên quan dự hội nghị.
Qua hơn 1 năm triển khai Công văn 452/TTg-KSTT của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ những “điểm nghẽn” về Đề án 06, nhận thức, hành động của các cấp, các ngành về chuyển đổi số nói chung, thực hiện Đề án 06 nói riêng cơ bản có sự chuyển biến tích cực; các cấp, các ngành và địa phương đã nhìn nhận rõ hơn về thực trạng hạ tầng, nhân lực, dữ liệu, an ninh an toàn và yêu cầu hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu thực hiện Đề án 06. Trong vòng hơn 1 năm qua, đối với 23 nhiệm vụ chỉ đạo tại công văn này, các bộ, ngành đến nay đã hoàn thành 1/8 nhóm nhiệm vụ chung, 12/15 nhiệm vụ cụ thể.
Lĩnh vực thương mại điện tử, theo đánh giá của Bộ Công Thương, tổng giá trị hiện nay là 20,5 tỷ USD và sẽ đạt 30,5 tỷ USD vào năm 2025. Thông qua việc kết nối chia sẻ dữ liệu điện tử, doanh thu quản lý thuế, số thuế đã nộp từ hoạt động này đã có sự tăng trưởng mạnh. 5 tháng năm 2024, số thuế đã nộp trên 50 nghìn tỷ đồng.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định: Trong 1 năm qua, các cấp, ngành của tỉnh Quảng Ninh đã cùng vào cuộc tích cực trong việc tháo gỡ các điểm nghẽn của Đề án 06 trên cả 5 nhóm nhiệm vụ.
Trong đó, về thể chế, tỉnh đã triển khai áp dụng quy trình 5 bước trên môi trường điện tử trong xử lý các thủ tục hành chính. Đối với công nghệ thông tin, tỉnh đã chủ động triển khai 7 giải pháp, trong đó có tích hợp Trung tâm dữ liệu của tỉnh, 6 giải pháp cơ bản được Ban Cơ yếu Chính phủ và Bộ TT&TT hướng dẫn. Đối với dịch vụ công trực tuyến tỉnh, Quảng Ninh đã thực hiện giao chỉ tiêu cho từng địa phương với tiêu chí năm sau phải cao hơn năm trước; số hóa 100% thủ tục hành chính tại tất cả Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh, huyện, cấp xã và bố trí cán bộ tại tất cả các Trung tâm phục vụ hành chính công để tăng cường hướng dẫn nhân dân. Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đạt tỷ lệ cao. Quảng Ninh quyết tâm từ tháng 7/2024 sử dụng VNEID trong giải quyết thủ tục hành chính. Về dữ liệu, tỉnh đã hoàn thành kết nối dữ liệu quốc gia, có 14 dữ liệu quốc gia của 14 bộ, ngành Trung ương, trong đó có 8 dữ liệu đang khai thác và 6/14 dữ liệu đang được thử nghiệm; triển khai đào tạo tập huấn trên 43 nghìn lượt công chức trong toàn tỉnh để nâng cao kỹ năng của nguồn nhân lực.
Tỉnh Quảng Ninh cũng mong muốn Chính phủ sớm tháo gỡ những vướng mắc trong triển khai một số thủ tục hành chính, hướng tới dịch vụ công trực tuyến toàn trình; cho phép Quảng Ninh tham gia thí điểm vào hệ thống thông tin quản lý đất đai quốc gia; cũng như sớm sửa đổi Nghị định 73 của Bộ TT&TT phù hợp với thực tiễn hiện nay; ban hành Luật Giao dịch điện tử trong thời gian gần nhất.
Các ý kiến tham gia tại hội nghị đã làm rõ hơn các báo cáo của các bộ ngành địa phương, phân tích làm rõ những vướng mắc đang gặp phải trong triển khai Đề án 06, cũng như các giải pháp nhằm phát triển thương mại điện tử và chống thất thu thuế trong lĩnh vực này.
Chỉ đạo kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương; biểu dương những địa phương, trong đó có Quảng Ninh có cách làm hay, sáng tạo, trong triển khai Đề án 06 và Chỉ thị 18 về phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế từ thương mại điện tử.
Thủ tướng cũng yêu cầu trong thời gian tới từng cán bộ công chức cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện có hiệu quả, xử lý dứt điểm những vướng mắc, tồn tại trong quá trình triển khai.
Cụ thể, các bộ, ngành, địa phương cần nhanh chóng hoàn thiện các thể chế, chính sách liên quan đến dữ liệu dân cư, kết nối chia sẻ dữ liệu trong toàn quốc; tiếp tục đơn giản hoá các thủ tục hành chính; nâng cao số lượng và chất lương các dịch vụ công; áp dụng triển khai tài khoản VNEID thuận lợi để thực hiện các dịch vụ công trên môi trường điện tử. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ phát triển hạ tầng số và xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia, đảm bảo dữ liệu đúng, đủ, sạch, sống; đảm bảo an ninh mạng, an toàn mạng cho người dân và doanh nghiệp.
Song song với phát triển thương mại điện tử phải đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng trên môi trường số; đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý thuế đối với các giao dịch thương mại điện tử; quyết liệt thực hiện hoá đơn điện tử và xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp cố tình vi phạm.