Ngày 11/9, Tỉnh uỷ ban hành Công văn số 2264 – CV/TU về việc tiếp tục tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 (YAGI) và mưa lũ sau bão.
Ngày 10/9/2024, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 92/CĐ-TTg “Về việc tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão”; trước diễn biến mới của tình hình thời tiết và dự báo có khả năng nước lũ dâng cao tại một số địa phương, để tiếp tục tập trung cao nhất công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện một cách quyết liệt và khẩn trương nhất công tác khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão, Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, đảng ủy trực thuộc, chính quyền các địa phương và các cơ quan, đơn vị tập trung triển khai tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả của cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão; trong đó tập trung triển khai một số nội dung sau:
1. Đồng chí bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh về việc tổ chức ứng phó với hoàn lưu sau bão, khắc phục hậu quả sau cơn bão số 3 và việc nước lũ dâng cao tại một số địa phương, trong đó lưu ý:
(1) Tổ chức, phân công trực ban nghiêm túc, đặc biệt là những vị trí dọc tuyến ven sông Đông Triều, Uông Bí, Quảng Yên, tuyến dọc sông Ba Chẽ, sông Phố Cũ, huyện Tiên Yên và các hồ chứa nước; chủ động, sẵn sàng phương tiện, lực lượng ứng phó khi có diễn biến bất thường từ thượng nguồn, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. Xây dựng ngay phương án di dời người dân ra khỏi những nơi có nguy cơ nước lũ dâng cao đe dọa đến tính mạng và bố trí nơi ở tạm an toàn, bảo đảm lương thực, thực phẩm thiết yếu và điều kiện sinh hoạt cho người dân; chuẩn bị, phương án, bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng kích hoạt ngay khi có tình huống xảy ra.
(2) Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các lực lượng vũ trang của Trung ương, của tỉnh trong việc tập trung tìm kiếm, cứu nạn đối với những người còn mất tích (trong đó lưu ý bảo đảm an toàn tuyệt đối cho lực lượng tìm kiếm cứu nạn); cứu chữa miễn phí cho người bị thương; tổ chức thăm hỏi, động viên kịp thời thân nhân và hỗ trợ lo hậu sự chu đáo cho người bị thiệt mạng; tổ chức dọn dẹp vệ sinh môi trường biển, sông, hồ.
(3) Tổ chức cứu trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các hộ dân có nguy cơ thiếu đói, nhất là các hộ tại các khu vực còn bị cô lập; bố trí chỗ ở tạm an toàn cho các hộ bị mất nhà ở bảo đảm lương thực, thực phẩm thiết yếu và điều kiện sinh hoạt; tuyệt đối không để ai bị đói, bị rét, không có nơi ở.
(4) Kiểm tra, rà soát, thống kê đầy đủ, chính xác toàn bộ thiệt hại đối với sản xuất, tài sản của người dân, tổ chức, doanh nghiệp và công trình cơ sở hạ tầng của nhà nước gửi về UBND tỉnh để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong ngày 11/9/2024; chủ động huy động nguồn lực của địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để khẩn trương khắc phục hậu quả bão, mưa lũ để nhanh chóng ổn định lại đời sống cho người dân, khẩn trương khôi phục sản xuất kinh doanh.
(5) Tập trung khắc phục nhanh các tuyến giao thông liên thôn, liên xã trọng yếu phục vụ công tác vận chuyển hàng cứu trợ và tìm kiếm cứu nạn, đồng thời đảm bảo giao thông an toàn.
2. Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh chỉ đạo:
(1) Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: (i1) Thường xuyên, liên tục cập nhật và gửi thông tin, báo cáo về mực nước tại các sông, hồ, đập… trên phạm vi toàn tỉnh đến Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực UBND tỉnh và các địa phương, cơ quan, đơn vị có liên quan; (i2) Tiếp tục chỉ đạo, triển khai kịp thời các biện pháp bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, phát hiện, xử lý kịp thời các sự cố ngay từ giờ đầu; (i3) Chỉ đạo các biện pháp khắc phục ảnh hưởng của bão, mưa lũ đối với sản xuất nông nghiệp, khôi phục sản xuất nông nghiệp ngay sau bão, mưa lũ; (i4) Chỉ đạo tổng hợp nhu cầu, kịp thời báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền quyết định hỗ trợ giống để khôi phục sản xuất nông nghiệp.
(2) Giám đốc Y tế chỉ đạo cứu chữa người bị thương; kịp thời cung cấp đủ cơ số thuốc, bảo đảm công tác khám chữa bệnh cho người dân tại những vùng bị ảnh hưởng thiên tai, hướng dẫn người dân xử lý nước sinh hoạt, xử lý môi trường, không để bùng phát dịch bệnh sau bão, lũ.
(3) Giám đốc Sở Công Thương thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực được giao, chỉ đạo Công ty Điện lực Quảng Ninh và các cơ quan, tổ chức có liên quan tập trung sửa chữa, khôi phục nhanh nhất hệ thống điện, bảo đảm cấp điện cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân, trong đó ưu tiên bảo đảm cấp điện cho bệnh viện, cơ sở y tế, các hoạt động sản xuất quan trọng; có phương án bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa, tăng cường kiểm soát thị trường, không để xảy ra thiếu hàng, tăng giá bất hợp lý, tiêu thụ hàng giả, kém chất lượng trong thời gian tới, nhất là dịp cuối năm 2024 và Tết nguyên đán.
(4) Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo khẩn trương vệ sinh trường lớp, khắc phục cơ sở vật chất bị hư hại do bão, lũ; vận động toàn ngành, toàn quốc hỗ trợ trang thiết bị giảng dạy, sách vở và đồ dùng học tập cho các trường học, cơ sở giáo dục bị thiệt hại tạo điều kiện cho học sinh sớm trở lại học bình thường.
(5) Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước về truyền thông, báo chí, chỉ đạo các đơn vị viễn thông trên địa bàn tỉnh nhanh chóng khôi phục toàn bộ các mạng viễn thông bảo đảm sóng cho sản xuất kinh doanh, dịch vụ cho Nhân dân.
(6) Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ đạo đơn vị chức năng phối hợp với các địa phương rà soát những hộ dân bị ảnh hưởng mưa lũ, kịp thời đề xuất hỗ trợ lương thực cho các hộ dân có nguy cơ thiếu đói, bảo đảm ổn định đời sống cho người dân, nhất là các hộ ở vùng bị cô lập.
(7) Giám đốc Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – Chi nhánh Quảng Ninh: (i1) chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách giãn hoãn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí…; (i2) Rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn, kịp thời áp dụng các chính sách hỗ trợ lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ, tiếp tục cho vay đối với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp bị thiệt hại do bão, mưa lũ theo quy định của pháp luật để tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có điều kiện khôi phục sản xuất kinh doanh.
3. Các đơn vị ngành than chủ động, tích cực phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão; chuẩn bị kỹ càng các phương án phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn ở tất cả các đơn vị; có phương án, kế hoạch điều động, bố trí các xe vận tải của ngành để hỗ trợ địa phương trong công tác thu gom, vận chuyển rác về nơi tập kết khi có đề nghị.
4. Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ theo địa bàn được phân công tiếp tục theo dõi và chủ động nắm bắt sát tình hình và trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo hiện trường trong trường hợp cần thiết. Các sở, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi diễn biến thời tiết và mưa hoàn lưu sau bão, mực nước tại các sông hồ, đập, sẵn sàng các biện pháp ứng phó với mọi tình huống; tiếp nhận thông tin, báo cáo tình hình triển khai kịp thời về Thường trực Tỉnh ủy khi có yêu cầu, tình huống phức tạp, nảy sinh.