Từ đầu năm 2024 đến nay, với sự lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, toàn diện của Tỉnh uỷ, HĐND và UBND tỉnh, kinh tế – xã hội của Quảng Ninh đạt nhiều kết quả tích cực, bước đầu thực hiện thành công chủ đề công tác năm 2024 “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”.
6 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng GRDP đạt 9,02%. Trong đó khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 4,3%; khu vực công nghiệp – xây dựng tăng 7,68%; khu vực dịch vụ tăng 13,85%; thuế sản phẩm tăng 4,7%. Quy mô GRDP ước đạt 161.600 tỷ đồng. Cùng với tăng trưởng kinh tế, các vấn đề về an sinh xã hội, y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ môi trường cũng được tỉnh Quảng Ninh đặc biệt quan tâm. Trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn toàn tỉnh đã giảm 81/246 hộ nghèo theo tiêu chí mới của tỉnh; tạo việc làm tăng thêm khoảng 17.400 lượt lao động, tăng 7.800 lượt so với cùng kỳ năm 2023. Công tác giáo dục, chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho người dân được duy trì và nâng cao. Các hoạt động văn hóa, thể thao, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ cũng đạt nhiều kết quả quan trọng.
Trong quá trình đó, tỉnh Quảng Ninh đã tiếp tục huy động mọi nguồn lực, đa dạng hình thức đầu tư; đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy liên kết vùng. Về đầu tư công, đến ngày 14/6/2024, tổng kế hoạch vốn đầu tư công là 15.130,929 tỷ đồng, cao hơn 850,209 tỷ đồng so với kế hoạch HĐND tỉnh giao đầu năm (14.280,72 tỷ đồng), trong đó số vốn đã phân khai chi tiết là 15.123,438 tỷ đồng (tương đương 99,95% kế hoạch vốn). Vốn giải ngân đến 14/6/2024 đạt 2.351,682 tỷ đồng, bằng 15,5% kế hoạch vốn và đạt 16,8% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm (14.278,211 tỷ đồng).
Về đầu tư ngoài ngân sách, tỉnh tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các công trình trọng điểm ngoài ngân sách. Tính đến hết ngày 30/6/2024, tổng vốn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên địa bàn tỉnh đạt 1.557,24 triệu USD, bằng 51,9% kế hoạch năm 2024 (3 tỷ USD), bằng 218,9% cùng kỳ năm 2023. Trong đó có 23 dự án cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đạt 1.357,97 triệu USD và 16 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn đạt 199,21 triệu USD. Đến ngày 18/6/2024, thu hút vốn đầu tư trong nước ngoài ngân sách đạt trên 9.658 tỷ đồng, bằng 15,7% kế hoạch năm (61.500 tỷ đồng); tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 48.035 tỷ đồng, tăng 9,1% so với cùng kỳ.
Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục huy động tối đa mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trọng tâm là hạ tầng giao thông, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng đô thị, đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư, triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2024. Phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tự công đến 30/9/2024 đạt tối thiểu 80% và đến 31/12/2024 đạt 100% kế hoạch vốn đầu tư giao đầu năm. Đặc biệt là ưu tiên nguồn lực cho các công trình trọng điểm; công trình chuyển tiếp, công trình hoàn thành trong năm 2024. Trong đó, đẩy mạnh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông, tổng thể, có trọng tâm, trọng điểm; sớm hoàn thành dứt điểm các dự án hạ tầng giao thông chiến lược, thúc đẩy liên kết vùng và nội vùng như: Đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long – Hải Phòng đến TX Đông Triều, xây dựng hoàn chỉnh nút giao Đầm Nhà Mạc, cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 342, QL279…; phối hợp chặt chẽ với TP Hải Phòng phấn đấu hoàn thành, đưa vào khai thác cầu Bến Rừng, cầu Lại Xuân trong năm 2024. Cùng với đó, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thành, đưa vào khai thác dự án sân Golf Đông Triều trong năm 2024; quyết liệt triển khai có hiệu quả Đề án cải tạo, nâng cấp giao thông nông thôn tỉnh giai đoạn 2024-2030, Đề án nâng cấp đô thị TX Quảng Yên, Đề án thành lập TP Đông Triều…
Đồng thời, tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Đẩy mạnh thu hút tối đa nguồn lực đầu tư, đa dạng hóa các hình thức huy động và sử dụng nguồn lực, nhất là các nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước; ưu tiên thu hút các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm đầu tư phát triển các tiềm năng, lợi thế theo hướng bền vững, thân thiện môi trường, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.