Trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước tiếp tục biến động khó lường, tiếp tục giảm thuế, phí, lệ phí trong năm 2024 là thông điệp mạnh mẽ từ Bộ Tài chính trước thềm năm mới 2024.
Đồng thời, Bộ cũng tiếp tục cải cách trên mọi mặt công tác nhằm tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Bộ Tài chính đã chủ động theo dõi sát diễn biến thực tế để nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền cũng như ban hành theo thẩm quyền nhiều giải pháp về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế phục hồi và phát triển, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát.
Giảm gần 200 nghìn tỷ đồng
Trong năm 2023, Bộ Tài chính đã khẩn trương nghiên cứu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền các giải pháp về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất áp dụng cho năm 2023 là gần 200 nghìn tỷ đồng. Trong đó, số tiền thuế được giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) vào khoảng 24 nghìn tỷ đồng; mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn khoảng 38 nghìn tỷ đồng; số tiền thuế, tiền thuê đất được xem xét gia hạn là hơn 110 nghìn tỷ đồng; số thuế gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô-tô sản xuất, lắp ráp trong nước khoảng 11,2 nghìn tỷ đồng, giảm lệ phí trước bạ đối với ô-tô sản xuất, lắp ráp trong nước khoảng 9.000 tỷ đồng… Đến ngày 25/12/2023 đã thực hiện giảm, gia hạn là khoảng 193,4 nghìn tỷ đồng (trong đó, số tiền được gia hạn khoảng 115 nghìn tỷ đồng; số tiền được giảm khoảng 78,4 nghìn tỷ đồng).
Như vậy, các giải pháp giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất với giá trị hỗ trợ lớn, phạm vi hỗ trợ rộng đã và đang tiếp tục được triển khai, góp phần vào đà phục hồi của doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế. Đáng lưu ý, các chính sách giảm thuế GTGT áp dụng đối với nhiều hàng hóa, dịch vụ chịu mức thuế suất 10% và giảm thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn đã có “tác dụng kép”, vừa giúp giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, đồng thời góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội trong điều kiện sức ép lạm phát, chi phí tăng cao.
Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, trong quá trình xây dựng các giải pháp nêu trên, từ kinh nghiệm thực tế và tham khảo ý kiến rộng rãi của cơ quan, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp, người dân, Bộ Tài chính đều đã quy định rõ việc áp dụng ngay các giải pháp hỗ trợ mà không phải chờ báo cáo mức độ ảnh hưởng của doanh nghiệp.
Đồng thời, trên cơ sở quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn, các đối tượng thụ hưởng sẽ tự xác định, kê khai số thuế phải nộp dựa trên quy định của pháp luật về thuế và điều kiện thực tế của mình, bảo đảm việc thực hiện công khai, minh bạch và thuận lợi. Việc ban hành và thực hiện các giải pháp nêu trên cũng đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao của cộng đồng doanh nghiệp, người dân; góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh để đóng góp vào kết quả tích cực về phát triển kinh tế-xã hội.
Đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện thể chế
Bên cạnh việc chuẩn bị các điều kiện cần và đủ để tiếp tục giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, dự kiến sẽ giảm thu khoảng 42,5 nghìn tỷ đồng, Bộ Tài chính đã ban hành quy định về phí, lệ phí nhằm khuyến khích sử dụng dịch vụ công trực tuyến với mức giảm phí, lệ phí từ 10-50%, dự kiến thực hiện chính sách này sẽ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khoảng
100 tỷ đồng/năm. Đồng thời, Bộ đã và đang chủ động, phối hợp các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát mức thuế suất thuế xuất nhập khẩu để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong nước… Cùng với đó, Bộ Tài chính tiếp tục cải cách trên mọi mặt công tác: hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, cải cách thủ tục hành chính theo hướng toàn diện và hiệu quả hơn, tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hóa các lĩnh vực của ngành tài chính, nhất là trong các lĩnh vực thuế, hải quan, vốn được xem là các lĩnh vực có liên quan nhiều và trực tiếp tới doanh nghiệp, người dân.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp áp dụng cho năm 2024. Trước mắt, Bộ Tài chính khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả chính sách giảm (2%) thuế suất thuế GTGT như đã áp dụng trong năm 2023 đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 10% vừa được Quốc hội thông qua tại nghị quyết kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Đặc biệt là chuẩn bị đủ điều kiện để việc giảm thuế nhanh chóng đi vào cuộc sống, đến ngay với các đối tượng gặp khó khăn cần hỗ trợ. Dự kiến, thực hiện giải pháp này số tiền thuế được giảm khoảng 25 nghìn tỷ đồng.
Về lâu dài, quán triệt các chủ trương, định hướng đã được đề ra tại các nghị quyết của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Bộ Tài chính đã và đang nghiên cứu, tham mưu với các cấp có thẩm quyền nhiều giải pháp nhằm hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách thuế phù hợp các tiêu chuẩn của hệ thống thuế tốt theo thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu về nguồn lực để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030, hướng tới một hệ thống thuế đồng bộ, bảo đảm huy động hợp lý các nguồn lực cho ngân sách nhà nước.
Trong đó, cần xem xét đưa hộ kinh doanh vào diện được hưởng chính sách ưu đãi, thực hiện công bằng về thuế trong đời sống kinh tế-xã hội. Những giải pháp này sẽ góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng, bảo đảm tính bền vững của nền kinh tế.