Mục tiêu của Quảng Ninh đến năm 2030 là trở thành một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; là trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc bộ và cả nước… Để hiện thực hoá mục tiêu này, Quảng Ninh tiếp tục coi trọng huy động các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách và thực hiện nhiều giải pháp để đưa nguồn lực này trở thành động lực phát triển quan trọng của tỉnh.
Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu tổng vốn đầu tư toàn xã hội đến năm 2025 đạt trên 117.000 tỷ đồng, trung bình giai đoạn 2021-2025 tăng trên 10%/năm. Trên cơ sở này, tỉnh ưu tiên kêu gọi, thu hút đầu tư và sẵn sàng tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư vào những ngành nghề, lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế cạnh tranh vượt trội, tiềm năng khác biệt, nhất là du lịch, dịch vụ tổng hợp hiện đại; công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ, các ngành công nghệ cao, công nghệ thông minh; kinh tế biển, logistics, cảng biển và dịch vụ cảng biển; nông nghiệp sinh thái. Cùng với đó là các nhóm ngành thúc đẩy kinh tế xanh như năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, điện khí, điện gió; phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, trung tâm đổi mới sáng tạo…
Để có thể thuyết phục được các nhà đầu tư lớn, chiến lược từ các quốc gia trên thế giới, tỉnh cũng cam kết sẽ nỗ lực hết sức mình để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp vào đầu tư, kinh doanh và sinh sống gắn bó với Quảng Ninh. Theo đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh: Với phương châm thành công của doanh nghiệp cũng là thành công của tỉnh, Quảng Ninh cam kết tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi, thông thoáng để các nhà đầu tư, doanh nghiệp cùng đồng hành, đóng góp và sẻ chia những thành công.
Ông Ozawa Kenichi, Tổng Giám đốc dự án Tamagawa Việt Nam, cho biết: Chúng tôi đánh giá cao tiềm năng, lợi thế và môi trường đầu tư kinh doanh tại Quảng Ninh. Do đó, chúng tôi quyết định đầu tư dự án tại KCN Amata City Hạ Long. Dự án sản xuất máy cảm biến cung cấp cho sản xuất ô tô với quy mô 14,49 triệu sản phẩm/năm, tổng vốn đầu tư 832,6 tỷ đồng. Tại đây, chúng tôi sẽ phát triển công nghệ và bán công nghệ, giải quyết việc làm cho lao động địa phương thúc đẩy kinh tế – xã hội. Chỉ trong một thời gian ngắn, với sự đồng hành, hỗ trợ và sát cánh của sở, ngành và địa phương, chúng tôi vui mừng khi dự án đã được trao giấy chứng nhận đầu tư. Trong tương lai, chúng tôi cam kết tiếp tục ưu tiên đổi mới công nghệ, đồng hành cùng sự phát triển của địa phương, hợp tác lâu dài với tỉnh Quảng Ninh. Chúng tôi hy vọng tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của tỉnh Quảng Ninh và các sở, ngành, địa phương cho Tamagawa nói riêng và các doanh nghiệp Nhật Bản nói chung. Đây cũng sẽ là nền tảng quan trọng cho việc triển khai các dự án của Tamagawa tại Quảng Ninh và Việt Nam.
Trong năm 2023, tỉnh đã xây dựng kế hoạch xúc tiến đầu tư chủ động, có trọng tâm, trọng điểm; thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên các dự án có công nghệ cao, thân thiện môi trường, vốn đầu tư cao, đóng góp lớn ngân sách… Đồng thời tích cực đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh để tạo đột phá thu hút vốn đầu tư. Đặc biệt kiên quyết loại bỏ các rào cản bất hợp lý, các chi phí không chính thức; nắm chắc tình hình, chủ động tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Song song với đó tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất; khẩn trương hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai; bảo đảm quản lý, vận hành, kết nối và chia sẻ thông tin tập trung, thống nhất. Tỉnh cũng thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, chuẩn bị quỹ đất sạch, mặt bằng sản xuất sẵn sàng thu hút các dự án đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo. Rà soát thường xuyên, đánh giá hiện trạng từng khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh về công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất, dự án đầu tư, môi trường, lao động, hạ tầng xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, hiệu quả kinh tế – xã hội… để khắc phục những hạn chế, tháo gỡ khó khăn, đáp ứng cho nhà đầu tư và kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ, có sai phạm, gây lãng phí đất đai… theo quy định của pháp luật.
Để tạo niềm tin bền vững, Quảng Ninh cam kết sẽ trao quyền mạnh mẽ hơn nữa cho cộng đồng nhà đầu tư, doanh nghiệp “đo lường”, đánh giá khách quan, độc lập thông qua các kênh phản hồi, phiếu điều tra, khảo sát tính thực chất cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, mức độ tín nhiệm đối với bộ máy chính quyền điều hành cấp cơ sở. Đặc biệt, các cấp, các ngành từ tỉnh đến các địa phương phải nghiêm túc lắng nghe, tiếp thu các phản ánh của doanh nghiệp, để có hướng giải quyết thỏa đáng và từ đó nâng cao hiệu quả quản lý ngành mình…
Minh chứng rõ nét nhất là 10 tháng năm 2023, tổng vốn thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh ước đạt 5 tỷ USD, trong đó thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt con số kỷ lục nhất từ trước đến nay với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 3,11 tỷ USD, bằng 311% chỉ tiêu nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và HĐND tỉnh (ít nhất 1 tỷ USD), bằng 259,2% kế hoạch của UBND tỉnh (đạt 1,2 tỷ USD); thu hút vốn đầu tư trong nước ngoài ngân sách ước đạt 1,9 tỷ USD, vượt 17,3% kế hoạch của UBND tỉnh. Với việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt trên 3,11 tỷ USD, Quảng Ninh trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI. Đây thực sự là những con số biết nói và khẳng định môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hết sức thuận lợi. Các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhà đầu tư, doanh nghiệp hoạt động, phát triển hiệu quả, bền vững. Điều này cũng thể hiện rõ sự cầu thị của tỉnh thông qua các hành động cụ thể với phương châm luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua mọi khó khăn, đẩy mạnh phát triển sản xuất.