Diện tích đất lâm nghiệp của huyện Tiên Yên hiện có 43.000ha, trong đó diện tích trồng cây quế có 1.000ha. Đây là cây trồng có giá trị kinh tế đối với các hộ dân trồng rừng trên địa bàn. Thực hiện mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững gắn với gia tăng thu nhập cho người dân khu vực nông thôn, huyện Tiên Yên đã và đang triển khai, vận động nhân dân duy trì, mở rộng vùng trồng quế hữu cơ theo hướng liên kết sản phẩm để tạo thu nhập ổn định.
Đại Dực là xã miền núi của huyện Tiên Yên có tổng diện tích 46,29km2 với 7 dân tộc đang sinh sống, trong đó chiếm đông nhất là dân tộc Sán Chỉ với 83,3%. So với nhiều xã khác trên địa bàn huyện, điều kiện sản xuất của nhân dân nơi đây khá vất vả do địa hình đất dốc. Vì vậy, trong phát triển kinh tế, lâm nghiệp vẫn là thế mạnh của xã Đại Dực. Diện tích trồng rừng trên địa bàn xã có 3.739,2ha, trong đó chủ yếu là thông, keo và quế. Trong đó, cây quế có chu kỳ trồng từ 12 năm trở lên mới được thu hoạch, so với trồng keo thời gian trồng quế bằng 2 chu kỳ, song bù lại giá trị cao và không làm đất rừng bạc màu nên nhiều năm trở lại đây nhân dân trong xã đã chuyển từ trồng keo sang trồng quế.
Ông Hoàng Việt Tùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đại Dực, cho biết: Đối với xã Đại Dực ngoài tập trung cho trồng thông lấy nhựa thì quế cũng là cây trồng được nhân dân trên địa bàn phát triển mạnh. Nhân dân trong xã đã tập trung mở rộng diện tích trồng quế, 3 năm gần đây đã có những diện tích quế hữu cơ được liên kết với doanh nghiệp thực hiện để gia tăng giá trị thu nhập.
Diện tích trồng quế của Đại Dực hiện có 600ha, trong đó trồng hữu cơ có gần 150ha và đã được cấp mã vùng trồng 10ha. Xã Đại Dực cũng định hướng thời gian tới mỗi năm trồng thêm 50ha quế để từ đó góp phần gia tăng thu nhập cho nhân dân trên địa bàn.
Anh Sằn A Phật (thôn Khe Lặc, xã Đại Dực) chia sẻ: Gia đình tôi trồng quế nhiều năm rồi nhưng 4 năm gần đây đã trồng, chăm sóc theo hướng hữu cơ. Trồng cây quế tương đối đơn giản không phải mất công chăm bón nhiều và cho thu nhập khá. Đặc biệt, từ năm 2022 đến nay, huyện có liên kết với Công ty Sơn Hà Hương Vị trong bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nhân dân nên người dân chúng tôi rất yên tâm không phải tìm thị trường tiêu thụ, thu nhập cũng cao hơn.
Diện tích quế của huyện Tiên Yên hiện có 1.000ha, tập trung ở các xã Đại Dực, Yên Than, Phong Dụ, Đông Ngũ, Hải Lạng. Từ năm 2022, huyện Tiên Yên đã thực hiện chương trình liên kết với Công ty Sơn Hà Hương Vị để cung cấp nguyên liệu quế phục vụ xuất khẩu đi thị trường châu Âu. Từ chương trình này Công ty còn phối hợp với 41 hộ dân xã Đại Dực triển khai trồng được 150ha quế hữu cơ và được cơ quan chức năng đánh giá chất lượng hằng năm.
Bà Đỗ Thị Duyên, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tiên Yên, cho biết: Năm 2023 vừa qua, sản lượng quế thu hoạch trên địa bàn huyện đạt 400 tấn. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng cơn bão số 3, huyện Tiên Yên có gần 400ha quế bị thiệt hại nên dự kiến sản lượng quế thu hoạch sẽ bị sụt giảm đáng kể. Hiện tranh thủ thời tiết nắng, các hộ trồng quế trên địa bàn cũng đang tích cực dọn dẹp để tận thu diện tích quế bị gãy đổ, đồng thời bắt tay ngay vào vụ thu hoạch quế cuối năm và chuẩn bị để sớm triển khai trồng rừng vụ xuân năm 2025 tới đây.
Thực hiện Đề án phát triển rừng bền vững huyện Tiên Yên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, huyện tập trung đẩy mạnh kinh tế trồng rừng, trong đó quế là cây trồng chính trong các cây lâm nghiệp trên địa bàn huyện. Trong thời gian tới huyện Tiên Yên cũng tiếp tục tuyên truyền vận động nhân dân mở rộng thêm diện tích trồng quế hữu cơ liên kết với Công ty Sơn Hà Hương Vị. Qua đó, góp phần gia tăng sản lượng quế cũng như nâng cao giá trị sản xuất cho nhân dân trồng rừng của huyện.