Thực hiện chủ đề công tác năm của tỉnh về “Phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”, huyện Tiên Yên đã tập trung phát triển văn hóa gắn với bản sắc của đồng bào các dân tộc trên địa bàn.
Theo đó, huyện Tiên Yên đặt ra mục tiêu với quan điểm: Phát triển văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa đặc sắc Quảng Ninh trở thành sức mạnh nội sinh, nguồn lực và động lực phát triển; ngăn chặn sự suy thoái về đạo đức, lối sống…
Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Tiên Yên Đào Xuân Thắng, với tinh thần triển khai thực hiện quyết liệt, Ban Thường vụ Huyện ủy Tiên Yên đã ban hành các văn bản để kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các nhiệm vụ chính trị, tập trung vào các lĩnh vực công tác quan trọng, nhiệm vụ trọng tâm. Đặc biệt, có những giải pháp bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn gắn với phát triển du lịch; tiếp tục xây dựng tại mỗi xã, phường tối thiểu một mô hình về bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá, quy hoạch và triển khai trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hoá, nâng tầm quy mô và chất lượng các lễ hội dân tộc Dao, Tày, Sán Chỉ, Sán Dìu…
Trên cơ sở đó, huyện tập trung hoàn thiện các đề án: Bảo tồn văn hóa dân tộc Sán Dìu, xây dựng làng văn hoá Tày tại thôn Đồng Đình (xã Phong Dụ), xây dựng chợ phiên văn hoá vùng cao Hà Lâu. Duy trì thường niên và quảng bá rộng rãi lễ hội Đồng Đình gắn với ngày hội văn hoá thể thao dân tộc Tày, lễ hội văn hoá thể thao dân tộc Sán Chỉ gắn với mùa vàng vùng cao Đại Dực, lễ hội văn hoá dân tộc Dao gắn với chợ phiên vùng cao Hà Lâu, lễ hội đền Đức ông Hoàng Cần gắn với ngày hội văn hoá thể thao dân tộc Sán Dìu. Huyện cũng duy trì tốt hoạt động của phố đi bộ Tiên Yên vào tối thứ bảy hằng tuần.
Cùng với đó, huyện chú trọng xây dựng quy hoạch, kế hoạch quản lý nhà nước về lễ hội, phục dựng các lễ hội truyền thống, tích cực gìn giữ, bảo tồn các giá trị, tài sản vô giá của cộng đồng bằng việc triển khai các đề án bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch. Các lễ hội đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân nơi đây và trở nên quen thuộc với đông đảo du khách ở cả trong và ngoài huyện. Hằng năm, huyện mở các lớp năng khiếu hè cho học sinh, trong đó mở 3-5 lớp hát then, hát soóng cọ, hát đối, đẩy gậy… góp phần giữ gìn di sản văn hoá phi vật thể các dân tộc thiểu số.
Với quan điểm lấy người dân làm trung tâm, huyện Tiên Yên thực hiện các giải pháp tạo cơ hội bình đẳng cho mọi người dân tham gia và thụ hưởng thành quả phát triển, đáp ứng ngày càng đầy đủ hơn nhu cầu vật chất và tinh thần của nhân dân; tạo điều kiện thuận lợi để người dân được tiếp cận những nguồn lực chung, được tham gia, đóng góp, hưởng lợi, tạo ra những nền tảng vật chất, tri thức và văn hóa tốt đẹp cho xã hội.
Năm 2024, huyện phấn đấu 100% học sinh phổ thông các cấp học được tiếp cận giáo dục nghệ thuật, giáo dục di sản văn hóa, được tham quan các di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh các cấp, hoặc Bảo tàng tỉnh, Thư viện tỉnh; 95% hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”; 97% thôn, khu đạt danh hiệu “Thôn, khu phố văn hóa”; thị trấn Tiên Yên đạt “Thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”; 85% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt danh hiệu “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa”; 100% xã, thị trấn hoàn thành rà soát quỹ đất xây dựng các điểm vui chơi, giải trí, thể thao dành cho nhân dân, thanh thiếu nhi; diện tích quỹ đất mỗi nhà văn hóa thôn, khu đạt tối thiểu 700m2 ở nông thôn, 500m2 ở khu phố.
Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, huyện Tiên Yên có kế hoạch tập trung triển khai, trong đó quan tâm chăm lo xây dựng văn hóa chính trị, văn hoá cầm quyền, văn hoá quản lý, văn hoá liêm chính, gắn với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đồng thời, xây dựng đội ngũ CBCCVC, người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành thực sự là tấm gương về văn hóa, đạo đức, lối sống, tự quản bản thân, tự chủ hành vi; tiên phong tự học tập; thật sự tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân.