Thực hiện chủ đề công tác năm 2024 của tỉnh về nội dung “Phát triển văn hoá, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”, huyện Tiên Yên xác định rõ nội dung trọng tâm, phân công trách nhiệm cụ thể đối với từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Đồng thời giải quyết hài hòa, hiệu quả giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hoá, xây dựng văn hoá trong chính trị và kinh tế.
Hành động quyết liệt, khoa học, hiệu quả
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ chủ đề công tác năm 2024, UBND huyện yêu cầu các cơ quan, đơn vị, các địa phương quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, đoàn kết, thích ứng linh hoạt, hành động quyết liệt, khoa học, hiệu quả, đổi mới, sáng tạo với quan điểm: Phát triển văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa đặc sắc Quảng Ninh trở thành sức mạnh nội sinh, nguồn lực và động lực phát triển; ngăn chặn sự suy thoái về đạo đức, lối sống.
Huyện phấn đấu: 100% học sinh phổ thông các cấp học được tiếp cận giáo dục nghệ thuật, giáo dục di sản văn hóa, được tham quan các di tích được xếp hạng di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh các cấp hoặc Bảo tàng tỉnh, Thư viện tỉnh; 95% hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa; 97% thôn, khu đạt danh hiệu thôn, khu phố văn hóa; thị trấn Tiên Yên đạt thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; 85% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt danh hiệu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa; 100% xã, thị trấn hoàn thành rà soát quỹ đất xây dựng các điểm vui chơi, giải trí, thể thao dành cho nhân dân, thanh thiếu nhi; diện tích quỹ đất mỗi nhà văn hóa thôn đạt tối thiểu 700m2 ở nông thôn, 500m2 ở khu phố.
Tiên Yên đặt mục tiêu hoàn thành điều chỉnh Quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/500 Đền Đức ông Hoàng Cần; phát triển, nâng tầm Lễ hội Mùa vàng miền Soóng Cọ, Lễ hội Đền Đức ông Hoàng Cần; phối hợp với Hội VHNT tỉnh tổ chức Trại sáng tác VHNT huyện chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Tiên Yên. Huyện đề xuất với cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ khó khăn về quản lý, khai thác Di tích lịch sử Khe Tù; lập hồ sơ bổ sung đưa vào danh mục kiểm kê di sản văn hóa ruộng bậc thang dân tộc Sán Chỉ (xã Đại Dực)…
Huyện phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 90%, trong đó đào tạo có bằng, chứng chỉ 65,82%; tạo ra ít nhất 2.000 việc làm tăng thêm. Huyện không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của tỉnh, giảm trên 50% số hộ cận nghèo.
Tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt 100%, trong đó có 7 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2; sáp nhập Trường Tiểu học Đông Ngũ I với Trường Tiểu học Đông Ngũ II; xây dựng Đề án sáp nhập Trường THCS thị trấn với Trường THPT Tiên Yên, gắn với nâng cao chất lượng giáo dục. Bố trí quỹ đất để di chuyển và xây mới Trạm Y tế thị trấn Tiên Yên, đạt 59 giường bệnh, 15 bác sĩ, 2,8 dược sĩ đại học, 25 điều dưỡng/vạn dân. Tỷ lệ người tập luyện TDTT thường xuyên đạt 42,5%, tỷ lệ gia đình thể thao đạt 26%…
Phát triển văn hóa đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội
Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, huyện đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, sáng tạo. Trong đó chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa chính trị, văn hoá cầm quyền, văn hoá quản lý, văn hoá liêm chính, gắn với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; trọng tâm là xây dựng văn hoá qua thực hành dân chủ, liêm chính công vụ, hành động vì nhân dân của hệ thống chính trị, cơ quan, đơn vị. Đồng thời xây dựng đội ngũ CBCCVC, người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành thực sự là tấm gương về văn hóa, đạo đức, lối sống, tự quản bản thân, tự chủ hành vi; tiên phong tự học tập nâng tầm trí tuệ; thật sự tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân.
Huyện chú trọng xây dựng và phát triển các thương hiệu doanh nghiệp Tiên Yên có uy tín trên thị trường; phát triển văn hóa ẩm thực đặc sắc của huyện, phát huy hơn nữa giá trị văn hóa của từng địa phương trong các sản phẩm OCOP.
Ông Phạm Văn Hoài, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên cho biết: Thời gian tới huyện tiếp tục phát huy mọi nguồn lực phát triển văn hóa, con người Tiên Yên. Đặc biệt, tăng cường đầu tư và khai thác hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao và không gian công cộng phục vụ phát triển văn hóa; bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị các di sản văn hóa Tiên Yên, các công trình kiến trúc, cảnh quan mang bản sắc văn hóa truyền thống, đặc trưng có ý nghĩa quan trọng ở địa phương.
Lấy người dân làm trung tâm, “dân là gốc”, huyện tạo cơ hội bình đẳng cho mọi người dân tham gia và thụ hưởng thành quả phát triển. Qua đó đáp ứng ngày càng đầy đủ hơn nhu cầu vật chất và tinh thần của nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi để người dân được tiếp cận những nguồn lực chung, được tham gia, đóng góp và hưởng lợi, tạo ra những nền tảng vật chất, tri thức và văn hóa tốt đẹp cho xã hội.