Nhạc sĩ Văn Cao viết “‘Tiến về Hà Nội” 5 năm trước dấu mốc lịch sử 10/10/1954, như lời dự báo thắng lợi của quân dân.
Trong chương trình Ngày hội Văn hóa vì hòa bình sáng 6/10 tại khu vực Hồ Gươm, quận Hoàn Kiếm, hình ảnh các nghệ sĩ tái hiện đoàn quân giải phóng về tiếp quản thủ đô Hà Nội khiến nhiều khán giả xúc động. Trên nền giai điệu của bài hát Tiến về Hà Nội, từng đoàn quân tiến vào cửa ô Cầu Giấy, một trong năm cửa ô Hà Nội, giữa sự chào đón nồng ấm của mọi người trong rừng cờ hoa.
Sau chương trình, trên nhiều nền tảng mạng xã hội, khán giả bàn luận về ca khúc, khen giai điệu hào hùng. Độc giả Phạm Hà viết: “Nghe nhạc giúp cảm nhận được hào khí một thời”. Còn khán giả Nguyễn Thu Hằng cho biết: ”Nghe bài hát này tôi đã khóc. Khóc vì ngày giải phóng và nhớ ông ngoại. Lúc tôi năm tuổi, ông đã dạy tôi hát bài này”.
70 năm qua, lời ca và giai điệu của Tiến về Hà Nội còn vẹn nguyên niềm vui, niềm tự hào dân tộc. Trong cuốn hồi ức Văn Cao – đời và nghiệp, nhạc sĩ Văn Thao cho biết được cha – nhạc sĩ Văn Cao – kể về bối cảnh ra đời ca khúc. Giữa năm 1949 tại Việt Bắc, Văn Cao – khi ấy đang làm ở báo Văn nghệ – cùng một số văn nghệ sĩ được triệu tập đến dự một cuộc họp để nghe Trung ương phổ biến chủ trương chuẩn bị tổng phản công. Họ được giao nhiệm vụ: “Cần phải nhanh chóng có những sáng tác kịp thời phục vụ kháng chiến”.
Sau cuộc họp, nhạc sĩ Văn Cao cùng Nguyễn Đình Thi được phân công trở lại khu 3 công tác. Tại đây, ông viết hai ca khúc, trong đó có Tiến về Hà Nội. Nhạc sĩ từng mô tả: “Tiến về Hà Nội mình làm trong một đêm thu, bầu trời trong vắt đầy sao, không gian ngập tràn ánh trăng và dậy ngát mùi hương lúa ngậm đòng. Mình đánh thức Bùi Xuân Phái và Tạ Tỵ dậy và hát cho họ nghe. Tạ Tỵ sướng quá chồm lên: Hay! Hay quá. Moa để Toa đi thông báo cho mọi người”.
Tuy nhiên cuối năm 1949, quân Pháp càn quét lớn vào các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, khiến cuộc tổng phản công chưa kịp thực hiện. Nhóm nhạc sĩ Văn Cao, Tạ Phước, Tô Vũ chạy sang Đống Năm, Thái Bình. Tại đây, đầu năm 1950, nhạc sĩ Tạ Phước dựng bài Tiến về Hà Nội và biểu diễn phục vụ cho bộ đội, nhân dân. Mọi người vỗ tay, hát theo từng câu: “Trùng trùng quân đi như sóng, lớp lớp đoàn quân tiến về. Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng, cờ ngày nào tung bay trên phố”. Cảnh tượng khiến nhạc sĩ xúc động.
Nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc Thụy Kha cho biết bên cạnh việc tái hiện lịch sử, Tiến về Hà Nội có giá trị ở tính dự báo. Trong khói lửa bom đạn, âm nhạc của nhạc sĩ Văn Cao âm vang lên khát vọng sống, khơi dậy niềm tin chiến thắng.
Nhạc sĩ đã khắc họa khung cảnh quân và dân luôn mong mỏi: ”Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về. Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào. Chảy dòng sương sớm long lanh. Chúng ta ươm lại hoa sắc hương say ngày xa”. Trên đường đi, các chiến sĩ được người dân trao những bó hoa, cái ôm, bắt tay. Khi đoàn quân tiến về, nhạc sĩ Văn Cao ví như mùa xuân đến, đêm tan dần, để “Hà Nội bừng tiến quân ca”.
5 năm sau, vào ngày 10/10/1954, viễn cảnh tươi đẹp trong bài hát trở thành sự thật, khi nhân dân Hà Nội được chứng kiến từng đoàn quân trở về. Tác phẩm của Văn Cao cũng được công bố rộng rãi trong niềm vui Ngày Giải phóng Thủ đô. Tuy nhiên theo nhạc sĩ Văn Thao, thời điểm ấy cha ông theo phái đoàn Văn hóa cứu quốc đầu tiên của Việt Nam sang thăm Liên Xô và Trung Quốc nên không được chứng kiến.
Ở bài viết trong cuốn Văn Cao mùa chữ, mùa người, nhà văn Cao Ngọc Thắng nhận định: ”Khi kiến tạo nhịp hành khúc khẩn trương trong bài hát, Văn Cao thể hiện thiên tính dự báo và niềm khát khao ngày chiến thắng trở về hân hoan ca khúc ca khải hoàn, mặc dù còn 5 năm dài giáp mặt với đạn bom, cận kề với cái chết”.