Thực hiện công cuộc chuyển đổi số toàn diện, tỉnh Quảng Ninh đang triển khai sâu rộng Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025. Việc thanh toán không dùng tiền mặt đã đi vào cuộc sống với nhiều cách làm hay, mô hình mới, trở thành thói quen thường xuyên, đem lại nhiều tiện ích cho người dân.
Là người có công với cách mạng, hằng tháng, ông Trần Xuân Ảnh (khu 1, phường Hồng Hà, TP Hạ Long) nhận được khoản trợ cấp chi trả trực tiếp vào tài khoản thay cho vì nhận tiền mặt tại các điểm chi trả trước đây. Ông Trần Xuân Ảnh cho biết: Các chế độ, chính sách được chi trả qua tài khoản rất thuận tiện, nhất là những người cao tuổi bởi không mất thời gian đi lại, lo lắng tiền rơi; đồng thời cũng dễ dàng thanh toán các khoản chi phí sinh hoạt gia đình như điện, nước… Các khoản tiền được chi trả kịp thời, đầy đủ nên tôi cũng dễ dàng kiểm soát chi tiêu hàng tháng.
TP Hạ Long có đông người thuộc đối tượng chính sách nhận trợ cấp hàng tháng. Nhằm đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong chi trả an sinh xã hội, các đơn vị trên địa bàn TP Hạ Long đã tích cực phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, khuyến khích các đối tượng chính sách chuyển đổi hình thức nhận trả trợ cấp từ tiền mặt sang tài khoản ngân hàng; áp dụng chính sách miễn giảm các chi phí khi phát hành và sử dụng tài khoản; mở rộng hệ thống ATM đáp ứng kịp thời nhu cầu rút tiền của người dân. Đến nay, TP Hạ Long có trên 4.421 người nhận trợ cấp hàng tháng qua tài khoản ngân hàng, chiếm 40% tổng số người thuộc đối tượng chính sách trên địa bàn.
Bà Hoàng Thị Thanh Vân, Phó Giám đốc Vietinbank chi nhánh Quảng Ninh, cho biết: Thời gian tới, ngân hàng phân công cán bộ, nhân viên tiếp tục phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH thành phố, lực lượng công an và phường, xã trên địa bàn đi tới từng hộ dân để tuyên truyền về ý nghĩa, lợi ích và hiệu quả của việc chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt. Đồng thời, miễn giảm một số dịch vụ cho người dân như chuyển tiền, mở tài khoản, rút tiền… qua đó, góp phần cùng với TP Hạ Long hoàn thành mục tiêu 80% đối tượng chính sách nhận trợ cấp hàng tháng qua tài khoản.
Các điểm thanh toán không dùng tiền mặt đã và đang được mở rộng khắp không chỉ ở siêu thị, trung tâm thương mại, đại lý, mà còn ở các chợ truyền thống. Điển hình như tại Chợ trung tâm (TP Cẩm Phả), đến nay, 100% hộ kinh doanh tại chợ đã sử dụng mã QR-Code và ví điện tử VN Pay, MoMo, Zalo Pay, Viettel Money, Shopee Pay, VCB Pay… Khách hàng dễ dàng mua bán hàng hóa và thực hiện thanh toán bằng cách quét mã QR-Code mà không cần dùng tiền mặt.
Bà Tiêu Thị Nhẫn (tiểu thương Chợ trung tâm TP Cẩm Phả) cho biết: Tôi đăng ký và sử dụng mã quét QR-Code từ năm 2021 để khách hàng thanh toán khi mua hàng. Việc này không chỉ thuận tiện cho người mua, mà những tiểu thương không phải đi đổi tiền lẻ, không lo tiền giả, tiền hàng nhanh chóng chuyển về tài khoản cá nhân. Khi có tiền trong tài khoản cá nhân, tôi cũng dễ dàng chi trả tiền hàng cho các đầu mối…
Việc thanh toán không dùng tiền mặt đã và đang đi sâu vào nhiều ngành, lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội, đóng góp những chỉ số quan trọng cho chỉ tiêu phát triển kinh tế số của tỉnh. Tính đến nay, 100% các chợ trung tâm; 99,2% số thu ngân sách nhà nước (thuế, phí, lệ phí); 100% các cơ sở giáo dục, cơ sở y tế, dịch vụ điện, nước thu phí và lệ phí ở cấp tỉnh, cấp huyện và xã khu vực đồng bằng; 100% thu phí, lệ phí giải quyết thủ tục hành chính… được thanh toán không dùng tiền mặt. Kết quả này không chỉ mang lại tiện ích cho cơ quan đơn vị, doanh nghiệp, người dân, mà còn góp phần xây dựng kinh tế số, minh bạch hóa thông tin, thúc đẩy phát triển KT-XH.