Kể cả khi dịch COVID-19 bùng phát, tiền thu thuế thu nhập cá nhân vẫn tăng, nhưng 9 tháng đầu năm nay giảm hơn 7.200 tỉ đồng so với cùng kỳ năm trước. Tại TP.HCM, thu thuế thu nhập cá nhân 10 tháng đầu năm nay cũng giảm.
Vì sao có tình trạng này?
Thuế từ chuyển nhượng bất động sản giảm hơn một nửa
Theo số liệu tình hình dự toán thu ngân sách của Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 9, số tiền thu từ thuế thu nhập cá nhân đạt 121.200 tỉ đồng, bằng 78,4% dự toán. Đáng chú ý so với cùng kỳ năm trước, số tiền thu được giảm tới hơn 7.200 tỉ đồng.
Bóc tách từng khoản thu có thể thấy số giảm thu rơi vào nhóm chuyển nhượng bất động sản do thị trường bất động sản đóng băng, giao dịch chuyển nhượng bất động sản giảm trên 50% so với cùng kỳ năm 2022. Còn thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động kinh doanh nói chung vẫn tăng nhẹ. Quan trọng nhất, thu từ tiền công tiền lương là chủ yếu, chiếm đến 85% tổng số thu thuế thu nhập cá nhân từ đầu năm đến nay, chỉ giảm nhẹ đã gồng gánh phần nào cho số thu thuế thu nhập cá nhân.
Tại TP.HCM, riêng tháng 10, thu thuế thu nhập cá nhân được 5.041 tỉ đồng, nhưng lũy kế 10 tháng, số thu chỉ bằng 98,2% so với cùng kỳ năm 2022, ở mức 48.476 tỉ đồng. Số thu thuế thu nhập cá nhân 10 tháng mới bằng 85,1% dự toán. Cục Thuế TP.HCM cũng cho hay do thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản, chứng khoán giảm sâu, trong khi tốc độ tăng trưởng của thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công và các khoản khác không bù đắp được.
Lũy kế 10 tháng thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản tại TP.HCM giảm 3.875 tỉ đồng, tương ứng giảm 51,6% so với cùng kỳ. Thuế thu nhập cá nhân từ chứng khoán giảm 475 tỉ đồng, tương ứng giảm 23,7% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, dù tình hình kinh tế khó khăn, thu nhập giảm sút nhưng thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công và hoạt động sản xuất, kinh doanh tại TP.HCM lại có mức tăng trưởng so với cùng kỳ, lần lượt tăng 17,2% và 44,6%.
Người làm công ăn lương khó khăn thật sự
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Tổng cục Thuế cũng giải thích rằng số thuế thu nhập cá nhân giảm so với năm trước là do số thu thuế đối với giao dịch chuyển nhượng bất động sản và chứng khoán giảm. Tuy nhiên xét về tổng thể, trong 9 tháng đầu năm, số tiền thu từ thuế thu nhập cá nhân giảm hơn 7.200 tỉ đồng so với năm trước không phải là vấn đề lớn, đáng lo ngại.
Dù 9 tháng đầu năm số thu thuế thu nhập cá nhân ghi nhận mức giảm hơn 7.200 tỉ đồng nhưng Tổng cục Thuế cho biết năm nay thu thuế thu nhập cá nhân vẫn về đích vì hết 10 tháng đã đạt khoảng 87% dự toán, tương ứng 135.000 tỉ đồng.
Tuy nhiên, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Ngọc Tú, chuyên gia về thuế, cho rằng số thuế thu nhập cá nhân giảm, nhất là nguồn thu chính từ tiền lương, tiền công bắt đầu giảm là báo hiệu sức chịu đựng của người nộp thuế đang khó khăn thật sự.
Kinh tế trong nước khó khăn do kinh tế thế giới rơi vào suy thoái. Doanh nghiệp bị cắt đơn hàng nên phải cho người lao động giảm giờ làm, thậm chí sa thải bớt nhân công. Những thực tế này đẩy người lao động rơi vào khó khăn khi thu nhập giảm sút. Do đó, Nhà nước cần sớm có giải pháp khoan thư sức dân.
Nên nâng mức giảm trừ gia cảnh
Theo ông Nguyễn Ngọc Tú, trong lúc chờ Quốc hội sửa toàn diện Luật Thuế thu nhập cá nhân, Bộ Tài chính cần sớm trình Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội nâng mức giảm trừ gia cảnh. Mức giảm trừ mỗi tháng đối với người nộp thuế là 20 triệu đồng và người phụ thuộc là 10 triệu đồng. Trong điều kiện tổng cầu suy yếu và sức mua giảm, một số nước còn cấp tiền cho người dân để tăng tổng cầu. Giải pháp này còn khuyến khích sức mua để kích thích sản xuất kinh doanh.