Theo số liệu cập nhật mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), quy mô nền kinh tế Việt Nam đã tăng từ 346 tỉ USD, xếp thứ 37 trên thế giới năm 2020 lên 433 tỉ USD, xếp thứ 34 thế giới năm 2023. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nằm ở nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới.
“Ngôi sao” tăng trưởng của ASEAN
Theo đánh giá trong báo cáo mới đây của bộ phận nghiên cứu toàn cầu HSBC, mức tăng trưởng 7,4% trong quý III của Việt Nam cao hơn hẳn so với kỳ vọng. Sau năm 2023 và quý I/2024 “đầy vất vả”, Việt Nam đã trở lại là ngôi sao tăng trưởng của ASEAN, dù đã chịu tác động của siêu bão Yagi. Với những diễn biến đó, HSBC nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 lên 7% từ mức dự báo trước đó là 6,5%.
Tương tự, trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered nâng mức dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam lên 6,8% (từ mức 6,0%) nhờ kết quả GDP của quý III khả quan hơn dự kiến. Quý IV dự kiến tăng trưởng ở mức 6,9%. Dự báo GDP năm 2025 vẫn ở mức 6,7%, với mức tăng trưởng dự kiến 7,5% trong nửa đầu năm và 6,1% nửa cuối năm so với cùng kỳ năm trước.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, GS Peter J. Morgan – Viện Ngân hàng Phát triển châu Á (ABDI) đánh giá điểm tích cực là Việt Nam có nền kinh tế mở cùng với cơ sở hạ tầng tốt tạo tiền đề cho thương mại phát triển. Tuy nhiên, Việt Nam cần thay đổi nhiều hơn về cấu trúc hạ tầng và từ đó phát triển nền kinh tế mạnh hơn. Trong khi sự cạnh tranh trên thế giới đang diễn ra sôi nổi hơn bao giờ hết, Việt Nam cần đầu tư mạnh tay hơn để có thể tham gia vào cuộc đua đó.
Theo vị chuyên gia này, lĩnh vực kinh tế số hiện đang phát triển rất nhanh, Việt Nam cần tận dụng nền tảng giáo dục để cải thiện chất lượng nhân lực thông qua những khía cạnh quan trọng như nâng cao chuyên môn lao động hay kiến thức về tài chính và số hóa.
“Để cải thiện mức thu nhập trung bình, việc Việt Nam cần làm khá tương tự với Nhật Bản. Đó là về việc cải cách cơ cấu kinh tế, phổ biến phương thức số hóa, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, đưa ra những cải cách cần thiết và hợp lý” – GS Peter J.Morgan khuyến nghị.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng thế giới tại Việt Nam Dorsati Madani đánh giá triển vọng kinh tế của Việt Nam trong hai năm 2025 và 2026 vẫn tích cực với mức tăng trưởng dự báo cả hai năm đều là 6,5%. Chỉ số tăng CPI của 2 năm 2025 và 2026 dự báo thấp hơn của năm 2024 (lần lượt là 4,0 và 3,5% so với 4,5% của 2024).
“Về chính sách, trong thời gian tới, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Việt Nam cần đẩy mạnh giải ngân đầu tư công – bù đắp cho tình trạng đầu tư thiếu hụt trong thập kỷ qua. Về tài chính, khuyến khích các ngân hàng cải thiện tỉ lệ đủ vốn. Về thị trường vốn cần cải cách cơ cấu, tăng cường môi trường quản lý trong các dịch vụ xương sống quan trọng (công nghệ thông tin và truyền thông, điện, vận tải)…” – Tiến sĩ Dorsati Madani khuyến nghị.
Nhiều tiềm năng tăng trưởng
TS. Lê Duy Bình – Giám đốc Economica Việt Nam – cho rằng, có nhiều dấu hiệu và cơ sở để tin tưởng mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 sẽ đạt được ở mức 6,8-7%. Quy mô nền kinh tế có thể đạt khoảng 500 tỉ USD năm 2025. Bởi nhìn vào tổng cầu của nền kinh tế có rất nhiều yếu tố tích cực như hoạt động xuất nhập khẩu phục hồi mạnh mẽ, là trợ lực quan trọng cho tăng trưởng.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã tăng trưởng tốt, tạo sự phục hồi cho nhiều doanh nghiệp và người lao động. Tiêu dùng nội địa duy trì ở mức tương đối ổn định, hỗ trợ tăng trưởng. Đầu tư tư nhân bắt đầu có dấu hiệu cải thiện, góp phần thúc đẩy tổng cầu. Giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt tốc độ như mong muốn, nhưng kỳ vọng sẽ tăng mạnh trong quý cuối năm.
“Chúng ta hoàn toàn có cơ sở kỳ vọng Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,8-7% trong năm 2024. Tuy nhiên, các vấn đề như lạm phát, giải ngân vốn đầu tư công và tình hình hoạt động của doanh nghiệp vẫn cần được theo dõi và có giải pháp phù hợp” – TS. Lê Duy Bình cho biết.