Kể từ khi chính thức ra mắt tại Hạ Long vào năm 2014, đến nay thủy phi cơ đã trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, riêng có tại Quảng Ninh. Không chỉ bay dịch vụ ngắm cảnh, thủy phi cơ tại Quảng Ninh còn triển khai thêm các chuyến bay thương mại nối Tuần Châu và Cô Tô.
Để hiểu thêm về công việc, chuyện nghề của phi công cũng như tiềm năng phát triển của thủy phi cơ tại Quảng Ninh, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã có cuộc phỏng vấn cơ trưởng Nguyễn Bá Hải, Phó Tổng Giám đốc Hãng hàng không Hải Âu. – Được biết, tháng 7/2023, hãng hàng không Hải Âu chính thức khai thác dịch vụ bay thương mại nối Tuần Châu với Cô Tô, xin ông cho biết, so với dịch vụ bay ngắm cảnh trên Vịnh Hạ Long, việc triển khai dịch vụ bay mới này có khó khăn gì không? + So với bay ngắm cảnh trên Vịnh Hạ Long, bay ra Cô Tô khó khăn hơn nhiều. Cô Tô là đảo xa. Vùng ngoài đó là biển mở, không có nhiều vùng nước được che chắn nên sóng và gió ở Cô Tô lớn hơn. Vì vậy, chúng tôi phải nâng cấp kỹ năng lái của người bay. Và thực tế để chuẩn bị sẵn sàng cho khai thác đường bay thương mại Tuần Châu – Cô Tô, chúng tôi đã phải tiến hành huấn luyện phi công trong 2 năm trở lại đây.
|
– Ông đánh giá thế nào về tiềm năng và cơ hội phát triển dịch vụ bay thủy phi cơ tại Quảng Ninh?
+ Tôi gắn bó với Hạ Long, với hàng không Hải Âu được gần 10 năm. Chứng kiến rất nhiều thay đổi của TP Hạ Long, vùng biển Hạ Long. Đầu tiên có thể nói là toàn bộ vùng biển Quảng Ninh là vùng hoạt động rất thuận tiện cho thủy phi cơ, không chỉ có đảo Tuần Châu, đảo Cô Tô mà còn các đảo ví dụ như Quan Lạn, Ngọc Vừng, Bản Sen, thậm chí là Móng Cái, đều là địa bàn hoạt động rất tốt cho thủy phi cơ. Tôi hy vọng trong thời gian tới, không chỉ Hải Âu mà có thể một số doanh nghiệp quan tâm tới hoạt động thủy phi cơ sẽ cùng đầu tư vào lĩnh vực này vì tiềm năng cho thủy phi cơ hoạt động tại Quảng Ninh là rất lớn. Và cũng rất mong là chính quyền, nhân dân Quảng Ninh sẽ đầu tư cho con em mình trở thành phi công thủy phi cơ. Có thể nói sau 10 năm, nghề phi công thủy phi cơ đã trở thành nghề khá truyền thống tại Quảng Ninh. Ở Việt Nam, cho đến nay chưa nơi nào có thủy phi cơ và đội ngũ phi công như ở đây.
– Phi công là một nghề còn khá mới mẻ, đặc biệt là tại Quảng Ninh. Vậy có thể hiểu thế nào về nghề nghiệp và công việc này, thưa ông?
+ Phi công là một nghề có nhiều đặc thù nhưng không phải là một nghề quá khó khăn, cao siêu. Ở Việt Nam chưa có nhiều phi công nên khi gặp họ chúng ta thấy xa lạ. Môi trường làm việc của phi công khó khăn hơn so với một số nghề khác, áp lực công việc lớn, thời gian làm việc khắc nghiệt, đòi hỏi mỗi phi công phải không ngừng học tập và tập trung cao độ.
So với các phi công khác, phi công thủy phi cơ có phần khác. Khi cất cánh ở Tuần Châu hay Cô Tô chúng tôi phải tác nghiệp độc lập, không có trợ giúp. Ví dụ, khi một chiếc máy bay về sân bay thì ít nhiều họ sẽ có sự trợ giúp của hệ thống dẫn đường mặt đất, hệ thống chỉ huy không lưu nhưng đặc thù của thủy phi cơ là đi đến những vùng không có trợ giúp nên người phi công phải có đủ kinh nghiệm, bản lĩnh để tự đưa ra quyết định, những phương án an toàn cho cả mình và hành khách. Cá nhân tôi đến với nghề phi công, nghề bay vì niềm đam mê với bầu trời. Cùng với sự gắn bó với bầu trời, tôi tìm thấy sự tự do cho bản thân.
– Để trở thành phi công, như phi công thủy phi cơ thì theo ông cần những điều kiện gì?
+ Để trở thành phi công, chúng ta phải được đào tạo tại các trường dạy lái máy bay. Bước đầu tiên là phải học lấy bằng phi công tư nhân. Tiếp theo, khi đã thấy đủ năng lực và quyết tâm, chúng ta sẽ học lấy bằng phi công thương mại. Với bằng phi công thương mại, chúng ta có thể trở thành phi công của các hãng hàng không, ví dụ như hàng không Hải Âu để lái máy bay chở khách.
– Chuẩn đầu vào phi công có khó hay không, thưa ông?
+ Chuẩn đầu vào của phi công không hề khó. Mình nên quan niệm rằng phi công là một nghề. Bằng lái phi công là một giấy phép hành nghề, chứ không phải học hàm, học vị nên đòi hỏi đầu vào học phi công không khó. Một người học bằng lái phi công chỉ cần có sức khỏe tốt, tiếng Anh tốt, tốt nghiệp lớp 12 là có thể đi học phi công được rồi.
– Để có thể điều khiển tàu bay chở khách, bên cạnh bằng cấp, còn có yêu cầu gì, thưa ông?
+ Các phi công khi có bằng phi công tư nhân, bằng phi công thương mại, họ có đủ kiến thức và trình độ điều khiển một chiếc máy bay chở khách nhưng vì kinh nghiệm của họ chưa nhiều nên các hãng hàng không sẽ nhận họ vào vị trí lái phụ, bay cùng với một người lái chính hay còn gọi là cơ trưởng. Qua các chuyến bay, người phi công lái phụ sẽ tích lũy dần kinh nghiệm.
Sau một thời gian, hãng hàng không sẽ tiến hành đánh giá và bổ nhiệm người phi công trở thành cơ trưởng. Với các phi công của hàng không Hải Âu cũng vậy. Chúng tôi nhận các em học viên mới ra trường với bằng phi công thương mại, có khoảng 200 giờ bay kinh nghiệm, sau đó bay cùng Hải Âu khoảng 2 năm, với khoảng 1.000 giờ bay thì lúc đấy chúng tôi sẽ đánh giá và quyết định tiếp tục huấn luyện và bổ nhiệm người phi công đó trở thành cơ trưởng.
– Một người phi công giỏi là một phi công như thế nào?
+ Ngày nay, chúng ta không nói tới khái niệm phi công giỏi nữa. Trong một hãng hàng không, tất cả phi công đều được sát hạch, được duy trì trình độ của mình theo các tiêu chuẩn, do Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO), Cục Hàng không Việt Nam đưa ra và các hãng hàng không cam kết tuân thủ.
Trong một hãng hàng không, chúng ta không nói phi công này giỏi hơn phi công khác mà tất cả phi công đều đạt tới chuẩn về chuyên môn. Tất nhiên sẽ có những người sẽ đi xa hơn trong lĩnh vực này, lĩnh vực khác. Tôi muốn nhắc lại là sự đam mê, lòng yêu nghề sẽ đưa người phi công tới cái đích mà họ định ra trong sự nghiệp của mình. Nghề phi công là chuyên nghiệp và chuẩn hóa!
– Theo ông, người phi công cần có tố chất gì để bám trụ với nghề?
+ Đầu tiên là phải yêu nghề, tiếp theo là có sức khỏe. Tôi nghĩ đó là hai điều kiện tiên quyết để theo được nghề. Công việc rất vất vả nên lòng yêu nghề sẽ giúp người phi công vượt qua áp lực, khó khăn.
– Bên cạnh việc được thỏa đam mê bay, ông còn có suy nghĩ gì về nghề nghiệp và công việc của mình?
+ Sau 10 năm tôi vẫn giữ nguyên tình yêu với công việc này như ngày đầu. Kỳ lạ là sau 10 năm, tôi cũng chưa thấy mình bị suy giảm đam mê. Tôi mong muốn là được nhìn thấy nhưng bước phát triển hơn nữa của thủy phi cơ ở Quảng Ninh và mong tuyển được nhiều phi công là người dân Quảng Ninh, nếu được như vậy thì sự gắn bó của phi công với nghề nghiệp sẽ lâu dài hơn và thu nhập tốt hơn.
– Xin cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!