Tháng 9/2022, Cục Hải quan tỉnh là một trong 7 Cục Hải quan địa phương triển khai Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan. Sau một năm triển khai chương trình đã có 6/13 doanh nghiệp nâng mức tuân thủ từ mức 3 (trung bình) lên mức 2 (tuân thủ cao) đạt 46,2%, trong đó có 1 doanh nghiệp được vinh danh tại Hội nghị Diễn đàn thường niên Hải quan – Doanh nghiệp 2023.
Ngay khi Tổng cục Hải quan ban hành chương trình, Cục Hải quan tỉnh đã nỗ lực, chủ động cụ thể hóa các nội dung triển khai với những giải pháp linh hoạt, sáng tạo, đem lại hiệu quả rõ nét như: Thành lập nhóm chuyên trách; chủ động rà soát, sớm lựa chọn mời các doanh nghiệp tham gia chương trình đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện; tuyên truyền, quảng bá lan tỏa mạnh mẽ về chương trình gắn cùng với nội dung, các hoạt động liên quan công tác hỗ trợ, đồng hành và thu hút doanh nghiệp của đơn vị, trong đó tập trung vào các đối tượng là lãnh đạo, chủ doanh nghiệp và có đánh giá mức độ tích cực, tự nguyện hợp tác của doanh nghiệp. Với cách làm này, Cục Hải quan tỉnh được ghi nhận, đánh giá là một trong những Cục Hải quan địa phương hoàn thành sớm nhất việc ký kết biên bản ghi nhớ với doanh nghiệp.
Trong quá trình triển khai thực hiện, Cục đã chủ động phối hợp với Cục Quản lý rủi ro (Tổng cục Hải quan) tổ chức thành công Hội thảo tiếp thu ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp để đảm bảo tính khả thi trong cụ thể một số nội dung chương trình. Đồng thời có những sáng kiến riêng có để tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực đến cộng đồng doanh nghiệp, thông qua việc đề xuất cấp thẻ thành viên cho doanh nghiệp; thực hiện mô hình công chức “chuyên quản” để hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả và nhanh nhất; thực hiện tuyên truyền thường xuyên, rộng khắp trên đa loại hình phương tiện… Riêng đối với trường hợp hỗ trợ trực tiếp tại đơn vị, công chức hải quan được giao chuyên quản theo dõi, hỗ trợ doanh nghiệp sẽ làm việc trực tiếp tại nơi làm việc hoặc tại phòng tiếp công dân của các Chi cục.
Ông Huang Bin, Giám đốc XNK Công ty TNHH Kỹ thuật điện tử Pully Việt Nam, KCN Đông Mai, cho biết: Là một trong những công ty thuộc Tập đoàn TCL, công ty chủ yếu sản xuất và chế tạo linh kiện nhựa cho các sản phẩm điện tử và máy móc. Kể từ khi công ty chính thức đi vào hoạt động từ tháng 6/2020 đến nay, hoạt động kinh doanh ngày càng ổn định và phát triển. Năm 2022, giá trị sản lượng đạt gần 100 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 800 lao động. Từ tháng 9/2022 đến nay, chúng tôi rất vinh dự khi được lựa chọn tham gia thí điểm chương trình. Quá trình tham gia, doanh nghiệp đã nhận được rất nhiều lợi ích thiết thực như: Được cơ quan hải quan bố trí chuyên gia nghiệp vụ các cấp trực tiếp hỗ trợ, tư vấn, liên lạc giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa XNK; được cảnh báo các yếu tố làm giảm mức độ tuân thủ của doanh nghiệp; được tạo điều kiện thuận lợi trong việc áp dụng biện pháp kiểm tra bằng máy soi để tháo gỡ khó khăn, giảm chi phí đối với thực hiện thủ tục XNK… Chính những sự hỗ trợ thiết thực này đã giúp công ty tăng hạng từ mức 3 lên mức 2, từ đó, góp phần thúc đẩy quá trình sản xuất và tăng năng lực cạnh tranh, uy tín của doanh nghiệp.
Sau một năm triển khai, qua theo dõi, tổng hợp tình hình doanh nghiệp thành viên chương trình trên hệ thống đánh giá tuân thủ doanh nghiệp của Tổng cục Hải quan cho thấy, Quảng Ninh có 6/13 doanh nghiệp nâng mức tuân thủ từ mức 3 (trung bình) lên mức 2 (tuân thủ cao) đạt 46,2%, trong đó có 1 doanh nghiệp được vinh danh tại Hội nghị Diễn đàn thường niên Hải quan – Doanh nghiệp 2023 là Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật Liên hợp Việt Nam (KCN Hải Hà, huyện Hải Hà).
Từ sự thành công bước đầu của chương trình, vừa qua Cục Hải quan Quảng Ninh cũng đã tiếp tục rà soát, báo cáo Tổng cục Hải quan kết nạp thêm 2 thành viên mới là Công ty TNHH KCN Hải Hà Việt Nam và Công ty TNHH MTV Nến nghệ thuật AIDI Việt Nam.
Ông Trần Quang Trung, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Quảng Ninh, cho biết: Để nâng cao hơn nữa hiệu quả của Chương trình, Cục Hải quan Quảng Ninh đề nghị Cục Quản lý rủi ro xem xét rà soát về tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp là các doanh nghiệp chế xuất, gia công, sản xuất xuất khẩu, doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài có đóng góp lớn cho ngân sách địa bàn theo hướng mở rộng hơn về phạm vi đối tượng. Cùng với đó, xem xét, kiến nghị Tổng cục Hải quan rà soát lại tiêu chí đánh giá tuân thủ trên hệ thống, đặc biệt là tiêu chí số lượng tờ khai trên 365 ngày đối với các doanh nghiệp có đặc thù là doanh nghiệp sản xuất và có phương án hỗ trợ đối với các doanh nghiệp thành viên tham gia Chương trình. Mục tiêu hướng đến là phải làm rõ, nổi bật hơn nữa những lợi ích của chương trình mang lại cho cộng đồng doanh nghiệp có hoạt động XNK qua địa bàn tỉnh.