Sáng 24/8, Thường trực Tỉnh ủy tổ chức cuộc họp nghe báo cáo tiến độ triển khai thực hiện Kế hoạch số 240-KH/TU ngày 30/11/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Sử dụng và tinh giản biên chế công chức, viên chức tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2022-2026”. Đồng chí Trịnh Thị Minh Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, chủ trì cuộc họp. Cùng dự, có đồng chí Đặng Xuân Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Vi Ngọc Bích, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Kế hoạch số 240-KH/TU xác định mục tiêu đến năm 2026, toàn tỉnh sẽ giảm 170 biên chế công chức, trong đó khối Đảng giảm 52 biên chế, khối chính quyền giảm 118 biên chế; giảm 1.950 biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước và 327 cán bộ, công chức cấp xã.
Qua quá trình thực hiện Kế hoạch số 240-KH/TU, hiện tỉnh Quảng Ninh chưa giảm biên chế công chức theo lộ trình tinh giản theo Kết luận 40-KL/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị; số viên chức hưởng lương ngân sách nhà nước đã giảm 513 biên chế, chiếm 20,7% so với tổng số phải giảm trong giai đoạn 2022-2026.
Đồng chí Trịnh Thị Minh Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, khẳng định: Quá trình thực hiện Kế hoạch số 240-KH/TU đã được cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai nghiêm túc, quản lý và sử dụng biên chế phù hợp với vị trí việc làm gắn với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức.
Đồng chí yêu cầu Ban Tổ chức Tỉnh ủy và Sở Nội vụ tiếp thu đầy đủ ý kiến đại biểu dự họp, hoàn thiện báo cáo, biểu mẫu trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong cuộc họp tới. Trong đó lưu ý, số liệu đưa ra và đề xuất, kiến nghị đều phải có cơ sở lý luận, thực tiễn để giải trình làm rõ trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Ngoài ra, cần báo cáo rõ hơn lộ trình triển khai thực hiện Đề án tự chủ; báo cáo sâu hơn, rõ hơn về quá trình đã thực hiện đặt hàng, giao nhiệm vụ, nhất là tại các đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực công thương, văn hóa, nông nghiệp. Trong quá trình tinh giản biên chế, Sở Nội vụ lưu tâm đến kiến nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo xem xét giãn lộ trình giảm số lượng biên chế ngành giáo dục được tinh giản năm 2024 để các đơn vị có thời gian chuẩn bị cho thời gian tới; rà soát lại các cơ sở giáo dục thực hiện cơ chế tự chủ để đảm bảo tính khả thi, trong đó tập trung ưu tiên thực hiện cơ chế tự chủ ở các địa phương có điều kiện; cân nhắc kỹ việc tuyển dụng, xét tuyển từ viên chức sang công chức.
Đồng chí cũng yêu cầu, trước 15/9/2023, UBND tỉnh phê duyệt xong các Đề án tự chủ cho các cơ sở giáo dục, làm căn cứ để các đơn vị này lên danh mục các khoản, mức thu theo quy định; khẩn trương chỉ đạo Sở Tài chính cấp đủ kinh phí hoạt động cho ngành giáo dục theo đúng tinh thần Nghị quyết của HĐND tỉnh.