10 tháng năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 648 tỷ USD, tăng 15,8%. Thương mại hàng hóa tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh tăng trưởng kinh tế.
10 tháng năm 2024, xuất siêu 23,3 tỷ USD
Theo dữ liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa trong tháng 10 đạt 69,19 tỷ USD, tăng 5,1% (tương ứng tăng 3,35 tỷ USD) so với tháng 9. Ở chiều xuất khẩu vẫn duy trì được mức tăng 4,4%, với 35,59 tỷ USD và nhập khẩu đạt 33,6 tỷ USD, tăng 5,8%.
Lũy kế 10 tháng 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt gần 648 tỷ USD, tăng 15,8%, tương ứng tăng 88,57 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 335,59 tỷ USD, tăng 14,9% (tương ứng tăng 43,54 tỷ USD) và tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 312,28 tỷ USD, tăng 16,8% (tương ứng tăng 45,03 tỷ USD), xuất siêu 23,3 tỷ USD. Thương mại phục hồi tích cực, đơn hàng xuất khẩu đi các thị trường lớn đều tăng 2 con số, nhờ đó cải thiện số thu ngân sách từ xuất nhập khẩu.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, theo báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 10 năm 2024 ước đạt 5,91 tỷ USD. Như vậy, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 10 tháng đạt 51,74 tỷ USD, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2023. Giá trị xuất siêu nông lâm thủy sản 10 tháng đạt 15,21 tỷ USD, tăng 62,2% so với cùng kỳ năm trước.
Nhiều mặt hàng nổi lên là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu nông sản. Cụ thể, khối lượng xuất khẩu gạo tháng 10 năm 2024 ước đạt 800.000 tấn với 505 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 10 tháng đạt gần 7,8 triệu tấn với 4,86 tỷ USD, tăng 10,2% về khối lượng và tăng 23,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.
Giá gạo xuất khẩu bình quân 10 tháng năm 2024 ước đạt 626,2 USD/tấn, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2023. Với tốc độ xuất khẩu 10 tháng qua và khả năng sản xuất trong nước thì xuất khẩu gạo năm 2024 sẽ đạt trên 8 triệu tấn vượt 5 tỷ USD.
Với mặt hàng rau quả, kim ngạch xuất khẩu cũng lập kỷ lục lịch sử khi thu về 6,34 tỷ USD chỉ trong 10 tháng, tăng mạnh 31,5% so với cùng kỳ năm 2023. Theo tính toán của ngành nông nghiệp, xuất khẩu rau quả năm nay có thể vượt mốc 7 tỷ USD, tăng gần 20% so với năm ngoái.
Ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – nhấn mạnh, Việt Nam hiện đứng thứ 2 Đông Nam Á, đứng thứ 15 thế giới về xuất khẩu nông sản. Xuất khẩu nông sản của Việt Nam đang đạt đỉnh cao nhất từ trước đến nay. Năm nay, chúng ta sẽ cán đích ở mức cao nhất về kim ngạch xuất khẩu nông sản. Tháng 10 kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp đạt 5,91 tỷ USD. Hai tháng cuối năm, xuất khẩu chỉ cần đạt 5,5 tỷ USD/tháng, ngành nông nghiệp sẽ về đích 62 tỷ USD.
Trong lĩnh vực dệt may, EU hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của ngành hàng này, chỉ sau Hoa Kỳ. Theo số liệu của EU, năm ngoái, EU nhập khẩu 115 tỷ Euro từ các nước thứ ba, giảm 17% so với năm 2022, trong đó 10 nhà cung cấp hàng đầu chiếm tới 82% (95 tỷ Euro). Trung Quốc, Bangladesh và Thổ Nhĩ Kỳ là 3 nhà xuất khẩu hàng đầu sang EU, chiếm 69,1% thị phần, tiếp theo là Bangladesh ở mức 15,3% và Thổ Nhĩ Kỳ ở mức 12,8%. Việt Nam đứng thứ 6, đạt hơn 4,1 tỷ Euro, chiếm 4,3% thị phần.
Kinh tế EU bắt đầu hồi phục, sức mua được cải thiện đã thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa trong đó có hàng dệt may của Việt Nam. 9 tháng 2024, Việt Nam xuất khẩu sang EU27 một lượng hàng hóa trị giá 38,1 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước, dự kiến cả năm nay xấp xỉ 50 tỷ USD.
Những tháng cuối năm, cùng với các ngành hàng tiêu dùng khác, dệt may tiếp tục có cơ hội tăng trưởng tốt hơn nhờ nhu cầu gia tăng dịp lễ hội. Bên cạnh đó, hàng dệt may sang EU đang có những lợi thế hơn nhiều quốc gia xuất khẩu khác nhờ vào Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đã bước sang năm thứ 5 thực thi.
Theo cam kết trong EVFTA, 100% hàng dệt may của Việt Nam sẽ được hưởng thuế xuất nhập khẩu 0% sau tối đa 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, tạo động lực lớn cho việc mở rộng thị phần tại thị trường EU.
Kỳ vọng xuất nhập khẩu sẽ cán mốc 800 tỷ USD
Dự báo về xuất khẩu trong thời gian còn lại của năm 2024, ông Bùi Huy Sơn – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ Công Thương) – cho rằng, dù rủi ro còn không ít, xung đột địa chính trị làm ảnh hưởng trực tiếp đến chuỗi cung ứng, giá cước vận tải biển vẫn cao.., nhưng xuất khẩu hàng hóa cuối năm vẫn còn dư địa tăng trưởng.
Bởi, nhu cầu tiêu thụ cuối năm tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ và EU sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy xuất khẩu, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử, hàng tiêu dùng, và dệt may (các nhà bán lẻ toàn cầu tăng cường dự trữ hàng hóa cho các dịp lễ lớn). Thị trường xuất khẩu thuộc các Hiệp định thương mại tự do (FTA) tiếp tục có tác động tích cực, duy trì lợi thế của Việt Nam trong hoạt động thương mại, đầu tư…
Để tiếp sức cho sản xuất, thương mại quý IV/2024, quý có ý nghĩa quyết định trong việc hoàn thành mục tiêu cả năm 2024, Bộ Công Thương cho biết, sẽ tăng hỗ trợ các doanh nghiệp, ngành hàng khôi phục sản xuất, tận dụng các FTA nhằm đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu.
Còn theo ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), dự báo trong những tháng cuối năm, cả hai nhóm hàng nông sản và công nghiệp chế biến chế tạo sẽ tiếp tục duy trì tăng trưởng tốt. Với tốc độ tăng trưởng hiện nay và sự phục hồi của các thị trường chủ chốt, đặc biệt là Hoa Kỳ và EU, khi dấu hiệu lạm phát giảm, sức mua sẽ tăng trở lại.
Điều này giúp chúng ta đẩy mạnh xuất khẩu trong những tháng cuối năm. Bên cạnh đó, nhóm hàng nông sản, mặc dù có triển vọng, nhưng cần được lưu ý về tính mùa vụ và sự biến động giá cả. Điều này đòi hỏi sự linh hoạt trong chiến lược kinh doanh và xuất khẩu của các doanh nghiệp.
Với kết quả đạt được trong 10 tháng và tốc độ tăng trưởng gần đây, nhiều chuyên gia, nhà quản lý kỳ vọng, kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2024 sẽ cán mốc kỷ lục mới 800 tỷ USD.