Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Công khai, minh bạch các nội dung theo quy định được cấp ủy, chính quyền các xã, phường, thị trấn chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc với các hình thức: Qua các buổi họp tổ dân phố, hội nghị tiếp xúc cử tri, niêm yết tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn, nhà văn hóa thôn, khu phố, hệ thống loa truyền thanh… Nội dung công khai, bên cạnh những chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan trực tiếp đến người dân và địa phương, các xã, phường, thị trấn còn đẩy mạnh công khai về TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết; lịch công tác, số điện thoại của lãnh đạo UBND, lịch tiếp công dân tại trụ sở UBND…
Phát huy dân chủ trực tiếp để nhân dân bàn bạc và quyết định những công việc liên quan thiết thực đến đời sống, sinh hoạt của cộng đồng dân cư. MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội phối hợp với cấp ủy, chính quyền cùng cấp lấy ý kiến của nhân dân về chủ trương và mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng trong phạm vi cấp xã, thôn, tổ dân phố do nhân dân đóng góp toàn bộ hoặc một phần kinh phí làm đường giao thông, kênh mương nội đồng, cống thoát nước… và các công việc khác trong nội bộ cộng đồng dân cư phù hợp với quy định của pháp luật.
Cấp cơ sở đã thực hiện nghiêm túc việc lấy ý kiến nhân dân, đưa nội dung cần xin ý kiến về tổ dân, khu phố để nhân dân trực tiếp tham gia bàn bạc, đưa ra ý kiến đối với các dự thảo, như kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch sử dụng đất, đề án thành lập, giải thể, nhập, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính… Điển hình như việc lấy ý kiến nhân dân về triển khai thí điểm mô hình phát triển kinh tế ban đêm tại các phường Tuần Châu, Bãi Cháy, Bạch Đằng, Hồng Hải (TP Hạ Long); lấy ý kiến cử tri liên quan đến sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thuộc TP Hạ Long giai đoạn 2023-2025…
Quyền giám sát của nhân dân được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả thông qua hoạt động của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng hoặc gián tiếp thực hiện sự giám sát của mình thông qua hoạt động của ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội.
Thông qua thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở đã khơi dậy sức sáng tạo, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân vào các vấn đề chung của địa phương. Điển hình, thực hiện hiệu quả phương thức “Dân tin – Đảng cử” trong bầu bí thư chi bộ – trưởng thôn (bản, khu phố) ở 100% thôn, bản, khu phố trên địa bàn. Tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026, đảm bảo dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm, là ngày hội của toàn dân với tỷ lệ cử tri đi bầu cao, đạt 99,95% (nhóm các tỉnh, thành phố cao nhất cả nước; cao nhất trong 4 kỳ bầu cử gần đây).
Thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh, người dân được trực tiếp tham gia bàn bạc, thảo luận dân chủ, góp ý trong từng quy trình thực hiện sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, xã, thôn. Đến nay sau sắp xếp, tỉnh Quảng Ninh giảm từ 14 đơn vị cấp huyện còn 13, từ 186 đơn vị hành chính cấp xã còn 171, từ 1.543 thôn, bản, khu phố còn 1.452 thôn, bản, khu phố với tỷ lệ người dân đồng thuận cao, không có đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến thực hiện sắp xếp, sáp nhập.
Trong công tác GPMB, với quan điểm là đặt lợi ích chính đáng của người dân bị thu hồi đất lên vị trí hàng đầu, thực hiện công khai, minh bạch trong tiếp cận thông tin của người dân, nhất là chính sách về đền bù GPMB, hỗ trợ tái định cư, nên nhiều dự án lớn của tỉnh đã nhận được sự đồng thuận, ủng hộ cao của các nhân dân, thuận lợi triển khai các dự án, như: GPMB đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái sau điều chỉnh, xác lập kỷ lục chưa từng có trong công tác GPMB, chỉ sau 15 ngày đã có 1.168/1.168 hộ dân và tổ chức bàn giao mặt bằng; dự án đường bao biển Hạ Long – Cẩm Phả; dự án cầu Cửa Lục 1 (cầu Tình Yêu)…
Triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, nhờ thực hiện tốt việc công khai, minh bạch, phát huy vai trò chủ thể của người dân với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân đóng góp, dân làm, dân quản lý và dân hưởng lợi”, đã tạo được những phong trào sôi nổi do chính người dân tham gia. Trong 3 năm (2021-2023), toàn tỉnh đã huy động trên 118.000 tỷ đồng để thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU và các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó nguồn vốn tín dụng và huy động ngoài ngân sách chiếm 84%. Đến hết năm 2023, Quảng Ninh hoàn thành toàn diện các mục tiêu xây dựng NTM ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã và mục tiêu giảm nghèo bền vững theo tiêu chí quốc gia của giai đoạn 2021-2025, về đích trước 2 năm.
Thực hiện hiệu quả dân chủ ở cơ sở góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở.