Để khai thác bền vững thị trường xuất khẩu Việt Nam sang Trung Quốc, tỉnh Quảng Ninh đang phát huy tối đa tiềm năng về kinh tế cửa khẩu; tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh.
Sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đặc biệt từ ngày 21/2/2023 hoạt động XNK tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh cơ bản được khôi phục lại bình thường, đáp ứng giao thương và nhu cầu của khách du lịch hai nước Việt Nam – Trung Quốc. Các hàng hóa nông sản nhập khẩu qua các cửa khẩu tại các địa phương: Móng Cái, Hải Hà, Bình Liêu (Việt Nam) vào Trung Quốc, được lực lượng Hải quan Trung Quốc duy trì kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng thời gian kiểm tra, kiểm dịch đối với từng xe hàng.
Từ ngày 7/4/2024, phía Trung Quốc yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu hàng nông sản, thủy hải sản Việt Nam phải thực hiện kiểm dịch, kiểm nghiệm hàng hóa trước khi xuất khẩu sang Đông Hưng thông qua dịch vụ lấy mẫu test nhanh của Tập đoàn kiểm nghiệm và chứng nhận Trung Quốc (CCIC) và thông báo trực tiếp cho doanh nghiệp kết quả mẫu đạt hoặc không đạt. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp, góp phần tiết giảm thời gian, chi phí, giảm tỷ lệ rủi ro và tránh thiệt hại lớn cho doanh nghiệp.
Để tiếp tục khai thác hiệu quả những dư địa tiềm năng của thị trường Trung Quốc, tỉnh Quảng Ninh chủ động thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, trợ giúp doanh nghiệp hoàn thiện thủ tục, yêu cầu theo phía Trung Quốc để thông quan hàng hóa; duy trì và tăng kim ngạch xuất khẩu một số sản phẩm nông, lâm, thủy sản, vật liệu xây dựng, thủ công mỹ nghệ có lợi thế của tỉnh; phát triển các mặt hàng xuất khẩu mới dựa trên sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến với các nhóm hàng chủ lực, như: Thực phẩm chế biến, thiết bị điện tử, xơ sợi, dệt may, da giày,… gắn với các KKT, KCN của tỉnh; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng cung ứng hàng hóa; tiếp tục tăng cường xuất khẩu các mặt hàng có hàm lượng công nghệ và giá trị cao, sử dụng nguyên liệu đầu vào có xuất xứ trong nước với các nhóm hàng nông, lâm, thuỷ hải sản chế biến, hạt nhựa, dăm gỗ, xơ sợi, dầu thông, hoa quả. Đồng thời, nâng cao năng lực và tăng cường công tác theo dõi, nghiên cứu thị trường, dự báo, cập nhật các thay đổi về chính sách thương mại, các rào cản phi thuế quan tại các thị trường xuất khẩu; chú trọng xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu tiềm năng của tỉnh…
Cùng với việc hoàn thiện hạ tầng giao thông để phát triển hoạt động XNK, tỉnh cũng đẩy mạnh các hoạt động kinh tế đối ngoại, tăng cường công tác thông tin, thị trường hoạt động XNK hàng hoá, nhất là hàng hóa nông sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc; tuyên truyền, phổ biến, tận dụng và thực thi có hiệu quả cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do đã ký; thúc đẩy các hoạt động kinh tế đối ngoại, giao lưu, đàm phán với các địa phương biên giới của tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) tiếp giáp với tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam) về các nội dung, thoả thuận hợp tác thúc đẩy phát triển kinh tế cửa khẩu và thương mại biên giới. Cùng với đó, tăng cường hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia trực tiếp các mạng phân phối hàng hóa, mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm của địa phương tại thị trường Trung Quốc.
Mới đây nhất, từ ngày 23-28/7/2024, đoàn công tác tỉnh Quảng Ninh và một số doanh nghiệp của tỉnh tham gia Hội chợ triển lãm Trung Quốc – Nam Á lần thứ 8 và Hội chợ hàng hóa xuất nhập khẩu Côn Minh Trung Quốc lần thứ 28, tại TP Côn Minh, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Tại Hội chợ, tỉnh Quảng Ninh đã giới thiệu, quảng bá các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP tiêu biểu tỉnh Quảng Ninh để hướng tới xuất khẩu. Đồng thời, tham gia các hoạt động kết nối hợp tác về thương mại và du lịch gồm: Diễn đàn tỉnh trưởng Hành lang kinh tế tiểu vùng sông MeKong năm 2024; diễn đàn thương mại Trung Quốc – Đông Nam Á lần thứ 6 năm 2024; diễn đàn hợp tác du lịch qua biên giới Trung – Việt 2024. Thông qua các hoạt động này góp phần đẩy mạnh hoạt động giao lưu xúc tiến thương mại Quảng Ninh và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) gắn kết hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại và tạo điều kiện mở rộng thị trường, kết nối giao lưu, gặp gỡ, tìm kiếm đối tác, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vào thị trường Trung Quốc.
Để khẳng định vai trò “cầu nối”, thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong cả nước thực hiện các hoạt động đầu tư và XNK qua địa bàn, tỉnh Quảng Ninh luôn đồng hành, xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp. Trong đó, quan tâm công khai, minh bạch các thủ tục hành chính; tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng, nghiên cứu, định hướng và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước tìm kiếm cơ hội xuất khẩu hàng hóa, sản phẩm sang thị trường Trung Quốc.
Có thể thấy, hoạt động XNK hàng hóa qua các cửa khẩu giữa Quảng Ninh với Trung Quốc thời gian qua duy trì ổn định. Năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới tỉnh Quảng Ninh ước đạt 4,1 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2022. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch XNK với Trung Quốc đạt 2,54 tỷ USD, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,05 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 1,22 tỷ USD.