Với tiềm năng vốn có, sự quan tâm đầu tư, tiềm năng du lịch biên giới ở Bình Liêu đang có điều kiện phát triển mạnh mẽ, đặc biệt khi cặp cửa khẩu song phương Hoành Mô (Việt Nam) – Động Trung (Trung Quốc) đi vào hoạt động nhộn nhịp.
Sau một thời gian quan tâm đầu tư, thúc đẩy, ngày 25/6/2024, tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam) phối hợp với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) tổ chức Lễ công bố mở chính thức cặp cửa khẩu song phương Hoành Mô (Việt Nam) – Động Trung (Trung Quốc), bao gồm lối thông quan Bắc Phong Sinh (Việt Nam) – Lý Hỏa (Trung Quốc). Việc này mở ra triển vọng, hướng phát triển mạnh mẽ với du lịch của Bình Liêu. “Có thể nói, sự kiện này không chỉ tăng cường kết nối hai bên mà còn mở ra cơ hội, triển vọng to lớn cho huyện thúc đẩy, phát triển du lịch biên giới, phát huy thế mạnh vốn có của địa phương” – bà Tô Thị Nga, Phó phòng Văn hoá – Thể thao huyện Bình Liêu chia sẻ.
Theo đánh giá, trong thời gian tới, hoạt động cặp cửa khẩu song phương nhộn nhịp đồng nghĩa với việc đối ngoại, giao thương biên giới sẽ được tăng cường hơn. Giao lưu về kinh tế, văn hóa nhiều hơn, trong đó du khách hai bên sẽ tăng cường qua lại du lịch, tìm hiểu và từ đó có thể kết nối các tour tham quan sâu hơn vào nội địa, các thắng cảnh… Đây cũng là động lực để đa dạng nguồn khách, thúc đẩy dịch vụ, sản phẩm du lịch của địa phương. Đồng thời với đó, du khách Việt Nam sẽ có thêm tour tham quan cửa khẩu, xuất cảnh theo các hành trình cụ thể.
Được biết, các bên đã tích cực hiện thực hóa chủ trương này. Bình Liêu đã có chương trình hội đàm, thỏa thuận ghi nhớ trong đó nhắc tới phát triển du lịch biên giới khi điều kiện cho phép là cơ quan cấp tỉnh hai bên thông thương. Ngành Du lịch tỉnh Quảng Ninh và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây cũng ký kết hợp tác du lịch biên giới, nhấn mạnh đưa khách qua lại cửa khẩu Hoành Mô – Động Trung…
Để phát huy, phát triển tiềm năng du lịch biên giới đang rộng mở, Bình Liêu đã đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch tương đối tốt, giao thông cũng thuận lợi, kéo gần Bình Liêu với Hạ Long và các địa phương lân cận. Huyện cũng đã đầu tư cơ sở hạ tầng với đường lên biên giới, lên các cột mốc…
Huyện đã và đang hoàn thiện các quy hoạch du lịch, quy hoạch vùng, đẩy mạnh thu hút nhà đầu tư trong đó có các điểm du lịch biên giới cửa khẩu khu vực Hoành Mô, Đồng Văn… Đồng thời, huyện cũng đã tham mưu, đề nghị tỉnh đưa ra chính sách phát triển du lịch cộng đồng, du lịch biên giới…
Ngoài ra, để phục vụ thị trường khách Trung Quốc và các thị trường khách khác, Bình Liêu cũng định hướng các tuyến, điểm du lịch nội vùng, kết nối với các địa phương khác như Hà Nội, Móng Cái, Lạng Sơn, các điểm như Hạ Long, Bái Tử Long… khuyến khích được các tour du lịch rừng biển – biên giới mới mẻ, đầy sức hấp dẫn như: Hà Nội – Vịnh Hạ Long – Bình Liêu – Phòng Thành…
Xa hơn, Bình Liêu đã và đang thúc đẩy, định hướng nhiều sản phẩm mới đặc sắc. Đó là các sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với các giá trị văn hóa, kiến trúc của đồng bào các dân tộc, lưu trú trải nghiệm cuộc sống ở bản, nghe các làn điệu hát, trải nghiệm trò chơi truyền thống, tìm hiểu trải nghiệm thiên nhiên, đa dạng sinh học tại các điểm có lợi thế (Khe Tiền, Sông Moóc, Cao Ly, Ngàn Chi, các vườn hoa…), du lịch đường biên hùng vĩ. Cùng với đó là định hướng xây dựng các sản phẩm du lịch mạo hiểm mới mẻ (leo núi, xuyên rừng, các trò chơi mạo hiểm bungee, Zipline, nhảy dù…).
Thực tế, với cơ sở hạ tầng và sự phong phú về du lịch của Bình Liêu có thể đáp ứng nhanh được nhu cầu qua lại, tham quan ngắn của du khách qua cửa khẩu Hoành Mô. Tuy nhiên về lâu dài, khi hoạt động cửa khẩu nhộn nhịp hơn, lượng du khách qua lại sẽ đông đúc hơn, Bình Liêu cần quan tâm kêu gọi đầu tư về hạ tầng, đào tạo nhân lực, phát triển kết nối mạnh mẽ các tour tuyến nội và ngoại tỉnh.