Trong 2 tháng đầu năm, dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh có xu hướng giảm, nguy cơ ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm. Để hoàn thành kế hoạch đặt ra với mức tăng trưởng tín dụng khoảng 12-13% trong năm 2024, ngành ngân hàng Quảng Ninh đang nỗ lực triển khai các giải pháp, trong đó đặc biệt quan tâm điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt…
Theo số liệu công bố mới nhất của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Ninh, tính đến hết tháng 2, dư nợ tín dụng trên địa bàn giảm 0,8% so với cuối năm 2023. Nguyên nhân tín dụng chững lại tại nhiều ngân hàng do tăng trưởng tín dụng có tính chất quy luật, thông thường vào tháng Tết Nguyên đán tín dụng không tăng. Ngoài ra, khả năng hấp thụ của nền kinh tế yếu, cùng tâm lý chung doanh nghiệp, người dân ngại vay nợ những tháng đầu năm khiến nhu cầu vay vốn thấp, dẫn đến tín dụng có xu hướng giảm. Vì vậy, việc đẩy mạnh tín dụng ngay từ đầu năm là rất cần thiết để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng trên địa bàn tỉnh khoảng 12-13% cả năm 2024.
Chủ động nắm bắt tình hình, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Ninh xác định tăng trưởng tín dụng là một trong những hoạt động trọng tâm năm 2024, đặc biệt là giai đoạn đầu năm. Ngay từ cuối năm 2023, đơn vị đã sớm có văn bản riêng chỉ đạo toàn ngành ngân hàng Quảng Ninh tăng cường công tác tín dụng đầu năm 2024.
Trên cơ sở đó, các tổ chức tín dụng, chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh hoạt động cấp tín dụng; tập trung tháo gỡ khó khăn cho người dân doanh nghiệp, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn, nhất là lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên khuyến khích phát triển và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ, của tỉnh. Trong đó, vốn tín dụng được tập trung vào các lĩnh vực như nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao…
Đơn cử như Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Móng Cái, để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, đơn vị đã tích cực tham gia các hoạt động kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, đối thoại, chia sẻ với khách hàng, các hiệp hội doanh nghiệp, ngành nghề… Ngay từ đầu năm, đã triển khai các chương trình ưu đãi lãi suất, hỗ trợ giảm lãi suất cho các khách hàng, đồng thời hỗ trợ tư vấn các giải pháp tài chính phù hợp, khả thi với đặc thù của từng khách hàng và tình hình kinh tế từng thời kỳ, giúp khách hàng sử dụng vốn hiệu quả, linh hoạt, an toàn.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Vietcombank chi nhánh Móng Cái, cho biết: Tình hình tín dụng quý I năm 2024 về cơ bản vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng có dấu hiệu tăng trưởng tốt hơn 2023. Như ở Vietcombank chi nhánh Móng Cái, mức lãi suất vay ngắn hạn từ đầu năm đến nay chỉ dao động từ 5-7%/năm, tùy kỳ hạn. Cùng với đó là thủ tục, quy trình nhanh gọn giúp doanh nghiệp, hộ kinh doanh có khả năng tiếp cận vốn dễ hơn.
Riêng trong lĩnh vực bất động sản, các tổ chức tín dụng, chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tiếp tục rà soát, kịp thời có giải pháp tín dụng phù hợp đối với doanh nghiệp, dự án bất động sản đủ điều kiện, đặc biệt là các doanh nghiệp có dự án đáp ứng nhu cầu thực của thị trường, các dự án nhà ở xã hội, dự án nhà ở cho người thu nhập thấp. Đồng thời, chủ động hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho người mua nhà tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng để đáp ứng nhu cầu vốn về nhà ở.
Đến thời điểm này, đã có 10 hộ dân vay mua nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh được giải ngân tại Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Quảng Ninh, giúp người dân an cư, lạc nghiệp. Ngân hàng đang tích cực hướng dẫn hoàn thiện thủ tục hồ sơ, kịp thời giải ngân cho các hộ dân vay vốn mua nhà ở xã hội, dự án Nhà ở xã hội Khu dân cư đồi Ngân hàng. Dự kiến đến hết tháng 3, sẽ có trên 20 hộ được giải ngân nguồn vốn vay này.
Là một trong những hộ đầu tiên được giải ngân vốn vay mua nhà ở xã hội, chị Phạm Thùy Ninh, phường Hồng Hải, TP Hạ Long vui mừng chia sẻ: Được mua nhà ở xã hội đã là niềm hạnh phúc, tôi còn được tạo điều kiện vay vốn ưu đãi, giúp có được căn nhà mơ ước, ổn định cuộc sống.
Trưởng Ban điều hành Dự án Nhà ở xã hội Khu dân cư đồi Ngân hàng, ông Nguyễn Mạnh Thắng, cho biết: Đây là công trình nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp đầu tiên trên địa bàn tỉnh, tổng mức đầu tư trên 1.300 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho khoảng gần 4.000 người. Cùng với việc người dân được tạo điều kiện hỗ trợ nhu cầu vay vốn, doanh nghiệp cũng được tiếp cận vốn vay ưu đãi từ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân theo Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ. Nhờ đó, tiến độ thi công dự án rất thuận lợi. Chúng tôi phấn đấu hoàn thành dự án, đưa vào sử dụng trong quý IV năm 2024, trước 1 năm so với kế hoạch đề ra.
Với các giải pháp tích cực, đồng bộ, trong tháng 3 – tháng cuối cùng của quý I, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn tỉnh có nhiều tín hiệu khả quan. Dự kiến đến 31/3/2024, dư nợ tín dụng đạt 180.000 tỷ đồng, tăng 1,6% so với thời điểm cuối năm 2023, trong đó dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 105.500 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 58,6%; dư nợ cho vay trung và dài hạn đạt 74.500 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 41,4%.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Ninh yêu cầu các ngân hàng thương mại thực hiện công khai lãi suất cho vay bình quân trước ngày 1/4/2024, giúp người dân, doanh nghiệp thuận lợi trong việc tiếp cận tín dụng. Song song với đó, việc tiếp tục cơ cấu thời gian trả nợ với các doanh nghiệp còn khó khăn cũng là giải pháp để khơi thông dòng tín dụng. Tuy nhiên, để thúc đẩy tín dụng hiệu quả, bên cạnh giải pháp của ngành ngân hàng, sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành có vai trò rất quan trọng nhằm kích cầu đầu tư, tiêu dùng, thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế trên địa bàn.