Hiện nay, trên mỗi chân ruộng cửa sông, nông dân trồng lúa và thả bổ sung giống rươi, cáy, phát triển thành mô hình lúa – rươi – cáy, trong đó con rươi chiếm ưu thế. Đó là những cánh đồng hữu cơ mà các nông sản làm ra như rươi, lúa, cáy có chất lượng rất tốt, cho giá trị cao.
Nông nghiệp hữu cơ là hình thức canh tác nông nghiệp không dùng hoặc loại bỏ phần lớn việc sử dụng phân bón tổng hợp, thuốc trừ sâu, các chất điều tiết tăng trưởng, phụ gia trong thức ăn. Mô hình lúa – rươi – cáy chính là một quy trình sản xuất điển hình theo hướng này. Hiện toàn tỉnh có 90ha lúa – rươi – cáy đã được chứng nhận canh tác hữu cơ. Theo Sở NN&PTNT, dư địa để tiếp tục phát triển mô hình này khá lớn, với trên 500ha.
Cùng với 90ha lúa – rươi – cáy, “gia tài” nông nghiệp hữu cơ của Quảng Ninh hiện còn có thêm 25ha chè hữu cơ tại xã Đường Hoa (huyện Hải Hà); 329ha rừng quế hữu cơ tại huyện Đầm Hà và Tiên Yên. Riêng với mô hình quế hữu cơ, đến nay đã có hơn 220 tấn vỏ quế được cấp visa xuất ngoại và có mặt ở những thị trường khắt khe nhất của châu Âu, giá bán cao hơn 20% so với quế thông thường.
Bên cạnh đó, toàn tỉnh hiện có trên 1.000ha sản xuất hàng hóa nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP; 28 cơ sở có chứng nhận VietGAP trong lĩnh vực chăn nuôi; trên 400 cơ sở áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến (GMP, SSOP, HACCP…); 14 vùng trồng cây ăn quả, 5 cơ sở đóng gói quả tươi và 9 công ty xuất khẩu thủy sản đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc; duy trì 16 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn có xác nhận với 59 loại sản phẩm.
Có thể thấy, kể từ khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2021-2030 (ngày 23/6/2020), tỉnh Quảng Ninh khá chú trọng phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn. Trong 4 năm qua tỉnh luôn sẵn sàng nguồn vốn phát triển nông nghiệp hữu cơ và đã chi trên 10 tỷ đồng cho các dự án nông nghiệp hữu cơ.
Với mục tiêu tiếp tục đầu tư cho nông nghiệp hữu cơ, Sở NN&PTNT hiện đang tập trung xây dựng, phát triển các sản phẩm rau, củ, quả, chè, dược liệu, gạo hữu cơ tại các địa phương: Quảng Yên, Vân Đồn, Ba Chẽ, Bình Liêu, Hải Hà… Sau đó, khoanh vùng, thực hiện giai đoạn chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ đối với 55ha trồng trọt. Trong lĩnh vực chăn nuôi, đẩy mạnh thực hiện đề án phát triển sản phẩm gia súc, gia cầm hữu cơ tại: Bình Liêu, Tiên Yên, Đầm Hà, Móng Cái, trong đó tăng giá trị sản phẩm chăn nuôi hữu cơ 10-15%.
Nguồn lực, đòn bẩy để hiện thực hoá các mục tiêu trên là 11 nhóm giải pháp hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên cơ sở lựa chọn sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Đó là các giải pháp về hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp hữu cơ; phát triển và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường liên kết “4 nhà”; đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng tiến bộ KHCN, công nghệ cao; thông tin tuyên truyền; xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm…
Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT, việc sản xuất các sản phẩm hữu cơ đạt tiêu chuẩn được cấp chứng nhận sẽ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, củng cố và phát triển thương hiệu… Đặc biệt, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh khi giá trị của sản phẩm hữu cơ cao hơn 15-20% so với sản phẩm được sản xuất theo phương thức thông thường. Để thực hiện hiệu quả mục tiêu phát triển nông nghiệp hữu cơ, Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng các chính sách khuyến khích nông nghiệp hữu cơ, như hỗ trợ 100% kinh phí xác định các vùng, khu vực đủ điều kiện sản xuất hữu cơ, hỗ trợ toàn bộ kinh phí cấp giấy chứng nhận sản phẩm; kết nối hộ sản xuất với doanh nghiệp tiêu thụ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đóng gói và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ…