Sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã không còn xa lạ với người nông dân cả nước nói chung và Quảng Ninh nói riêng. Đây là một trong những nội dung quan trọng không chỉ thúc đẩy kinh tế – xã hội mà còn góp phần thực hiện hiệu quả Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Dù vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng thời gian qua, nhiều mô hình sản xuất sạch, an toàn đã được các địa phương, hợp tác xã, người sản xuất trên địa bàn tỉnh quan tâm đầu tư thực hiện.
Mô hình lúa – rươi là một trong những mô hình canh tác hữu cơ cho hiệu quả cao trên địa bàn TX Đông Triều. Với mô hình này, cây lúa được canh tác trên các đồng bãi ven sông, vốn là nơi sinh sống của rươi, từ đó tạo ra hiệu quả tuần hoàn giúp nông dân quay vòng mùa vụ và tăng hiệu quả sử dụng đất sản xuất. Cùng với mô hình lúa – rươi, những năm gần đây việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo hướng an toàn dần được bà con nông dân TX Đông Triều tích cực triển khai trên mọi lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi. Điển hình như trồng ổi VietGAP tại xã Hồng Thái Đông diện tích 20ha; vùng sản xuất nếp cái hoa vàng trên 1.000ha tại Yên Đức, Nguyễn Huệ, Hồng Phong, Hưng Đạo, Hoàng Quế; vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung tại An Sinh, Bình Khê, Tràng Lương và 2 khu chăn nuôi tập trung tại xã Nguyễn Huệ, Bình Khê; vùng sản xuất rau tại Yên Thọ, Xuân Sơn; vùng trồng hoa, cây cảnh tại Bình Khê, Bình Dương, Hồng Phong…
Để nhân rộng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, TX Đông Triều đã áp dụng các mô hình canh tác mới; hỗ trợ, khuyến khích bà con nông dân tham gia chuyển đổi phương thức canh tác nông nghiệp theo hướng hữu cơ; đẩy mạnh phong trào “Vận động nông dân tham gia vào chuỗi sản xuất hữu cơ và thương mại điện tử giai đoạn 2021-2025” của Hội Nông dân thị xã.
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có trên 1.000ha sản xuất hàng hóa nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP; 28 cơ sở có chứng nhận VietGAP trong lĩnh vực chăn nuôi; trên 400 cơ sở áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến (GMP, SSOP, HACCP…); 14 vùng trồng cây ăn quả, 5 cơ sở đóng gói quả tươi và 9 công ty xuất khẩu thủy sản đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc; duy trì 16 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn có xác nhận với 59 loại sản phẩm. Một số vùng trồng cây quế ở huyện Đầm Hà và Tiên Yên được Tổ chức Chứng nhận quốc tế toàn cầu độc lập trong quản lý và giám sát hàng hóa (Control Union Certifications) cấp chứng nhận đạt hữu cơ tiêu chuẩn châu Âu. Đến nay, đã có gần 350ha với hơn 220 tấn quế hữu cơ đã được cấp visa xuất ngoại và có mặt ở những thị trường khắt khe nhất của châu Âu, giá bán từ 23.000-25.000 đồng/kg (cao hơn 20% so với quế thông thường). Mô hình nuôi rươi kết hợp với trồng lúa hữu cơ quy mô 5ha tại phường Trưng Vương (TP Uông Bí) cho thu hoạch hơn 2 tấn rươi thương phẩm (tăng gần 1 tấn so với nuôi tự nhiên như trước), năng suất lúa đạt 1,8-2 tấn/ha/vụ, lợi nhuận hơn 300 triệu đồng/ha. Sản xuất không sử dụng thuốc diệt cỏ, không sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật đã mang lại nhiều lợi ích cho nông dân, giúp ổn định đầu ra của sản phẩm.
Trên cơ sở nghiên cứu rõ những tiềm năng, lợi thế, xác định nông nghiệp sạch là xu hướng sản xuất tất yếu để xây dựng một nền nông nghiệp bền vững, xứng với tiềm năng, tháng 3/2023, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án “Phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Mục tiêu của đề án là phát triển một nền nông nghiệp bền vững và thân thiện với môi trường, nâng cao năng suất và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Trong đó, khuyến khích sản xuất các sản phẩm hữu cơ đạt tiêu chuẩn và có chứng nhận.
Trên cơ sở đánh giá tiềm năng, thách thức, Đề án đã đề xuất 11 nhóm giải pháp để thực hiện mục tiêu hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên cơ sở lựa chọn sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Cụ thể gồm các giải pháp về hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp hữu cơ; phát triển và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường liên kết “4 nhà”; đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, công nghệ cao; về thông tin tuyên truyền; xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm… Qua đó, nhằm nhân rộng vùng canh tác hữu cơ của tỉnh trong thời gian tới. Ở lĩnh vực trồng trọt, Đề án tập trung xây dựng, phát triển các sản phẩm rau, củ, quả, chè, dược liệu, lúa gạo hữu cơ tại các địa phương: Quảng Yên, Vân Đồn, Ba Chẽ, Bình Liêu, Hải Hà… Sau đó, khoanh vùng, thực hiện giai đoạn chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ đối với 55ha sản xuất trồng trọt. Trong lĩnh vực chăn nuôi, đề án xây dựng tập trung phát triển sản phẩm gia súc, gia cầm hữu cơ tại: Bình Liêu, Tiên Yên, Đầm Hà và Móng Cái, trong đó, tăng giá trị sản phẩm chăn nuôi hữu cơ từ 10-15%.
Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT, việc sản xuất các sản phẩm hữu cơ đạt tiêu chuẩn được cấp chứng nhận sẽ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, củng cố và phát triển thương hiệu… Đặc biệt, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh khi giá trị của sản phẩm hữu cơ cao hơn từ 15-20% so với sản phẩm được sản xuất theo phương thức thông thường. Để thực hiện hiệu quả Đề án “Phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, hiện Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng các chính sách khuyến khích nông nghiệp hữu cơ như hỗ trợ 100% kinh phí xác định các vùng, khu vực đủ điều kiện sản xuất hữu cơ, hỗ trợ toàn bộ kinh phí cấp giấy chứng nhận sản phẩm. Kết nối hộ sản xuất với doanh nghiệp tiêu thụ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đóng gói và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.