Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều chính sách dành cho khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó có Nghị quyết số 194/2019/NQ-HĐND ngày 30/7/2019 của HĐND tỉnh về việc ban hành chính sách khuyến khích đầu tư, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh. Sau hơn 3 năm triển khai nghị quyết, hiện có 28 đề án, dự án đã được phê duyệt, thụ hưởng chính sách hỗ trợ.
Theo Nghị quyết 194/2019/NQ-HĐND, các đối tượng được hưởng chính sách là đơn vị đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đặc thù tỉnh khuyến khích đầu tư, như khu giết mổ gia súc, gia cầm và khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; các dự án nông nghiệp sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản theo chuỗi và sản phẩm nông nghiệp OCOP; các dự án nông nghiệp hữu cơ. Trong đó, tùy vào từng loại hình, các chủ dự án sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ về lãi suất, về tập trung đất đai, trang thiết bị nhà xưởng, cơ sở hạ tầng, giống, vật tư, truyền thông quảng bá, xúc tiến thương mại, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm…
Tại xã Nguyễn Huệ (TX Đông Triều) mới đây đã được phê duyệt dự án sản xuất nông nghiệp áp dụng Nghị quyết số 194, mang lại sự phấn khởi, động lực cho 190 hộ nông dân tham gia dự án. Dự án sản xuất tại xã Nguyễn Huệ về trồng lúa mùa ĐT37, có diện tích 11ha, do 190 hộ nông dân thôn 2 (xã Nguyễn Huệ) liên kết với HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp xã Nguyễn Huệ và Công ty CP Giống cây trồng Quảng Ninh. Các hộ nông dân tham gia chuỗi liên kết được hỗ trợ về giống trong 3 vụ canh tác. Nhà nước cũng đã đầu tư gần 2 tỷ đồng xây dựng hệ thống kênh tưới và đường nội đồng tại khu vực canh tác lúa.
Cùng với dự án lúa mùa ĐT37 của xã Nguyễn Huệ, toàn tỉnh hiện nay đang có 27 dự án, đề án khác được phê duyệt thụ hưởng chính sách thuộc Nghị quyết số 194. Với con số dự án được thụ hưởng nghị quyết như trên có thể nói là chưa nhiều so với tổng thể, tiềm năng lợi thế phát triển nông nghiệp của tỉnh.
Thực tế, để được hỗ trợ theo Nghị quyết số 194, một yêu cầu bắt buộc là phải có liên kết tiêu thụ sản phẩm và có ứng dụng công nghệ cao, tuy nhiên, hiện trên địa bàn tỉnh nền sản xuất nông hộ vẫn là chủ yếu. Hầu hết các nội dung chính sách quy định đều gắn với hỗ trợ sau đầu tư, nên một số doanh nghiệp còn ngần ngại.
Đơn cử Công ty CP Thông Quảng Ninh là đơn vị trồng rừng thông, thu mua nhựa thông, sản xuất những sản phẩm chế biến từ nhựa thông để cung ứng cho thị trường trong và ngoài nước. Trong quy trình sản xuất của đơn vị có việc liên kết với các hộ trồng rừng để tạo nguồn nguyên liệu và mở rộng diện tích trồng thông, có cam kết thu mua, bao tiêu sản phẩm; hệ thống thiết bị, dây chuyền sản xuất của công ty hiện đại, ứng dụng công nghệ cao; sản phẩm của công ty rất có dư địa phát triển… Nói cách khác Công ty CP Thông Quảng Ninh đủ điều kiện để được phê duyệt thụ hưởng chính sách thuộc Nghị quyết số 194, tuy nhiên đơn vị này đến nay chưa nộp thủ tục để tham gia thực hiện nghị quyết.
Trên địa bàn Quảng Ninh, kinh tế nông nghiệp có tỷ trọng không lớn, nhưng lại có ý nghĩa rất quan trọng, đảm bảo việc làm, thu nhập cho người dân vùng nông thôn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội toàn tỉnh. Thông qua nhiều giải pháp, bao gồm Nghị quyết số 194, tỉnh Quảng Ninh đã dành nguồn lực lớn đầu tư phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, thúc đẩy và nhân rộng những mô hình nông nghiệp có liên kết.
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Nghị quyết 194/2019/NQ-HĐND, trên cơ sở kết quả thực tế hiện nay cần có những điều chỉnh phù hợp. Mặt khác, bản thân các nông hộ, doanh nghiệp nông nghiệp cũng cần thích ứng, hiện đại hoá sản xuất, đáp ứng những yêu cầu đưa ra để đủ điều kiện tham gia và thụ hưởng chính sách. Có như vậy, Nghị quyết 194/2019/NQ-HĐND mới thực sự là đòn bẩy thúc đẩy phát triển nông nghiệp có liên kết, có nền kinh tế nông nghiệp hiện đại, giá trị cao.