Liên kết vùng trong tiêu thụ sản phẩm là hướng đi hiệu quả, giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) đẩy mạnh quảng bá, đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng. Để phát huy tối đa lợi ích liên kết vùng, tỉnh Quảng Ninh đang đẩy mạnh nhiều hoạt động kết nối giao thương, xúc tiến thương mại…
Để tạo sự liên kết tiêu thụ sản phẩm bền vững, nhiều hoạt động hợp tác liên kết vùng đã được tỉnh thực hiện, trong đó chú trọng phát triển hạ tầng giao thông, tạo thuận lợi cho các hoạt động giao thông, giao thương, buôn bán. Nhiều dự án hạ tầng giao thông, động lực đã hoàn thành đưa vào sử dụng, tạo xung lực cho phát triển kinh tế, tăng cường liên kết vùng, như: Đường cao tốc Hải Phòng – Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái; Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn; đường bao biển kết nối TP Hạ Long với TP Cẩm Phả… Cùng với đó, tỉnh cũng triển khai 8 dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng giao thông, cảng biển, dịch vụ logistics, hạ tầng logistics với tổng mức đầu tư được duyệt 15.587 tỷ đồng, trong đó hoàn thành đưa vào sử dụng 4 công trình; 4 dự án công trình đang triển khai đảm bảo tiến độ theo chỉ đạo của tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh đã cùng với các địa phương: Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên ký cam kết hình thành trục cao tốc phía Đông, hình thành chuỗi kinh tế liên kết; đẩy mạnh phối hợp với Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh trong việc cải thiện, đồng bộ và nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông liên kết vùng; hoàn thành xây dựng cầu Triều kết nối TX Đông Triều với huyện Kinh Môn (tỉnh Hải Dương); cải tạo nâng cấp đoạn nối đường tỉnh 345 (tỉnh Quảng Ninh) với đường tỉnh 398 (tỉnh Hải Dương); đầu tư xây dựng đường nối đường ven sông (kết nối từ cao tốc Hạ Long – Hải Phòng đến TX Đông Triều) tới QL37 và kết nối với đường vành đai 5; đầu tư xây dựng cầu bến Rừng và cầu Lại Xuân kết nối với TP Hải Phòng…
Ông Nguyễn Văn Công, Bí thư Thị ủy Đông Triều, cho biết: Việc tăng cường liên kết vùng là yếu tố quan trọng, giúp thúc đẩy các hoạt động giao thương, buôn bán của các doanh nghiệp, HTX. TX Đông Triều tiếp tục tăng cường cung cấp thông tin về quy hoạch các khu, cụm công nghiệp để thu hút mời gọi các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, ngành nghề thu hút trên địa bàn các địa phương; phối hợp liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP, cây ăn quả các loại ra thị trường các huyện, thị xã, thành phố lân cận. Đồng thời, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, huy động nguồn lực, thúc đẩy liên kết vùng, hợp tác hóa lãnh thổ của các địa phương, góp phần quan trọng kiến tạo không gian phát triển mới, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa của các địa phương.
Tỉnh cũng coi trọng phát triển các hạ tầng giao thông thương mại như: Xây dựng Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh – giai đoạn 1; xây dựng Trạm Kiểm soát liên ngành cầu Bắc Luân II gắn với khu dịch vụ, thương mại (TP Móng Cái); xây dựng cầu tại cửa khẩu Hoành Mô, cửa khẩu Bắc Phong Sinh nhằm tăng cường hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hóa, tạo việc làm, tạo nguồn thu ngân sách nhà nước; tiếp tục hội đàm trao đổi với phía Trung Quốc việc xây dựng cầu sắt thô sơ tại Lối mở Km3+4 Hải Yên, cặp chợ biên mậu Đông Hưng và hoàn thiện hồ sơ sửa chữa, cải tạo ngầm tràn Pò Hèn (Việt Nam) – Thán Sản (Trung Quốc) để sớm đưa vào hoạt động…
Đẩy mạnh liên kết vùng, gắn với phát huy thế mạnh địa phương còn hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân trên địa bàn tỉnh nắm bắt tình hình cung – cầu thị trường để chủ động tổ chức sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP. Qua đó, góp phần ổn định sản lượng, giảm tình trạng dư cung hoặc thiếu cung sản phẩm, hạn chế tổn thất, thích ứng với các diễn biến nhu cầu thị trường và phát triển bền vững.
Bà Vũ Thị Thanh Hoa, Phó Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất & Thương mại thuỷ sản Quảng Ninh (huyện Vân Đồn) cho biết: Nhờ sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, địa phương trong việc thúc đẩy liên kết vùng, thúc đẩy giao thương, doanh nghiệp đã được hưởng lợi nhiều và ngày càng mở rộng thị trường tiêu thụ. Đây là cơ hội tốt để cộng đồng doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ. Tôi kỳ vọng tỉnh có thêm nhiều hoạt động giao thương, kết nối tiêu thụ sản phẩm hơn nữa, giúp doanh nghiệp sản xuất phát triển sản phẩm mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.