Với nhiều tiềm năng, thế mạnh về nguồn lực tài nguyên, thời gian qua, Quảng Ninh đã phát triển trở thành trung tâm khai thác than, sản xuất xi măng, nhiệt điện lớn của cả nước. Bên cạnh những đóng góp không nhỏ đối với phát triển KT-XH, các ngành công nghiệp này đã tác động mạnh đến chất lượng môi trường, đời sống của nhân dân trên địa bàn tỉnh. Nhận thức được tầm quan trọng của phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, tỉnh đã đưa các nhiệm vụ, giải pháp phát triển lĩnh vực này vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV. Mục tiêu đặt ra là tạo mọi điều kiện, hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp trên địa bàn phát huy hiệu quả các mô hình tái sử dụng chất thải, góp phần tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường (BVMT).
Theo thống kê, trong lĩnh vực khoáng sản, tổng diện tích các bãi thải mỏ của TKV và Tổng Công ty Đông Bắc chiếm dụng khoảng 4.000ha đất với 69 bãi thải có tổng dung tích lưu chứa trên 4,2 tỷ m3. Trong đó, khối lượng đã đổ thải tính đến nay khoảng 3,4 tỷ m3, chia làm 4 khu vực chính, bao gồm: Đông Triều, Uông Bí, Hòn Gai, Cẩm Phả và khối lượng đổ thải này không ngừng tăng lên hằng năm (khoảng 150 triệu m3/năm).
Với quyết tâm đổi mới tư duy, tầm nhìn phát triển kinh tế tuần hoàn trên cơ sở tận dụng tối đa nguồn đất đá thải mỏ đang đổ thải trên các bãi thải, tỉnh Quảng Ninh đã lập đề án về việc tận dụng chất thải mỏ làm vật liệu san lấp và bước đầu được Bộ TN&MT cho phép triển khai thí điểm tại vỉa 14 cánh Tây mỏ than Núi Béo (TP Hạ Long) với trữ lượng khoảng 700.000 m3 và tại mỏ Tây Khe Sim, Tây Lộ Trí (TP Cẩm Phả) với tổng khối lượng khoảng 3,5 triệu m3 đất, đá thải mỏ.
Bên cạnh đất đá thải, tổng lượng nước thải ngành Than sau xử lý trung bình từ 120-150 triệu m3/năm đã được một số đơn vị như: Than Nam Mẫu, Than Vàng Danh, Than Hạ Long, Than Hòn Gai, Than Cọc Sáu, Than Thống Nhất… tận dụng để tái sử dụng phục vụ sản xuất than. Qua đó vừa giảm chi phí sản xuất, vừa chủ động nguồn nước, tiết kiệm nguồn nước giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần đảm bảo an ninh nguồn nước. Ngoài nguồn nước thải sau xử lý từ hoạt động sản xuất, hiện nay đối với các moong khai thác than chuẩn bị kết thúc khai thác như moong khai thác than 917 (moong khai trường 917) của Công ty Than Hòn Gai đã được Bộ TN&MT đồng ý sau khi kết thúc khai thác, sẽ tiến hành cải tạo moong than khai trường 917 thành hồ chứa nước ngọt.
Trong lĩnh vực sản xuất nhiệt điện, theo báo cáo của 7 nhà máy nhiệt điện trên địa bàn tỉnh, tổng lượng tro xỉ từ quá trình đốt than và các quá trình công nghệ mỗi năm thải ra môi trường khoảng 7,6 triệu tấn, với diện tích chiếm dụng đất làm bãi thải trên 475ha. Điều này đang tạo nên một áp lực rất lớn về nhu cầu sử dụng đất phục vụ đổ thải. Trong thời gian qua, với sự vào cuộc quyết liệt của tỉnh và quyết tâm của các đơn vị sản xuất nhiệt điện, lượng tro, xỉ thải để tái sử dụng làm vật liệu xây dựng và san lấp mặt bằng hiện đạt trên 7 triệu tấn (chiếm trên 40% tổng lượng tro xỉ thải ra các bãi thải). Đặc biệt như Nhà máy Nhiệt điện Đông Triều đã tiêu thụ 100% tro xỉ thải cho Công ty TNHH Thanh Tuyền để sản xuất gạch không nung và các sản phẩm khác như: Bê tông nhẹ, tấm trần, tường thạch cao, gốm sứ…
Cùng với các mô hình trên, hiện trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng cũng có một số mô hình điển hình như đồng xử lý, tận dụng nhiệt lượng chất thải công nghiệp thông thường trong lò nung xi măng của Công ty Xi măng Hạ Long, Công ty CP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh. Những mô hình này đã giúp tiết kiệm chi phí hàng chục tỷ đồng/năm nhờ giảm 10-15% lượng than tiêu thụ, tro xỉ thải sau đốt được sử dụng để làm nguyên liệu phối trộn clinker và còn làm giảm áp lực xử lý chất thải tại các khu xử lý tập trung, tiết kiệm nguồn lực cho ngân sách và xã hội. Hay như mô hình sản xuất cát nhân tạo làm vật liệu xây dựng từ đất đá thải mỏ than Cao Sơn trong hơn 4 năm qua của Công ty CP Thiên Nam đã mang lại lợi ích kinh tế cho các doanh nghiệp vì giá thành rẻ, chất lượng được kiểm định, đảm bảo độ bền cho công trình bên cạnh đó góp phần giảm độ cao, diện tích bãi thải, hạn chế tình trạng khai thác sử dụng cát lòng sông, góp phần sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và BVMT.
Không chỉ thực hiện các mô hình kinh tế tuần hoàn từ các doanh nghiệp, các tổ chức chính trị – xã hội của tỉnh cũng đã vào cuộc rất mạnh mẽ. Hội LHPN tỉnh đã tuyên truyền, hướng dẫn các chi hội thực hiện thành công các mô hình ủ phân hữu cơ từ rác thải, tái sử dụng chất thải nhựa, “Biến rác thành tiền”. Tỉnh Đoàn với các mô hình tái chế, tái sử dụng chất thải. Hội Nông dân tỉnh đang triển khai thực hiện dự án “Xây dựng mô hình cộng đồng, quản lý, phân loại, thu gom và xử lý rác thải nhựa vùng ven biển Hạ Long”. Những mô hình này bước đầu đã thu được nhiều kết quả khả quan, thay đổi hành vi, nhận thức của người dân về BVMT.
Tại buổi Tọa đàm BVMT và nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, khẳng định: Qua những giải pháp và kết quả thực tế đã đạt được trong thời gian qua cho thấy, Quảng Ninh đã xác lập được tầm nhìn và triển khai thực hiện một cách bài bản, đồng bộ công tác BVMT và nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu. Với những cách làm mang tính sáng tạo trong phát triển kinh tế tuần hoàn, cùng những kinh nghiệm, bài học rút ra từ thực tiễn Quảng Ninh là những căn cứ rất quan trọng để các cơ quan trung ương tổng kết, khái quát thành những mô hình lý luận mang tính định hướng cho sự phát triển chung của cả nước.