Quảng Ninh là địa phương duy nhất cả nước có cả đường biên giới trên bộ, trên biển và đường hàng không với Trung Quốc, đây là điều kiện thuận lợi giúp thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu (XNK). Trên nền tảng hữu nghị truyền thống Việt Nam – Trung Quốc, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã tăng cường các hoạt động gặp gỡ, trao đổi, phối hợp với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc nhằm thúc đẩy hoạt XNK giữa hai bên.
Với tuyến biên giới đất liền dài 118,825km chạy dọc 16 xã, phường, thị trấn thuộc TP Móng Cái, huyện Hải Hà và huyện Bình Liêu, tiếp giáp với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc, tỉnh Quảng Ninh có 3 khu kinh tế (KKT) cửa khẩu, gồm: KKT cửa khẩu Móng Cái bao gồm toàn bộ TP Móng Cái với 19 xã, phường và 9 xã, thị trấn thuộc huyện Hải Hà; KKT cửa khẩu Bắc Phong Sinh thuộc huyện Hải Hà và KKT cửa khẩu Hoành Mô – Đồng Văn thuộc huyện Bình Liêu.
Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã tăng cường thúc đẩy quan hệ hợp tác với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc trong việc mở, nâng cấp cửa khẩu, lối mở trên tuyến biên giới để tạo điều kiện thúc đẩy các hoạt động giao thương, XNK. Đến nay, hai bên có quan hệ phối hợp giữa hệ thống cửa khẩu, lối mở bao gồm: Cửa khẩu quốc tế Móng Cái – Đông Hưng (cầu Bắc Luân); cửa khẩu song phương Hoành Mô – Động Trung, 2 lối thông quan Bắc Phong Sinh – Lý Hỏa; lối thông quan cầu Bắc Luân II thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Móng Cái – Đông Hưng, cảng biển (cảng Vạn Gia). Cùng với đó, có 2 lối mở biên giới gồm: Lối mở Km3+4 phường Hải Yên và lối mở Pò Hèn – Thán Sản; 13 điểm thông quan (lối mở biên giới) gồm: Lục Lầm, Thành Đạt (km3+4), Đại Vai, Lục Chắn, Pò Hèn, cửa khẩu phụ Ka Long (TP Móng Cái); Mốc 1342+300 (Vắn Tốc), Mốc 1344+500 (huyện Hải Hà); Đồng Văn, Mốc 1322-500 (Nà Kép), Mốc 1306, Mốc 1326, Mốc 1302 (huyện Bình Liêu).
Đặc biệt, để phát huy lợi thế là “cửa ngõ, cầu nối” trong hợp tác giữa Việt Nam – ASEAN và Trung Quốc, tỉnh Quảng Ninh đã thúc đẩy việc hợp tác với các cấp, ngành với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc, nhất là trong lĩnh vực hợp tác thương mại biên giới. Trong đó, trọng tâm phối hợp trao đổi thông tin, giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh, thông tin về chính sách của hai nước có liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh. Đồng thời, phối hợp trao đổi thông tin, đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng hóa trái phép và ma túy qua biên giới.
Ông Nguyễn Văn Dương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Móng Cái, cho biết: Chi cục Hải quan Móng Cái tăng cường hợp tác, giao lưu với Hải quan Đông Hưng (Trung Quốc) trên nhiều lĩnh vực, nhất là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác thương mại và đảm bảo trật tự, buôn bán hàng hóa tại cửa khẩu. Đến nay, công tác phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ Hải quan giữa hai bên đã được tăng cường và đạt kết quả cao. Riêng năm 2024, số doanh nghiệp làm thủ tục Hải quan qua cửa khẩu đạt 1.495 doanh nghiệp, tăng 406 doanh nghiệp so với năm 2023. Chi cục tiếp tục tăng cường giao lưu, gặp gỡ, trao đổi, hợp tác với phía Hải quan Đông Hưng nhằm thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới, tạo sự ổn định và hợp tác bền vững cùng phát triển.
Cũng nhằm thúc đẩy hoạt động XNK, tỉnh Quảng Ninh và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây tích cực trao đổi để xây dựng, sửa chữa hạ tầng kết nối giao thông giữa hai tỉnh – khu; tích cực đàm phán để nâng cấp các cửa khẩu, lối mở trên địa bàn. Điển hình: Ngày 25/6/2024, cặp cửa khẩu song phương Hoành Mô (Việt Nam) – Động Trung (Trung Quốc), lối thông quan Bắc Phong Sinh (Việt Nam) – Lý Hỏa (Trung Quốc) được công bố mở chính thức. Đây là bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy giao thương, XNK, hợp tác kinh tế, và phát triển du lịch giữa Việt Nam và Trung Quốc, củng cố quan hệ hữu nghị giữa hai bên.
Ông Phạm Đức Thắng, Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu, cho biết: Việc mở chính thức cặp cửa khẩu song phương giúp địa phương thêm động lực để phát triển kinh tế biên mậu, du lịch. Các thủ tục thông quan đều được cải thiện, đẩy nhanh thời gian thông quan cũng như kiểm soát hàng hóa qua địa bàn an toàn. Đây là định hướng để địa phương mở rộng đầu tư hạ tầng, logistics khu vực cửa khẩu, phát triển ngành nghề, phụ trợ KKT cửa khẩu. Đồng thời, góp phần tăng cường mối quan hệ giao lưu hữu nghị, hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực giữa tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam) và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc).
Để thúc đẩy các hoạt động giao thương, XNK phát triển mạnh mẽ, tại Chương trình gặp gỡ đầu xuân và Hội nghị Ủy ban Công tác liên hợp được tổ chức hàng năm, Sở Công Thương Quảng Ninh và Sở Thương mại Quảng Tây đã có những ký kết thỏa thuận hợp tác quan trọng như: Mở rộng quy mô thương mại hàng hóa nông, lâm, thủy sản; tăng cường chia sẻ thông tin thị trường hai chiều, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại (hội chợ, hội nghị kết nối giao thương); thuận lợi hóa thương mại và thông quan; tháo gỡ khó khăn kịp thời, kết nối các doanh nghiệp với tham tán thương mại…
Tăng cường hợp tác giữa Quảng Ninh và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, kim ngạch XNK giữa Quảng Ninh (Việt Nam) với Quảng Tây tăng trưởng 19% năm 2023, lên đến 30% năm 2024. Trong đó, kim ngạch XNK năm 2024 đạt 4,42 tỷ USD, xuất siêu hơn 600 triệu USD. Số thu ngân sách nhà nước năm 2024 qua các cửa khẩu biên giới trên bộ của Quảng Ninh đạt trên 2.658 tỷ đồng.
Ông Lê Hồng Giang, Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ninh, cho biết: Việc hợp tác giữa hai tỉnh, khu hai bên đã phát huy tiềm năng, lợi thế kết nối giao thương, thúc đẩy XNK, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước. Nhờ đó, không chỉ có hàng hóa của doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh mà còn hàng hóa của doanh nghiệp trên cả nước (nông, lâm thủy sản, nguyên liệu phục vụ sản xuất, điện tử viễn thông …) đi sâu vào thị trường Trung Quốc và ngược lại. Qua đó, góp phần phát triển sản xuất hàng hóa tiêu dùng, xuất khẩu. Năm 2025, Sở Công Thương tiếp tục thực hiện hợp tác toàn diện hơn với Sở Thương mại Quảng Tây, không chỉ trong lĩnh vực thương mại mà còn trong sản xuất công nghiệp, thông qua việc thúc đấy phát triển công nghiệp, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hai bên thu hút đầu tư, phát triển sản xuất các sản phẩm cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.
Những kết quả hợp tác giữa Quảng Ninh và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Ninh, Trung Quốc trên các lĩnh vực, đặc biệt là XNK đã góp phần xây dựng biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển; đưa quan hệ hai tỉnh – khu trở thành hình mẫu của quan hệ cấp địa phương hai nước Việt Nam – Trung Quốc.