Ngay từ dịp đầu năm, Quảng Ninh đã sôi động với những lễ hội lớn, đặc sắc cùng các sự kiện văn hóa, thể thao đã trở thành thương hiệu, hứa hẹn là cơ hội lý tưởng cho quảng bá, thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn.
Là vùng đất đa dạng, giàu bản sắc văn hóa, Quảng Ninh được ví như “Việt Nam thu nhỏ” với nhiều lễ hội độc đáo, giàu bản sắc. Tiêu biểu có thể kể đến hội xuân Yên Tử kéo dài trong cả 3 tháng mùa xuân. Và ngay ngày khai hội Yên Tử vào mùng 10 tháng Giêng (tức ngày 19/2) tại cung Trúc Lâm khang trang, đã thu hút khoảng 20 nghìn lượt khách.
Gần đây nhất là Lễ hội đền Cửa Ông cũng chính thức khai hội vào ngày 12/3 (tức mùng 3/2 Âm lịch) với quy mô lớn, thu hút cả vạn du khách tham quan. Ban tổ chức lễ hội cũng liên tục đổi mới với lễ rước trên bộ và biển song hành, thi đấu cờ người, hát quan họ trên hồ Baza…
Đó chỉ là 2 trong kho tàng khoảng 80 lễ hội xuân của tỉnh. Đáng chú ý, gần đây nhiều lễ hội tiếp tục được phục dựng hoặc giới thiệu được những nét mới, đặc sắc, như: Lễ hội mở cửa biển ở Thanh Lân (Cô Tô) lần đầu được phục dựng, lễ hội chùa Quỳnh (Đông Triều) lần đầu thi bơi chải… Theo các chuyên gia đánh giá, đây là nguồn nguyên liệu quý để quảng bá, “mời chào”, níu chân du khách, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch.
Không chỉ có lễ hội, Quảng Ninh ngày càng trở thành “miền đất hứa” của nhiều sự kiện văn hóa, thể thao lớn, sôi động, đã trở thành thương hiệu. Đó là các giải chạy marathon: Vnexpress Amazing Hạ Long, Hạ Long bay Heritage 8 năm tuổi qua các cung đường “lên đồi xuống biển”, trên tuyến đường bao biển đẹp nhất Hạ Long.
Đặc sắc nhất có thể nói tới giải chạy xuyên biên giới Việt – Trung qua cửa khẩu Bắc Luân năm 2023, kết nối đường chạy 2 thành phố Móng Cái (Việt Nam) – Đông Hưng (Trung Quốc). Gần đây nhất, giữa tháng 2/2024, Hạ Long lại là điểm đến tham quan và trải nghiệm của đoàn thuyền đua vòng quanh thế giới Clipper race. Điều này không chỉ tạo ra sức hút, hiệu quả quảng bá cho điểm đến mà còn được truyền thông quốc tế chú ý.
Ngoài ra, các địa phương trong tỉnh cũng sáng tạo ra các sự kiện, giải đấu là sự kết hợp của thể thao và thắng cảnh, nét đẹp văn hóa, nêm thêm “gia vị” thu hút sự tò mò, khám phá cho du khách. Có thể kể ra như: Giải chạy mùa vàng qua các thắng cảnh ở Bình Liêu, giải Marathon Cô Tô “Dấu ấn đảo xanh”, Amata running – Con đường di sản Bạch Đằng…
Trên thực tế, việc quan tâm tổ chức lễ hội, sự kiện góp phần quảng bá, thúc đẩy du lịch đã được nhiều địa phương phát huy. Có thể thấy nhiều nơi đã kết hợp quảng bá, thúc đẩy du lịch với các sự kiện, lễ hội. Đơn cử như Đà Nẵng với các thương hiệu lễ hội: Pháo hoa quốc tế, Tận hưởng mùa hè, Du lịch golf Đà Nẵng…
Từ các sự kiện lớn này, Đà Nẵng đã 2 lần được vinh danh là Điểm đến sự kiện Lễ hội hàng đầu châu Á, góp phần không nhỏ vào quảng bá, phát triển du lịch…Từ đây, nhiều tour du lịch Đà Nẵng, tour du lịch dịp lễ hội pháo hoa… đã trở nên quen thuộc và đắt khách. Câu chuyện tương tự cũng đã được khẳng định ở các địa phương như: Hà Nội với festival Thu, Lễ hội Áo dài du lịch; Sơn La với lễ hội Cà phê; Hà Giang với lễ hội hoa tam giác mạch “Cao nguyên đá nở hoa.”…
Như vậy, các sự kiện, lễ hội có tác động lớn tới quảng bá, phát triển du lịch. “Các lễ hội, sự kiện văn hóa, thể thao có khả năng kéo dài mùa du lịch, giảm tính thời vụ, tạo hiệu ứng tích cực cho điểm đến. Địa phương, quốc gia nào phát huy được thế mạnh của ngành công nghiệp tổ chức lễ hội, sự kiện thì sẽ gặt hái được lợi ích đáng kể về KTXH, văn hóa” – ông Trần Đăng An, Giám đốc Halotour (TP Hạ Long) nhận định.
Trung bình hàng năm, Quảng Ninh có trên 100 lễ hội, hàng trăm sự kiện văn hóa, thể thao nổi bật, kích cầu du lịch… Tuy nhiên có thể thấy, du khách hiện chỉ đơn thuần tới tham quan, trải nghiệm lễ hội hay sự kiện đó mà chưa thực sự tạo được sự liên kết thành chuỗi, thành sản phẩm… như các địa phương đang làm.
Vì thế, để phát huy hết các tiềm năng, biến thành sản phẩm, tạo thương hiệu cần có sự kết hợp hài hòa, kết nối giữa các sự kiện, hoạt động để vừa bổ trợ, vừa tăng sức hấp dẫn, tăng thời gian lưu trú của du khách. Đồng thời, cần lựa chọn lễ hội, sự kiện điểm nhấn, trọng điểm để phát huy, tổ chức; liên kết với các địa phương, vùng lân cận để tăng sức hấp dẫn, điểm dừng chân cho du khách…