Sáng 11/11, trong chương trình công tác tại tỉnh Thanh Hóa, Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dâng hương, dâng hoa tại Khu văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố Thanh Hóa.
Trước anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn công tác của Chính phủ và lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa bày tỏ lòng thành kính và biết ơn vô hạn đối với công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc – Danh nhân văn hóa thế giới; quyết tâm tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh; tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh; không ngừng nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn; quyết tâm xây dựng đất nước ta, ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như sinh thời Bác Hồ hằng mong muốn.
Trong lưu bút, Thủ tướng Phạm Minh Chính viết: “Với niềm tự hào và lòng biết ơn vô hạn, hôm nay tại Khu văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh thành kính linh thiêng trên quê hương Thanh Hóa anh hùng, Đoàn công tác Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam kính cẩn nghiêng mình dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ chủ tịch Hồ Chí Minh, người Anh hùng dân tộc vĩ đại, Danh nhân văn hóa thế giới, Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, non sông đất nước ta.
Xin nguyện đi theo con đường của Đảng, Bác Hồ đã chọn, ra sức thi đua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, không ngừng nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Mong tỉnh Thanh Hóa ngày càng phát triển, sớm trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại, tỉnh “kiểu mẫu” như sinh thời Bác Hồ kính yêu hằng căn dặn”.
Tiếp đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi kiểm tra tình hình triển khai một số dự án trọng điểm và tình hình sản xuất, kinh doanh tại một số doanh nghiệp trong Khu kinh tế Nghi Sơn.
Thăm và làm việc tại Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh nguyên tắc hợp tác thì lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ; điều này Thủ tướng đã nhiều lần trao đổi với Thủ tướng Nhật Bản và Thủ tướng Kuwait.
Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn thuộc sự quản lý của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP), trong đó PVN góp vốn 25,1%; IKC Nhật Bản 35,1%; KPI Kuwait 35,1% và MCI – Nhật Bản 4,7%. Nhà máy đặt tại Khu kinh tế Nghi Sơn, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa với tổng diện tích 670ha trên bờ và 590ha mặt nước.
Công suất chế biến 10 triệu tấn dầu thô/năm; dầu thô nhập khẩu từ Kuwait. Công nghệ nhà máy tiên tiến hiện đại với sản phẩm chính là LPG, xăng, diesel, dầu hỏa/nhiên liệu máy bay, lưu huỳnh, polypropylen, benzen, paraxylen, trong đó sản lượng xăng dầu khoảng khoảng 7,5 triệu tấn sản phẩm/năm. Tổng mức đầu tư: 9 tỷ USD. Nguồn vốn: tỷ lệ vốn góp (gồm vốn điều lệ và vốn vay thứ cấp)/vốn vay là 46%/54%.
Đến nay, tổng số vốn giải ngân cho Dự án là 8,780 tỷ USD trong đó: Vốn góp của các Nhà đầu tư là 4,237 tỷ USD, trong đó Vốn điều lệ là 2,4 tỷ USD (PVN góp 602,4 triệu USD); Vốn cho vay thứ cấp là 1,837 tỷ USD (PVN cho vay 461,09 triệu USD). Vốn vay giải ngân từ Ngân hàng (JBIC, IFC, NEXI, KEXIM…): 4,543 tỷ USD.
Dự án có tổng mức đầu tư lớn nhất trong lĩnh vực công nghiệp với 3/4 vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), hình thành Trung tâm Lọc hóa dầu lớn của Việt Nam, tạo động lực cho phát triển kinh tế công nghiệp và dịch vụ khu vực Thanh Hóa – Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia (với 10 triệu tấn dầu thô/năm trong 70 năm từ Kuwait, đáp ứng lên đến 35% nhu cầu xăng dầu trong nước); tạo hàng vạn việc làm; tạo tiền đề cho phát triển công nghiệp trong lĩnh vực lọc hóa dầu trong tương lai.
Đóng góp đáng kể cho thu ngân sách của tỉnh Thanh Hóa và Trung ương. Tổng thuế đã nộp ngân sách nhà nước đến nay là 85.236 tỷ đồng, trong đó thuế nhập khẩu là 60.417 tỷ đồng, thuế nhà thầu nước ngoài là 3.194 tỷ đồng, thuế thu nhập cá nhân là 591 tỷ đồng, thuế bảo vệ môi trường là 1.364 tỷ đồng, thuế tiêu thụ đặc biệt là 19.667 tỷ đồng. Công ty NSRP cũng tham gia nhiều chương trình hoạt động xã hội, từ thiện tại Thanh Hóa.
Tính đến hết tháng 9/2023, NSRP đã chế biến khoảng 45,3 triệu tấn dầu thô, sản xuất khoảng 36,82 triệu tấn sản phẩm các loại, trong đó 10 tháng đầu năm 2023, NSRP sản xuất được 5,9 triệu tấn sản phẩm các loại (đạt 83% kế hoạch năm). Tổng sản lượng sản phẩm xăng dầu PVN đã bao tiêu khoảng 27,74 triệu tấn. Công tác vận hành đảm bảo an toàn, an ninh. Từ 25/8/2023 đến tháng 10/2023 NSRP dừng vận hành nhà máy để bảo dưỡng tổng thể lần đầu tiên (thời gian 55 ngày), tới nay công tác bảo dưỡng tổng thể đã hoàn thành theo kế hoạch đề ra, vượt tiến độ 07 ngày và Nhà máy đã vận hành ổn định ở công suất đầu vào là 110% từ ngày 23/10/2023, đã cung cấp trở lại các sản phẩm xăng dầu cho thị trường. Quý 4/2023 NSRP lên kế hoạch vận hành ở công suất trên 100% nhằm tăng doanh thu và tích lũy tiền để trả nợ Bên Cho vay mốc tới hạn 27/11/2023.
Theo báo cáo về tình hình tài chính của NSRP (đã kiểm toán) đến hết quý III/2023, NSRP lỗ lũy kế là 4,378 tỷ USD, vốn chủ sở hữu của NSRP âm 2,015 tỷ USD. Dư nợ gốc các Bên cho vay hiện nay là 2.835 triệu USD. Lợi nhuận trước thuế của NSRP những năm vừa qua (nhất là 2023) có cải thiện nhưng chưa tạo được chuyển biến đáng kể. Về trung và dài hạn, NSRP vẫn luôn cần các Bên góp vốn tiếp tục hỗ trợ dòng tiền.
Các nguyên nhân chính dẫn đến khó khăn: về khách quan, thị trường thay đổi bất lợi, xu hướng chuyển dịch năng lượng toàn cầu dẫn tới biên lợi nhuận lọc dầu giảm mạnh, doanh thu và lợi nhuận không đạt kỳ vọng ban đầu; Về chủ quan: việc quản trị, điều hành NSRP với nhân sự chủ chốt nước ngoài có nhiều bất cập, nhà máy hoạt động chưa ổn định và tối ưu về chi phí.
Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, an ninh năng lượng quốc gia có vấn đề quan trọng là điện và xăng dầu. Sau đại dịch Covid-19, xung đột Nga – Ukraine… dẫn đến khó khăn về năng lượng toàn cầu; về chủ quan, chúng ta chưa nắm chắc tình hình, chưa chủ động xây dựng các phương án bảo đảm năng lượng cho tăng trưởng theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định (khoảng 7-7,5%), do đó tăng trưởng năng lượng phải bám sát mục tiêu này. Chúng ta cần rút kinh nghiệm những năm vừa qua, nhất là vừa qua xảy ra chiến tranh Israel và Hamas dẫn đến tiếp tục ảnh hưởng tình hình thế giới và nước ta.
Do đó, chuyến công tác này của Thủ tướng nhằm tìm giải pháp bảo đảm an ninh năng lượng cho quốc gia vì Nhà máy này bảo đảm 30-40% nhu cầu xăng dầu cho đất nước; vừa là nắm tình hình để sắp tới có kế hoạch điều hành; chuẩn bị cho các kế hoạch gặp gỡ cấp cao vì nhà máy là biểu tượng hợp tác quốc tế giữa Việt Nam với Nhật Bản và Kuwait, quá trình đàm phán dài, gặp nhiều khó khăn. Theo Thủ tướng, cái được của dự án là gần hoàn thành giải ngân; tuy nhiên, chúng ta cần chú ý vấn đề trả nợ vốn vay của dự án; vấn đề ở đây là quản trị, khi lãnh đạo Công ty là người Nhật Bản và Kuwait, trong khi Việt Nam giữ vai trò thứ yếu. Thủ tướng hoan nghênh NSRP đã hoàn thành bảo dưỡng nhà máy sớm 1 tuần; cho rằng cần phải tái cơ cấu, không thể hỗ trợ mãi.
Thủ tướng bày tỏ cảm ơn Chính phủ Nhật Bản và Kuwait để thành lập liên doanh, bảo đảm nguồn cung xăng dầu và các sản phẩm lọc hóa dầu, thể hiện tình hữu nghị, thiện chí của Chính phủ và nhân dân hai nước đối với Việt Nam. Chúng ta đánh giá cao sự hỗ trợ này. Bên cạnh đó, khi chúng ta dự báo tình hình hợp tác thì không dự báo hết khó khăn xảy ra, trong khi đây cũng là liên doanh lớn nhất của Việt Nam từ trước tới nay. Đây cũng là mô hình mới, cho nên chưa lường hết khó khăn, diễn biến phức tạp, không dự báo được, do đó phải điều chỉnh theo yêu cầu khách quan.
Chúng ta cũng phải thấy là “vừa hợp tác, vừa đấu tranh”. Vấn đề này phải giải quyết ở cấp Chính phủ và cấp kỹ thuật. Về cấp kỹ thuật, Thủ tướng yêu cầu phải tái cấu trúc lại quản trị, cần phải có nhiều người Việt Nam lãnh đạo nhiều hơn. Vấn đề nhân sự cần bàn lại cụ thể; đề nghị Tổng Giám đốc NSRP, tinh thần là phải tăng số người Việt lên, nội hóa người Việt trong ban lãnh đạo, đồng thời phía Việt Nam vẫn tôn trọng các thỏa thuận hợp tác. Phải phân cấp, phân quyền, hạn chế bớt tình trạng “đi lại” xin ý kiến chỉ đạo; xây dựng các quy trình, quy định đầy đủ để thực hiện tốt; tăng cường kiểm tra, giám sát.
Về vấn đề thua lỗ của dự án, Thủ tướng cho rằng, 70% vốn của dự án là vay lãi suất cao, trong khi sản xuất “ì ạch” vì nhiều nguyên nhân, do đó tình hình thay đổi thì giải pháp phải thay đổi; điều đáng ngạc nhiên là lãi suất của dự án không thay đổi. Thủ tướng đề nghị Tổng Giám đốc NSRP phải báo cáo ban lãnh đạo để thay đổi lãi suất; tái cấu trúc về tài chính thì phải tái cấu trúc về lãi vay, tỷ lệ góp vốn; đồng thời phải giảm lãi suất cho vay, thậm chí phải xoá lãi suất vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Phải tái cấu trúc về sản xuất, trong đó điện cung ứng cho nhà máy là vấn đề, vì Công ty lại sử dụng điện dầu trong khi không sử dụng điện lưới. Nhà máy tiêu thụ điện rất lớn, nếu sử dụng điện lưới sẽ tiết kiệm khoảng 70 triệu USD, vậy câu hỏi đặt ra là tại sao không sử dụng điện lưới. Đầu vào cho sản xuất là dầu thì cũng cần tính toán lại. Khi thiết kế nhà máy là chỉ có nguyên liệu của Kuwait thì không ổn, phi thị trường. Theo Thủ tướng, khi làm ăn với nhau, phải hài hòa lợi ích. Phải tiết kiệm, không được để xảy ra tiêu cực. Các sản phẩm cung cấp cho dự án thường là độc quyền. Thủ tướng yêu cầu những gì thuộc trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành Việt Nam thì các đơn vị phải làm khẩn trương.
Đối với vấn đề đầu tư lưới điện cấp cho nhà máy, Thủ tướng giao EVN chịu trách nhiệm đầu tư lưới truyền tải đến hàng rào nhà máy.
Thủ tướng một lần nữa yêu cầu nhà máy phải bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, cung ứng xăng dầu góp phần bảo đảm nhu cầu trong nước, bảo đảm được mục tiêu tăng trưởng năm 2024 từ 6-6,5%.
Về lâu dài, phải tái cấu trúc liên doanh theo hướng các bên đều có lợi. Trước mắt cần tái cấu trúc về nhân sự, tái cấu trúc tài chính, tái cấu trúc về sản xuất, kinh doanh trong đó chú trọng giảm chi phí đầu vào, đó là giảm giá nhập khẩu nguyên liệu dầu thô, bảo đảm vấn đề cung ứng điện lưới chứ không sử dụng điện phát bằng dầu.
Tỉnh Thanh Hóa cũng có trách nhiệm bảo vệ, bảo đảm an toàn an ninh trật tự địa phương; giảm bớt việc cung cấp các nguyên vật liệu độc quyền; Bộ Công thương phải tăng cường giám sát kiểm tra; Văn phòng Chính phủ ban hành một kết luận riêng của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này.
* Tại Cảng quốc tế Nghi Sơn, Thủ tướng đã nghe báo cáo về quy hoạch tổng thể phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050. Thủ tướng đề nghị nghiên cứu Nghị quyết của Bộ Chính trị liên quan vấn đề quy hoạch không gian của khu vực để áp dụng nghiên cứu cho phát triển không gian của tỉnh.
Vấn đề quan trọng phải nghiên cứu kỹ vì điều quan trọng phải có nguồn hàng ở khu vực nam Thanh bắc Nghệ. Nếu lấy cứ điểm là Thanh Hóa thì có trung chuyển đi khu vực khác như Tây Bắc không vì khu vực này khó khăn về giao thông. Nếu từ Tây Bắc đi đến cảng Nghi Sơn thuận lợi hơn các cảng khác.
Chúng ta cần suy nghĩ vấn đề kết nối giao thông, phát huy truyền thống Điện Biên Phủ năm xưa trong nghiên cứu phát triển hạ tầng giao thông. Cần suy nghĩ nguồn hàng từ đây đi đâu, rồi vấn đề nguồn lực đầu tư, phân kỳ đầu tư, cơ chế, chính sách kêu gọi, huy động nguồn lực đầu tư. Cần kế thừa, phát huy kinh nghiệm ở cảng Hải Phòng để quy hoạch phát triển cầu nối đất liền với đảo Hòn Mê. Quy hoạch phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược; tư duy vốn Nhà nước chỉ là vốn mồi, thu hút các nguồn vốn khác, đầu tư phải phân kỳ. Phải làm dự án tổng thể, khẩn trương, nghiêm túc, nếu cần phải thuê tư vấn nước ngoài