Sáng 30/3, trong chương trình công tác tại Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới viếng Nghĩa trang Liệt sĩ thành phố Phú Quốc và dâng hương tại Đền tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Phú Quốc; khảo sát một số công trình, dự án để tìm hiểu tình hình, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn về vấn đề hạ tầng, nguồn nhân lực y tế, nguồn nước ngọt, bảo vệ đa dạng sinh học, môi trường sinh thái… phục vụ người dân trên đảo và du khách.
Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Phú Quốc là nơi yên nghỉ của 3.291 liệt sĩ là con, em nhân dân từ các tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó có 356 liệt sĩ là con, em Phú Quốc; 2.267 liệt sĩ và 3 mộ tập thể được quy tập tại di tích Nhà lao Cây Dừa; 665 liệt sĩ hy sinh trong chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế tại nước bạn Campuchia.
Trong giờ phút thiêng liêng này, với niềm tự hào, niềm tin sắt son về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các thành viên trong Đoàn công tác nguyện học tập, chiến đấu và công tác xứng đáng với sự hy sinh to lớn của các liệt sĩ; đoàn kết một lòng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, phấn đấu xây dựng đất nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
* Thị sát, thăm động viên, tặng quà cán bộ, công nhân đang thi công trên công trường xây dựng Tượng đài Bác Hồ tại Quảng trường trung tâm thành phố Phú Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý cán bộ công nhân đang thi công cần tranh thủ thời gian, làm ngày đêm, “vượt nắng, thắng mưa”, bảo đảm chất lượng, tiến độ, kỹ mỹ thuật, xanh sạch đẹp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, các dự án thành phần, hạng mục phải phối hợp chặt chẽ; chủ đầu tư và thầu cam kết hoàn thành công trình đúng dịp 30/4 này.
Thủ tướng yêu cầu Ban Quản lý dự án dự án phải đôn đốc, kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, rồi chuẩn bị bộ máy quản lý vận hành công trình sau khi hoàn thành; làm tốt công tác nghiệm thu, thanh quyết toán nhanh.
Thị sát khu Vinpearl Safari Phú Quốc, cho ý kiến về sự phát triển của khu Safari nói riêng cũng như bảo tồn và phát triển rừng của Phú Quốc, Thủ tướng yêu cầu cần tạo môi trường sinh thái tự nhiên để bảo tồn sự đa dạng sinh học, động thực vật; phát huy, khai thác hiệu quả công trình. Từ mô hình khai thác 498ha vườn thú bán hoang dã Safari này thì tổng kết xem đã làm được gì, chưa được gì, từ chỗ chưa có tên trên bản đồ trên thế giới, được xếp hạng 1 trong những vườn thú lớn nhất thế giới. Muốn vậy phải có hệ sinh thái cho động vật, từ đó thúc đẩy hệ sinh thái thực vật, ngoài ra còn bảo tồn các loài động vật quý hiếm trên thế giới.
Thủ tướng cũng cho rằng, đầu tư vào khu vực để khai thác tiềm năng rừng Phú Quốc phải có điều kiện, phải có tiêu chuẩn, tiêu chí. Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh Kiên Giang, thành phố Phú Quốc phải bảo đảm công khai, minh bạch lựa chọn nhà đầu tư, kiên quyết bảo vệ rừng tự nhiên; phải bảo đảm phát triển bền vững nguồn nước ngọt ở đây; trên đảo phải có hạ tầng y tế, giáo dục tốt…
Công viên chăm sóc và bảo tồn động vật bán hoang dã Vinpearl Safari – một trong các vườn thú mở lớn nhất Thế giới có tổng diện tích gần 500ha, bao gồm khu vườn thú mở và khu bán hoang dã. Vừa qua, Tổ chức kỷ lục gia thế giới World King vừa trao kỷ lục: Safari trên đảo đa dạng loài sở hữu số lượng cá thể nhiều nhất thế giới. Được khai trương vào ngày 24/12/2015, cho đến nay, Vinpearl Safari đang chăm sóc và nuôi dưỡng khoảng 200 loài với gần 4.000 cá thể. Trong đó, có nhiều loài động vật thuộc nhóm Quý hiếm: Đười ươi Sumantra, Heo vòi Mã lai, Rùa khổng lồ Aldabra, Tê giác trắng, Linh dương Bongo, Voi châu Á, Vượn má vàng, Voọc chân đen, Sếu đầu đỏ. Riêng về hoạt động cứu hộ động vật, hệ thống Safari cứu hộ 44 loài tương ứng với gần 1.600 cá thể chỉ trong 3 tháng đầu năm 2024.
Thị sát công trình Cảng hành khách quốc tế Phú Quốc, Thủ tướng yêu cầu phải nghiên cứu hình thức đấu thầu đơn vị quản lý vận hành cảng biển bảo đảm hiệu quả; quy hoạch các khu chung quanh sản xuất kinh doanh dịch vụ tạo việc làm, sinh kế cho người dân.
Dự án có tổng mức đầu tư gần 1.645 tỷ đồng. Hiện các hạng mục cầu dẫn, cầu bến chính và đê chắn sóng đã hoàn thành, chuẩn bị đưa vào sử dụng. Thủ tướng yêu cầu Phú Quốc nghiên cứu phương án quản lý, vận hành, khai thác cảng phù hợp và hiệu quả nhất; tiếp tục xã hội hóa, kêu gọi đầu tư ở một số hạng mục khác; quy hoạch khu vực xung quanh Cảng với tầm nhìn dài hạn, chiến lược, tổng thể, còn thực hiện thì phân kỳ, chú trọng dành những vị trí đẹp phục vụ cho thương mại, sản xuất kinh doanh để tạo công ăn, việc làm, sinh kế cho người dân.
Tiếp đó, Thủ tướng đã đến thị sát khu vực tập kết rác thải tạm thời của thành phố Phú Quốc. Hiện Thành phố đã có nhà máy đốt rác với công suất 200 tấn/1 ngày đêm và nước thải đang được xử lý cục bộ, phục vụ hơn 200 nghìn dân và hơn 5 triệu lượt du khách mỗi năm. Nhấn mạnh, việc xử lý rác thải, nước thải, bảo vệ môi trường là nhiệm vụ rất quan trọng, cấp bách với Phú Quốc để phát triển bền vững, lâu dài, vì vậy, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Kiên Giang nghiên cứu đầu tư nhà máy xử lý nước thải tập trung, còn về lâu dài phải nghiên cứu đầu tư nhà máy điện rác, xử lý rác phải khép kín đề đáp ứng kinh tế tuần hoàn.
Thăm Trung tâm Y tế thành phố Phú Quốc, Thủ tướng yêu cầu các y bác sĩ Trung tâm phải làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe người dân. Trong khi đây là đảo, không thể lúc nào cũng vận chuyển kịp bệnh nhân về bờ trong trường hộ phải chuyển lên tuyến trên, trong khi quy mô dân số tăng, du khách tăng. Phú Quốc muốn phát triển trung tâm du lịch quốc tế thì phải có hạ tầng y tế tốt.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế phối hợp tỉnh Kiên Giang quy hoạch lại mạng lưới y tế đáp ứng yêu cầu; phải chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đúng tầm cỡ; trang thiết bị cũng phải hiện đại, tăng cường kết nối hợp tác công tư, thu hút nguồn lực đầu tư tư nhân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng thăm công trình hồ chứa nước ngọt Dương Đông của thành phố Phú Quốc; thị sát Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc để nghe giới thiệu đề án mở rộng, nâng cấp công trình.