Tiếp tục chương trình Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 và các hội nghị cấp cao liên quan tại Jakarta, Indonesia, sáng 7/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các nước đã dự Hội nghị Cấp cao ASEAN – Ấn Độ lần thứ 20 và Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 18.
* Hội nghị Cấp cao ASEAN – Ấn Độ lần thứ 20 đề cao quan hệ đối tác chiến lược toàn diện thiết lập năm 2022, coi đây là dấu mốc trong lịch sử quan hệ song phương.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khẳng định ASEAN là trụ cột trong chính sách Hành động hướng Đông và là trọng tâm trong Sáng kiến Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Ấn Độ. Trải qua hơn 4 thập kỷ, hợp tác ASEAN – Ấn Độ không ngừng phát triển trên nền tảng các mối liên hệ, giao lưu lịch sử lâu đời và sự gần gũi về địa lý, chia sẻ các giá trị chung về hòa bình, ổn định và thịnh vượng, góp phần xây dựng trật tự thế giới dựa trên luật lệ, bảo đảm lợi ích cho nhân loại.
Hoan nghênh kết quả triển khai Kế hoạch Hành động 2021 – 2025 giữa ASEAN – Ấn Độ, các nước cho rằng cần tận dụng hiệu quả tiềm năng của thị trường 1,5 tỷ dân và chiếm 30% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, tạo thuận lợi hơn nữa cho trao đổi thương mại và đầu tư, củng cố kết nối, tự cường chuỗi cung ứng, triển khai hiệu quả Khu vực Thương mại Tự do ASEAN – Ấn Độ (AIFTA).
ASEAN và Ấn Độ nhất trí tập trung ưu tiên hợp tác biển bền vững, kinh tế biển xanh, chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, nâng cao năng lực y tế, thúc đẩy kết nối, ứng dụng khoa học – công nghệ, chuyển đổi số, đồng thời mở rộng hợp tác chuyển đổi năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu. Thủ tướng Ấn Độ công bố thành lập Quỹ ASEAN – Ấn Độ vì tương lai số.
Hội nghị đã thông qua các tuyên bố chung về hợp tác biển và tăng cường an ninh lương thực trong thời kỳ khủng hoảng.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ tin tưởng, với nỗ lực của hai bên, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện ASEAN – Ấn Độ đầy tiềm năng và hứa hẹn phát triển bứt phá trong thời gian tới. Để hiện thực hóa mục tiêu đó, Thủ tướng đề nghị tăng cường hơn nữa kết nối về kinh tế và thương mại, triển khai hiệu quả AIFTA, phát huy các thế mạnh bổ trợ cho nhau, đẩy mạnh giao thương, đầu tư, kết nối, bảo đảm chuỗi sản xuất và cung ứng, tạo thuận lợi hơn nữa cho hàng hóa tiếp cận thị trường của nhau.
Nhấn mạnh kết nối cơ sở hạ tầng, giao thông, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị hai bên dành nguồn lực thích đáng hơn để sớm hoàn tất các dự án đường cao tốc kết nối Ấn Độ với ASEAN, mong muốn mở rộng tới Việt Nam và lan tỏa khắp ASEAN, cả về đường bộ, hàng hải và hàng không. Đồng thời, cần đẩy nhanh kết nối và hợp tác chuyển đổi số, tạo thuận lợi cho ứng dụng thành quả đổi mới sáng tạo, gắn liền với cuộc sống người dân, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ hai bên.
Trên tinh thần “Không bỏ ai ở lại phía sau”, Thủ tướng đề nghị Ấn Độ đẩy mạnh triển khai Sáng kiến Hội nhập ASEAN và phát triển tiểu vùng Mekong, bao gồm thông qua hợp tác Mekong – sông Hằng, nhằm làm sâu sắc hơn nữa kết nối trong thực hiện các mục tiêu về phát triển bền vững giữa ASEAN và Ấn Độ, góp phần thúc đẩy tăng trưởng bao trùm và phát triển đồng đều.
* Tại Hội nghị Cấp cao Đông Á lần thứ 18, lãnh đạo các nước EAS (gồm ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Ấn Độ, Nga, Mỹ) đánh giá cao vai trò và giá trị chiến lược của EAS với tư cách là diễn đàn của các lãnh đạo đối thoại, định hướng chiến lược vì hòa bình, an ninh và phát triển thịnh vượng ở khu vực.
Các đối tác cam kết ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, cùng xây dựng cấu trúc khu vực mở, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc.
Các nước nhất trí EAS cần củng cố các nền tảng đã có, phát huy hơn nữa vai trò và nâng cao khả năng thích ứng trước những diễn biến nhanh chóng, thách thức mới nảy sinh trong bối cảnh mới.
Các nước cam kết phối hợp triển khai hiệu quả Kế hoạch Hành động EAS giai đoạn 2024-2028 vừa được thông qua, ưu tiên thúc đẩy trao đổi thương mại, đầu tư, hợp tác biển, bảo đảm an ninh lương thực và năng lượng, đồng thời mở rộng các lĩnh vực mới, đầy tiềm năng như chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng phó biến đổi khí hậu.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh tầm vóc và giá trị chiến lược của EAS là nơi các lãnh đạo đối thoại, định hướng vì hòa bình, an ninh, hợp tác và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới, cùng nhau đẩy mạnh hợp tác, hóa giải xung đột, nâng cao nhận thức để tiến lại gần nhau hơn.
Thủ tướng nêu rõ, với quy mô trên 54% dân số thế giới và khoảng 62% GDP toàn cầu, EAS được kỳ vọng là tâm điểm hội tụ niềm tin, lan tỏa lợi ích, lòng tin được củng cố, sức mạnh được nhân lên, nguồn lực được khơi thông và hợp tác chặt chẽ, hiệu quả hơn.
Để EAS thực sự phát huy vai trò quan trọng đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề xuất ba nhóm giải pháp trọng tâm.
Một là, định hình cấu trúc khu vực rộng mở, bao trùm, minh bạch và dựa trên luật pháp quốc tế. Theo đó, cần kiên trì với những nguyên tắc cơ bản trong quan hệ quốc tế, củng cố lòng tin, hành xử xây dựng và có trách nhiệm. Đồng thời, khẳng định ASEAN sẵn sàng tham vấn, đối thoại và hợp tác bình đẳng, tin cậy và tôn trọng lẫn nhau, cùng ứng phó các thách thức chung, đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển, và trông đợi các đối tác ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN bằng cả lời nói và hành động.
Hai là, tạo dựng động lực mới cho tăng trưởng bao trùm và phát triển bền vững. Theo đó, các thị trường rộng mở, chính sách thông thoáng, đặc biệt cần có tầm nhìn chiến lược, dài hạn thay vì áp dụng các biện pháp cục bộ, ngắn hạn, đưa EAS trở thành tâm điểm của giao thương, kết nối các chuỗi cung ứng, duy trì hàng hóa và dịch vụ thông suốt.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh chuyển đổi các cơ cấu kinh tế, hướng tới xây dựng nền kinh tế số, phát triển kinh tế xanh, áp dụng kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ là những định hướng, phù hợp, đúng đắn, huy động nguồn lực bằng hình thức hợp tác công-tư.
Theo đó, Thủ tướng đề nghị cần phối hợp chặt chẽ với nhau, phát huy các tư duy mới, phương thức mới và công nghệ mới trong quá trình chuyển đổi sâu sắc này; đồng thời đề nghị các đối tác hỗ trợ ASEAN trong quá trình chuyển đổi này, theo tinh thần các nước đi trước cần giúp đỡ các nước đi sau, khu vực phát triển hơn hỗ trợ khu vực kém phát triển hơn, nhất là khu vực vùng sâu vùng xa, trong đó có thông qua hợp tác tiểu vùng, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Ba là, hướng tới tương lai, cần xác định hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển là mục tiêu; đối thoại, hợp tác là công cụ. Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định đối thoại thẳng thắn, hợp tác chân thành là nền tảng, nguyên tắc quan trọng tạo nên thành công của ASEAN trong 6 thập kỷ qua. Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á không có Vũ khí hạt nhân, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) chính là những công cụ rất hữu hiệu để phục vụ cho mục tiêu chung, hòa bình, ổn định và phồn vinh của khu vực Đông Nam Á.
Thủ tướng bày tỏ hy vọng tinh thần này sẽ lan tỏa tới những khu vực khác, trong đó có châu Âu, nơi xung đột Ukraine đang diễn ra, căng thẳng ở Bán đảo Triều Tiên đang tác động sâu rộng. Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi tất cả các nước phải đoàn kết quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương để giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu, toàn dân như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, cùng nhau giải quyết tranh chấp, xung đột bằng biện pháp hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế.
Tại các hội nghị, lãnh đạo các nước đã trao đổi sâu rộng về các vấn đề quốc tế và khu vực như Biển Đông, Myanmar, Bán đảo Triều Tiên, xung đột tại Ukraine…
Lãnh đạo các nước nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực là điều kiện tiên quyết, phục vụ nỗ lực tăng trưởng bao trùm và phát triển bền vững hiện nay. Các đối tác khẳng định ủng hộ các nỗ lực, cách tiếp cận cân bằng, khách quan và lập trường chung của ASEAN trong các vấn đề này.
Về các vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các đối tác cần thể hiện ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trên thực tế, cùng ASEAN thúc đẩy đối thoại, tham vấn, xây dựng lòng tin, ứng phó các thách thức chung, xây dựng cấu trúc khu vực mở, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật pháp quốc tế.
Thủ tướng cùng các nước ASEAN tái khẳng định lập trường chung về Biển Đông, nhấn mạnh đảm bảo an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông là lợi ích của tất cả các quốc gia, đề nghị các đối tác ủng hộ thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, góp phần đưa Biển Đông thành vùng biển của hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững.
Chia sẻ về tình hình Myanmar, Thủ tướng khẳng định ASEAN đã đi đầu và sẽ tiếp tục dẫn dắt trong quá trình hỗ trợ Myanmar vượt qua khó khăn trên cơ sở Đồng thuận 5 điểm và khẳng định Việt Nam sẽ tích cực tham gia, đóng góp có trách nhiệm vào tiến trình này và viện trợ nhân đạo cho người dân Myanmar.