Sáng 3/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương.
Theo chương trình, phiên họp tập trung thảo luận, đánh giá tình hình kinh tế-xã hội tháng 3 và quý I/ 2024, tình hình giải ngân vốn đầu tư công và 3 chương trình mục tiêu quốc gia; tình hình triển khai Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2024 của Chính phủ, công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong tháng 3 và quý I/2024; báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023; cùng một số nội dung quan trọng khác.
Phát biểu ý kiến khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá những vấn đề mới nổi lên của tình hình tháng 3 và quý I; công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và chính quyền địa phương; những kết quả đạt được; nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; nhận định tình hình tháng 4 và quý II; đề ra nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, khả thi, hiệu quả.
Theo các báo cáo, trong tháng 3 và từ đầu năm đến nay, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực, toàn diện; kết quả tháng 3 cao hơn tháng 1 và tháng 2, tình hình quý I/2024 khởi sắc hơn quý I/2023 trên hầu hết các lĩnh vực: kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm; tăng trưởng GDP quý I đạt 5,66%, vượt kịch bản đề ra tại Nghị quyết 01 năm 2024 của Chính phủ và cao nhất so với cùng kỳ kể từ năm 2020; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn được bảo đảm; các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng; đời sống nhân dân được cải thiện; chính trị-xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; đối ngoại được đẩy mạnh; uy tín, vị thế đất nước tiếp tục được nâng lên; công tác phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh.
Tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực, toàn diện.
|
Bên cạnh kết quả đạt được là cơ bản, Thủ tướng lưu ý, nước ta vẫn còn những hạn chế, bất cập và tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức, do vậy, các cấp, các ngành, địa phương phải nhận thức rõ và có giải pháp ứng phó phù hợp.
Thủ tướng cũng đề nghị các đại biểu nêu rõ nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng vừa qua, định hướng thời gian tới của các cấp, các ngành, địa phương.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình kinh tế xã hội tháng 3 và quý I tiếp tục phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cụ thể: tăng trưởng GDP quý I ước tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, vượt kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP (5,2-5,6%), là mức tăng cao nhất trong quý I kể từ năm 2020 đến nay.
Khu vực công nghiệp và xây dựng dần lấy lại được đà tăng trưởng, ước tăng 6,28%, trong đó công nghiệp tăng 6,18%; khu vực nông, lâm, thủy sản và dịch vụ lần lượt tăng 2,98% và 6,12% so với cùng kỳ năm trước. Một số địa phương tăng trưởng quý I cao như Bắc Giang (14,2%), Thanh Hóa (13,2%), Trà Vinh (13,9%), Khánh Hòa (12,4%), Quảng Ninh (8,9%), Thành phố Hồ Chí Minh (6,54%), Hải Phòng (9,3%), Hà Nội (5,5%)…
Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 tăng 3,97% so với cùng kỳ, tính chung quý I tăng 3,77%. Mặt bằng lãi suất được duy trì ở mức thấp, nhu cầu ngoại tệ trong nước được đáp ứng để hỗ trợ cho tăng trưởng, sản xuất, xuất khẩu; an toàn hệ thống ngân hàng được bảo đảm.
Thu NSNN quý I ước đạt 31,7% dự toán, tăng 9,8% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu quý I đều tăng lần lượt là 15,5%, 17% và 13,9%; ước xuất siêu 8,08 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội quý I tăng 5,2% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2023 tăng 3,7%).
Tổng vốn FDI đăng ký quý I đạt gần 6,2 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó vốn FDI đăng ký mới đạt 4,8 tỷ USD, tăng 57,9% (2 tháng tăng 55,2%); vốn thực hiện đạt 4,6 tỷ USD, tăng 7,1%. Nhiều doanh nghiệp lớn đã cam kết đầu tư vào Việt Nam trong các ngành điện tử, chíp bán dẫn, năng lượng tái tạo… Kết quả này là nhờ chúng ta đã nắm bắt, phản ứng kịp thời cơ hội từ xu thế đầu tư toàn cầu, những thuận lợi, thời cơ, vị thế mới của Việt Nam để tập trung xúc tiến đầu tư, nhất là thông qua hoạt động đối ngoại cấp cao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Giải ngân vốn đầu tư công quý I đạt 13,67% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm 2023 (10,35%), số tuyệt đối cao hơn 16,5 nghìn tỷ đồng, đã đưa được lượng vốn lớn ra nền kinh tế để hỗ trợ cho tăng trưởng và phát triển. Hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục chuyển biến tích cực.
Sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu hàng nông sản tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý I tăng 5,7% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 2,6%), trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,9% (cùng kỳ giảm 2,9%); tiêu thụ tăng, tồn kho giảm mạnh, là tín hiệu tốt cho sản xuất, xuất khẩu.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3 tăng 9,5% so với cùng kỳ, tính chung quý I tăng 8,2%; khách quốc tế quý I đạt hơn 4,6 triệu lượt người, tăng 72% so với cùng kỳ, vượt 3,2% so với cùng kỳ năm 2019 (trước dịch Covid-19). Trong quý I, có gần 60 nghìn doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 5,1% so với cùng kỳ.
Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; xử lý tồn đọng, vướng mắc; đẩy mạnh đầu tư các dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành kịp thời hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua 2 Luật, 2 Nghị quyết; tập trung bảo đảm tiến độ, chất lượng các Luật, đề nghị xây dựng luật, nghị quyết trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7; khẩn trương ban hành 16 văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (sửa đổi) trong tháng 5 để trình Quốc hội cho phép áp dụng Luật ngay trong tháng 7 năm 2024. Đẩy nhanh việc phê duyệt quy hoạch các địa phương…