Ngày 31/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc đối thoại với nông dân năm 2024 với chủ đề “Khơi dậy khát vọng làm giàu để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; vững tin bước vào kỷ nguyên mới”. Dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Ninh có đồng chí Nghiêm Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh và đại diện hội viên Hội Nông dân, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.
Tại hội nghị, nhiều nông dân đã đặt câu hỏi, đối thoại trực tiếp với Thủ tướng Chính phủ; nhiều vấn đề cụ thể về từng ngành, lĩnh vực, địa phương đã cơ bản được thảo luận, thống nhất và giải quyết trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn. Trong đó có nhiều vấn đề lớn cần có quyết sách, chính sách thống nhất của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như: Cơ chế, chính sách, nguồn lực hỗ trợ nông dân phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp; công tác quy hoạch các vùng nguyên liệu, sản xuất hàng hóa tập trung; phát triển văn hóa, du lịch gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân…
Với tinh thần thẳng thắn, dân chủ, trách nhiệm, đổi mới, một số vấn đề được Thủ tướng trực tiếp đối thoại, giải đáp ngay tại hội nghị. Một số vấn đề được Thủ tướng chỉ đạo, giao cho lãnh đạo các bộ, ngành liên quan giải đáp; xây dựng giải pháp theo lộ trình, bảo đảm tính hiệu quả, bền vững.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, để sớm thực hiện được khát vọng xây dựng “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”, trong thời gian tới, trên cơ sở xuất phát từ thực tiễn, các doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân tiếp tục đề xuất các cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn, nhất là về thể chế, cơ chế chính sách.
Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai hiệu quả công tác quy hoạch; tiếp tục rà soát Luật Đất đai để phát huy tối đa và hiệu quả cao nhất việc sử dụng đất. Thực hiện liên kết vùng, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường. Xây dựng các gói tín dụng ưu đãi để khuyến khích người nông dân phát triển sản xuất. Đồng thời, phải phát triển doanh nghiệp để tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp; liên kết giữa doanh nghiệp – nông thôn và người nông dân chặt chẽ.
Bên cạnh đó, phải phát triển thị trường các sản phẩm nông nghiệp; mở rộng các thị trường xuất khẩu. Các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học cùng chung tay nghiên cứu, hướng dẫn người dân trong xây dựng thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm. Phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu trong sản xuất nông nghiệp. Xây dựng nguồn nhân lực phục vụ nông nghiệp có chất lượng cao. Đặc biệt là khai thác sức mạnh của văn hóa trong phát triển nông nghiệp; kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư trong phát triển văn hóa nông nghiệp, gắn với phát triển du lịch.