Thảo luận tại tổ đại biểu Quốc hội sáng 15/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh để thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thì cần có các cơ chế, chính sách đặc biệt, chứ không chỉ là đặc thù.
Sáng 15/2, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trước đó, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết này.
Theo tờ trình của Chính phủ, Nghị quyết được xây dựng và ban hành nhằm kịp thời thể chế hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Theo đó, sẽ có một số cơ chế, chính sách đặc thù, ưu đãi vượt trội.
Thảo luận tại tổ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, đất nước muốn phát triển nhanh, bền vững phải dựa trên khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, đây là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu.
Để tháo gỡ vướng mắc về thể chế liên quan, Chính phủ đã chỉ đạo tập trung sửa một loạt các luật như: Luật Ngân sách nhà nước, các luật thuế, Luật Doanh nghiệp, Luật Khoa học và công nghệ…; một số luật có thể trình tại Kỳ họp Quốc hội trong tháng 5 này.
Tuy nhiên, để Nghị quyết 57 đi vào cuộc sống ngay, Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Dự thảo Nghị quyết tập trung tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc đang rất cần thiết để thực hiện Nghị quyết 57 nên cũng chưa bao trùm, toàn diện hết các vấn đề; do đó sau khi ban hành Nghị quyết này cần tiếp tục sửa các luật khác.
Cho rằng phải có các chính sách cụ thể hơn thì mới thực hiện được Nghị quyết 57, mới thực sự là đổi mới, Thủ tướng nhấn mạnh cần nghiên cứu bổ sung các cơ chế, chính sách đặc biệt chứ không chỉ là đặc thù, đặc thù thì ở một cấp khác. Sự đặc biệt này thể hiện ở một số điểm.
Trước hết, Thủ tướng nhắc tới “cơ chế đặc biệt” trong phát triển kết cấu hạ tầng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, bởi hạ tầng của chúng ta đang còn rất yếu. Trong khi nguồn lực cần rất lớn, vì vậy ngoài nguồn lực Nhà nước, phải có cơ chế để huy động nguồn lực hợp tác công tư, từ doanh nghiệp, từ xã hội và người dân.
Thứ hai, cần “cơ chế đặc biệt” cho quản lý, quản trị hoạt động khoa học công nghệ, trong đó có các hình thức: lãnh đạo công và quản trị tư; đầu tư công và quản lý tư; đầu tư tư nhưng sử dụng công.
“Ví dụ trong đầu tư công và quản lý tư, có thể đầu tư cho một hạ tầng khoa học công nghệ của Nhà nước nhưng giao cho tư nhân quản lý. Cơ chế đặc biệt là như thế. Hay lãnh đạo công tức là chúng ta thiết kế chính sách, pháp luật, công cụ giám sát, kiểm tra, còn lại quản trị thì giao cho doanh nghiệp”, Thủ tướng phát biểu.
Thứ ba, Thủ tướng cũng cho rằng cần “cơ chế đặc biệt” cho các nhà khoa học có thể thương mại hóa các công trình khoa học; “cơ chế đặc biệt” trong thủ tục, phân cấp, phân quyền cho tỉnh, thành phố, bộ, ngành; xóa bỏ cơ chế xin-cho, giảm thủ tục hành chính…, quản lý, đánh giá trên cơ sở hiệu quả tổng thể.
Thứ tư, đề cập đến vấn đề miễn trừ trách nhiệm khi xảy ra rủi ro đối với người soạn thảo, xây dựng chính sách nhưng chưa có cơ chế miễn trừ cho người thực hiện, Thủ tướng đánh giá đây là vấn đề khó, vì tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, nếu không có cơ chế bảo vệ người thực hiện thì sẽ dẫn đến tình trạng sợ trách nhiệm, “chuyển chỗ này, chỗ khác”, “không muốn làm vì không được bảo vệ”. Do đó, cần thiết kế thêm cơ chế miễn trừ trách nhiệm khi xảy ra rủi ro cho cả người tổ chức thực hiện và người thiết kế chính sách.
Thứ năm, Thủ tướng cũng nhắc đến “cơ chế đặc biệt” trong thu hút nguồn nhân lực, không chỉ để thu hút người làm ngoài khu vực Nhà nước vào khu vực Nhà nước, mà còn phát triển doanh nghiệp tư nhân về khoa học công nghệ, thu hút nhân lực nước ngoài vào Việt Nam để góp phần thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Các chính sách sẽ gồm thuế, phí, lệ phí, nhà cửa, chỗ ở, visa và hợp đồng lao động…
Từ các “cơ chế đặc biệt” nêu trên, Thủ tướng cho rằng cần thiết kế “công cụ đặc biệt” để quản lý, phát huy hiệu quả và bảo đảm công khai, minh bạch, không xảy ra vi phạm, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí…
Thủ tướng chia sẻ trong quá trình nghiên cứu khoa học, những đột phá có thể thành công, nhưng cũng có những thất bại, do đó cần chấp nhận rủi ro, độ trễ trong nghiên cứu khoa học. Thủ tướng cho rằng, có thể xem những thất bại hay độ trễ đó như là “học phí” phải trả để có thêm kiến thức, kinh nghiệm, bản lĩnh, trí tuệ, tuy nhiên, cũng phải loại trừ động cơ cá nhân, không vụ lợi mà phải vô tư, trong sáng, vì lợi ích chung của đất nước.