Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hạ Long lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định mục tiêu xây dựng thành phố trở thành trung tâm du lịch quốc gia mang tầm quốc tế, con người văn minh, thân thiện, nhân văn. Để hiện thực hóa khát vọng đó cần có đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt và người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, TP Hạ Long có nhiều đột phá đổi mới trong công tác tổ chức, cán bộ, tạo tiền đề quan trọng để từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển mới.
Rèn luyện cán bộ trưởng thành
Đầu năm 2021, đồng chí Nguyễn Lê Phương, Phó Thủ trưởng Cơ quan Kiểm tra – Thanh tra, Phó Chánh thanh tra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra, được điều động, chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy phường Hà Trung.
Đồng chí Nguyễn Lê Phương cho biết: Trước khi nhận nhiệm vụ, tôi được các đồng chí trong Thường trực Thành ủy giao nhiệm vụ cụ thể. Nhận nhiệm vụ công tác mới, tôi rất băn khoăn vì chưa từng đảm nhiệm vai trò Bí thư Đảng ủy phường. Hơn nữa, vào thời điểm đó Hà Trung là phường rất khó khăn của thành phố, không có nhiều lợi thế, cơ hội phát triển như các phường lân cận. Song được sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện của các đồng chí Thường trực, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, nên ngay sau khi được điều động, tôi đã bắt tay vào triển khai nhiệm vụ.
Ngay khi nhận nhiệm vụ, đồng chí Nguyễn Lê Phương đã nhanh chóng nắm tình hình cơ sở, cùng tập thể lãnh đạo Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đảng ủy phường Hà Trung tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức; khơi dậy và phát huy tinh thần đoàn kết trong cán bộ, đảng viên, nhân dân và tạo sự đồng thuận trong xã hội để thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH. Để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân và hiểu sâu hơn về những vấn đề thực tiễn đang đặt ra, đồng chí Nguyễn Lê Phương đã dành nhiều thời gian đi cơ sở; tham gia sinh hoạt với các chi bộ khu phố; thường xuyên lắng nghe góp ý, chia sẻ của các đồng nghiệp, các cán bộ tiền nhiệm để hiểu hơn về địa bàn công tác.
“Khi được luân chuyển từ thành phố về cơ sở, tôi luôn xác định phải mang trong mình tinh thần cống hiến cho địa phương nơi mình công tác, phải nỗ lực tạo nên thành quả. Trong hơn 3 năm qua tôi đã thực sự có những trải nghiệm đầy mới mẻ khi được sâu sát cơ sở, gắn bó thực tiễn với đời sống nhân dân” – Bí thư Đảng ủy phường Hà Trung Nguyễn Lê Phương chia sẻ.
Với quan điểm và phương pháp làm việc như vậy, Bí thư Đảng ủy phường Hà Trung Nguyễn Lê Phương đã cùng tập thể Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ phường bám sát sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy, từng bước tháo gỡ những khó khăn, đề ra nhiệm vụ giải pháp, đưa địa phương ngày càng phát triển. Từ một phường còn khó khăn, Hà Trung nay đã có sự chuyển mình mạnh mẽ, diện mạo đô thị ngày một khang trang, đời sống vật chất, tinh thần, chất lượng cuộc sống của nhân dân được nâng cao. 12/12 tuyến đường trong khu dân cư đã được nâng cấp, mở rộng khang trang; 3 nhà văn hóa được xây mới; 21 hộ gia đình có công và hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn đã được xây mới và sửa chữa nhà ở; 10 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phường được nhận đỡ đầu.
Hiện trên địa bàn phường không có hộ cận nghèo, hộ nghèo theo tiêu chí Trung ương; không có đơn thư khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài. Năm 2023, Đảng bộ phường nhận cờ thi đua của UBND tỉnh; bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh có thành tích trong phong trào thi đua xây dựng xã, phường, thị trấn văn minh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025; là đơn vị đứng đầu khối phường, xã của thành phố trong cải cách hành chính.
Thực hiện chủ trương luân chuyển cán bộ, giáo viên, nhân viên các trường công lập đến công tác tại các trường thuộc vùng cao, vùng xa trên địa bàn thành phố, cuối năm 2020, thầy giáo Nguyễn Đức Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường TH&THCS Tuần Châu đã xung phong về công tác tại Trường TH&THCS Kỳ Thượng, giữ chức vụ Hiệu trưởng.
Về công tác tại một trường học ở địa bàn vùng cao, xa xôi và khó khăn nhất của TP Hạ Long đã đặt ra những thách thức cho người đứng đầu. Thầy giáo Nguyễn Đức Hùng cho biết: Thời điểm mới về trường công tác cũng có những khó khăn nhất định do 100% học sinh ở đây là người DTTS, nhiều gia đình ít quan tâm đến chuyện học, vẫn còn tình trạng trẻ em tự ý nghỉ học. Hơn nữa, lúc đó trường lại thiếu cán bộ quản lý, dẫn đến khó khăn trong việc quản lý, phân công công việc. Với mong muốn nâng cao chất lượng dạy và học ở vùng cao, tôi cùng với đội ngũ giáo viên nhà trường trăn trở, tìm hiểu, áp dụng phương pháp giáo dục mới, nhằm giúp các em được thoải mái, không bị ràng buộc bởi tiết học khô khan, nhưng hiệu quả học tập vẫn được đảm bảo. Đồng thời, thường xuyên đến nhà các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở các lớp để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng. Từ đó có những hỗ trợ thiết thực giúp các em được đến trường.
Với lòng yêu nghề, cùng nhãn quan trong lãnh đạo, quản lý, Hiệu trưởng Trường TH&THCS Kỳ Thượng Nguyễn Đức Hùng đã tạo ra chuyển động mới trong giáo dục vùng cao. Trong những năm gần đây, chất lượng giáo dục nhà trường cũng đã có những sự thay đổi rõ rệt, nhất là giáo dục mũi nhọn. Năm học 2022-2023, lần đầu tiên nhà trường có học sinh thi đoạt giải khuyến khích tại cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh ở các bộ môn văn hóa; đạt giải tư của cuộc thi KHKT cấp tỉnh do Sở GD&ĐT tổ chức.
Cùng với đồng chí Phương, thầy giáo Hùng, thời gian qua đã có nhiều cán bộ của TP Hạ Long được “thử lửa” ở những vị trí công tác mới. Đây là cơ hội để đội ngũ cán bộ của thành phố được rèn luyện, thay đổi tư duy tác phong công tác, nâng cao bản lĩnh, kỹ năng lãnh đạo và tận tâm cống hiến.
Đổi mới, đồng bộ trong các khâu về cán bộ
Những năm gần đây, thành phố có bước phát triển mạnh mẽ, nhất là sau khi sáp nhập Hoành Bồ vào TP Hạ Long. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững, dịch vụ, du lịch ngày càng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Thành phố là địa phương đóng góp gần 50% tổng thu nội địa của tỉnh, tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố luôn duy trì ở mức hai con số, trong đó năm 2023 là năm mức tăng trưởng 16,2%, cao nhất từ trước đến nay…
Kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức “vừa hồng, vừa chuyên” của thành phố. Bằng nhiều giải pháp đột phá, đổi mới trong công tác tổ chức, cán bộ, thành phố đã thành công trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị, đạo đức, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, được rèn luyện, thử thách trong thực tiễn, năng động, sáng tạo, có tinh thần trách nhiệm cao trong thực hiện nhiệm vụ được phân công.
Những đột phá, đổi mới thể hiện rõ nét trong điều động, luân chuyển cán bộ ở thành phố từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Là thành phố thủ phủ có diện tích rất rộng lớn, có miền trung tâm đô thị, có vùng cao, vùng xa sau sáp nhập huyện Hoành Bồ, trên cơ sở rà soát, nắm chắc, sát đúng các đặc điểm, thế mạnh cũng như hạn chế của từng địa bàn, thành phố đã lựa chọn sử dụng nguồn cán bộ có năng lực, nhiệt huyết tại các phòng, ban, đơn vị để tăng cường cho các xã, phường, nhất là vùng cao, vùng xa, địa bàn phức tạp; luân chuyển cán bộ giữa các xã, phường để có sự giao thoa vùng miền, nhằm tạo ra một luồng gió mới ở cơ sở.
Việc sắp xếp, bố trí cán bộ dựa trên đánh giá năng lực, phẩm chất, sở trường của từng người, được thực hiện theo tinh thần công khai, dân chủ. Trong đó, thành phố chú trọng cán bộ thuộc diện quy hoạch lâu dài, nhất là cán bộ chủ chốt, có định hướng đưa đi cơ sở để rèn luyện, phấn đấu trải qua các môi trường công tác Đảng, công tác chính quyền, phường, xã, đoàn thể…
Từ đầu năm 2020 đến nay, Ban Thường vụ Thành ủy Hạ Long đã luân chuyển, điều động, bổ nhiệm 239 lượt cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý. Trong đó, điều động cán bộ giữa các phòng, ban, cơ quan, đơn vị thành phố 38 lượt cán bộ; luân chuyển, điều động từ thành phố xuống cơ sở 64 lượt cán bộ; luân chuyển, điều động từ cơ sở về thành phố 31 lượt cán bộ; luân chuyển, điều động cán bộ tại cơ sở là 68 lượt cán bộ. Nhìn chung, cán bộ được điều động, luân chuyển từ đầu nhiệm kỳ đến nay cơ bản phù hợp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao và khẳng định được năng lực quản lý bằng những kết quả, sản phẩm cụ thể.
Đặc biệt, để tăng cường nhân lực cho vùng đồng bào DTTS, miền núi, năm 2023 thành phố đã kịp thời sửa đổi và ban hành quy chế luân chuyển giáo viên, nhân viên các trường công lập đến công tác tại các trường thuộc vùng cao, vùng xa trên địa bàn thành phố. Đây là chủ trương đạt được sự đồng thuận cao trong ngành giáo dục. Qua thực hiện, đội ngũ giáo viên các cấp thành phố đều nghiêm túc chấp hành và cơ bản đều có đơn tự nguyện, xung phong thực hiện luân chuyển; không phát sinh trường hợp có tâm tư hoặc đơn thư kiến nghị. Trong 3 năm (2021-2023) đã có gần 200 giáo viên về công tác tại vùng đồng bào DTTS, miền núi.
Không chỉ đột phá trong công tác luân chuyển, điều động cán bộ, thành phố đã có những giải pháp “đúng” và “trúng” trong việc sắp xếp cán bộ đảm bảo công bằng, dân chủ, khách quan, minh bạch, chú trọng đến chất lượng nhân sự. Qua đó, đã tạo được sự đồng thuận trong cán bộ để sớm ổn định bộ máy, đáp ứng theo yêu cầu thực tiễn mới của thành phố sau sáp nhập.
Công tác quy hoạch, lựa chọn cán bộ cũng được chú trọng. Bám sát Đề án xây dựng cán bộ chủ chốt TP Hạ Long giai đoạn 2020-2025, định hướng 2025-2030, tầm nhìn 2045 được xây dựng từ ngay đầu nhiệm kỳ, việc lựa chọn giới thiệu nguồn quy hoạch cấp ủy và các chức danh lãnh đạo, quản lý được thực hiện một cách dân chủ, khách quan, từng bước mở rộng đến nguồn cán bộ các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn, trong đó quan tâm đến đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ.
Ban Thường vụ Thành ủy cũng chú trọng gắn quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đưa chất lượng đội ngũ cán bộ của thành phố và ở các phường, xã, cơ quan, đơn vị ngày một nâng cao, đáp ứng yêu cầu giới thiệu bầu cử hoặc bổ nhiệm vào các chức vụ lãnh đạo chủ chốt từ cấp thành phố đến cơ sở. Quan tâm đổi mới công tác đánh giá cán bộ hằng tháng, hằng quý gắn với các tiêu chí và sản phẩm cụ thể; đổi mới công tác tuyển dụng, thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý để từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ kế cận có năng lực, trình độ, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Từ nay đến hết nhiệm kỳ, công tác cán bộ tiếp tục được thành phố xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đột phá. Đồng chí Nguyễn Hoàng Quý, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hạ Long, cho biết: Đầu năm 2024, thành phố xây dựng kế hoạch luân chuyển, điều động, sắp xếp cán bộ, công chức trong phạm vi từ thành phố đến cơ sở gắn với chuẩn bị một bước nhân sự cho đại hội nhiệm kỳ 2025-2030. Trong đó, đặt mục tiêu cán bộ chủ chốt các cấp và công chức, viên chức phải được bố trí đủ, đúng người, đúng việc trong điều kiện biên chế giảm, công việc nhiều, yêu cầu đòi hỏi cao; tính toán phương án tăng cường cán bộ có bản lĩnh, trình độ, năng lực cho địa bàn, lĩnh vực trọng điểm, lĩnh vực khó khăn, phức tạp.
Đồng thời, thành phố cũng chủ động rà soát xem xét đưa ra quy hoạch và thay thế cán bộ yếu về bản lĩnh, năng lực hạn chế, uy tín thấp, mắc sai phạm, làm việc cầm chừng, thiếu ý chí phấn đấu, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm. Song song với đó, tiếp tục quan tâm tạo môi trường đổi mới sáng tạo, bảo vệ cán bộ “6 dám” để xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển mới.