Quảng Ninh là một trong số các tỉnh, thành sớm triển khai phát triển khu công nghiệp (KCN) ở miền Bắc. KCN Cái Lân ( TP Hạ Long) là KCN tập trung đầu tiên của Quảng Ninh được Chính phủ quyết định thành lập từ năm 1997. Tỉnh đang tăng cường các giải pháp thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn.
Trước hết, Quảng Ninh chú trọng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch các KCN trên địa bàn. Theo Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 11/02/2023, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được quy hoạch thành lập, phát triển 23 KCN với tổng diện tích là 18.842 ha, trong đó có 15 KCN thuộc địa bàn các KKT.
Tỉnh đang xây dựng các đề án, như: “Đề án xây dựng cơ chế chính sách thí điểm phát triển KKT Vân Đồn”; Hoàn thiện việc xây dựng hồ sơ số, bản đồ số các KCN, KKT; Đề án “Xây dựng, phát triển nhanh, bền vững các KKT, KCN, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, định hướng đến năm 2040”; Hoàn thiện “Bộ tiêu chí thu hút các dự án đầu tư hạ tầng và dự án thứ cấp vào các KCN của tỉnh”,…
Việc đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện hạ tầng các KCN đang được các địa phương chú trọng. Đến hết tháng 10/2023, tổng diện tích đất đã được GPMB tại các KCN đạt 2.461,69 ha; diện tích đất công nghiệp đã cho các dự án đầu tư thứ cấp thuê để thực hiện dự án là 705,20 ha; diện tích đất công nghiệp hiện có tại các KCN sẵn sàng cho thuê là 530 ha.
Cùng với đó, Quảng Ninh tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 16/11/2020 của Tỉnh ủy về công nghiệp chế biến chế tạo; tập trung thu hút đầu tư có chọn lọc nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thế hệ mới vào các KCN, KKT. Đồng thời ưu tiên các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, thân thiện môi trường, đóng góp lớn cho ngân sách.
Tỉnh cũng tăng cường đôn đốc, hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về đất đai, GPMB, nguồn đất đắp, thủ tục hành chính để thúc đẩy các dự án thứ cấp trong KCN sớm đi vào hoạt động; phối hợp với bộ, ngành Trung ương tổ chức các hội nghị quy mô cấp quốc gia, cấp vùng gắn với các hoạt động xúc tiến đầu tư. Năm 2023, tỉnh đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thành công Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng và Xúc tiến đầu tư vùng với sự tham gia của 1.000 đại biểu; Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức thành công Hội nghị phát triển dịch vụ logistics Quảng Ninh với sự tham gia của 789 đại biểu trong và ngoài nước và tổ chức ký kết 5 bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác giữa các sở của tỉnh với hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp.
Quảng Ninh cũng đã hoàn thành ban hành Chương trình Xúc tiến đầu tư năm 2023 và triển khai xây dựng Đề án thu hút nhà đầu tư FDI lớn, có thương hiệu vào tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; trong đó xây dựng các giải pháp, chiến lược xúc tiến đầu tư đối với các tập đoàn kinh tế nước ngoài lớn, có thương hiệu và uy tín.
Năm 2023, tỉnh đã đón tiếp và làm việc với nhiều tập đoàn, nhà đầu tư đến tìm hiểu, nghiên cứu đầu tư vào KCN, KKT trên địa bàn tỉnh, trong đó có những tập đoàn, doanh nghiệp nổi tiếng, như: Tập đoàn Lite-On Technology (Đài Loan), Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ – ASEAN, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn; Đoàn doanh nghiệp điện tử Đài Loan (Trung Quốc); Tập đoàn Adani và Công ty TNHH Mitsubishi Corporation Việt Nam…
Bên cạnh đó, Quảng Ninh còn thường xuyên chỉ đạo giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các dự án ngoài ngân sách, nhất là các dự án trong KCN, KKT. Năm 2023, tỉnh tiếp tục nắm bắt khó khăn, vướng mắc nhằm tháo gỡ thủ tục, hỗ trợ, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện cho 27 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 25.972,11 tỷ đồng.
Mặt khác, tỉnh cũng chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng đảm bảo nguồn nhân lực hiệu quả cho các KCN, KKT hoạt động hiệu quả; triển khai quyết liệt Đề án phát triển nhà ở công nhân, lao động ngành than, khu công nghiệp, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng về làm việc, sinh sống tại Quảng Ninh. Năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn tỉnh đạt 86,46% trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ cả năm đạt khoảng 50%. Bên cạnh đó, tỉnh còn đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ đồng hành cùng doanh nghiệp.
Nhờ đẩy mạnh các giải pháp, hiện trên địa bàn tỉnh đã có 10 dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN thuộc 08 KCN được cấp có thẩm quyền quyết định, cấp Giấy CNĐKĐT và thành lập. Ở 8 KCN này đều đã có nhà đầu tư thứ cấp thuê đi vào hoạt động (KCN: Cái Lân; Việt Hưng; Đông Mai; Hải Yên, Texhong Hải Hà – Giai đoạn 1; Sông Khoai, Nam Tiền Phong, Bắc Tiền Phong). Tỷ lệ lấp đầy ở các KCN này trung bình đạt 43,35%. Nhờ đó, năm 2023, tốc độ tăng trưởng KCN và xây dựng của tỉnh ước tăng 10,09%, cao hơn 1,33 điểm % so với tốc độ tăng CK 2022.
Việc thu hút đầu tư vào các KCN thời gian qua đã đóng góp quan trọng cho sự phát triển bền vững ngành công nghiệp và kinh tế- xã hội của Quảng Ninh; hình thành được một hệ thống quy hoạch tổng thể các KCN, KKT.