Theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, trên mỗi vé máy bay nội địa, hành khách phải trả các khoản giá dịch vụ vận chuyển khách hạng phổ thông cơ bản theo quy định. Cùng đó, hành khách phải trả các khoản thu hộ như bảo đảm an ninh hành khách, hành lý và giá dịch vụ tăng thêm như chỗ ngồi, mua thêm hành lý ký gửi…
Lộ 4 yếu tố cấu thành giá vé máy bay
Trao đổi với PV Tiền Phong, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho hay hiện giá vé máy bay được cấu thành bởi 4 yếu tố gồm: Giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng phổ thông cơ bản trên đường bay nội địa, thuế giá trị gia tăng (VAT), các khoản thu hộ doanh nghiệp cung ứng dịch vụ nhà ga hành khách và dịch vụ bảo đảm an ninh (gồm giá phục vụ hành khách và giá đảm bảo an ninh hành khách, hành lý) và giá dịch vụ đối với các hạng mục tăng thêm theo nhu cầu (chỗ ngồi, mua thêm hành lý ký gửi, chọn suất ăn, bảo hiểm du lịch… do hãng quyết định).
Theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, với giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng phổ thông cơ bản trên đường bay nội địa sẽ bao gồm giá vé cơ bản và các khoản thu được thể hiện dưới các tên như quản trị hệ thống, dịch vụ hệ thống… với mức từ 430.000- 480.000 đồng/vé, cùng đó là khoản thu xuất vé từ 50.000-100.000 đồng/vé.
Tổng các khoản thu trên phải bảo đảm không vượt mức giá tối đa theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tại Thông tư số 17/2019 và Thông tư số 34/2023.
Với các loại phí thu theo quy định Thông tư số 53/2019 (gồm 16 loại phí), lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết, đây là các chi phí mà hãng hàng không phải trả cho các đơn vị cung cấp dịch vụ mặt đất, thuộc danh mục do Bộ GTVT định giá.
Ví dụ, dịch vụ điều hành bay đi – đến, dịch vụ thuê sân đậu tàu bay, dịch vụ thuê quầy thủ tục hành khách được duy trì mức giá, khung giá quy định từ năm 2014 và dịch vụ tra nạp xăng dầu hàng không được duy trì khung giá quy định từ năm 2016. Các dịch vụ còn lại được duy trì mức giá, khung giá từ năm 2018, 2019 đến nay.
“Các chi phí này chiếm tỷ trọng khoảng 3-5% giá dịch vụ vận chuyển hành khách được quy định tại Thông tư số 53. Trên thực tế các chi phí này được duy trì ổn định trong thời gian dài và chưa có sự điều chỉnh tăng giá. Các khoản phí mà người dân phải nộp như ra vào sân bay, đỗ xe… là chi phí mà hành khách sử dụng dịch vụ tại cảng, không cấu thành trong giá vé máy bay”, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho hay.
Trước phản ánh các khoản phí hiện được hãng thu khá mù mờ, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết sẽ làm việc với các hãng để rà soát, điều chỉnh phù hợp cách hiển thị giá vé trên hệ thống đặt vé để khách hàng có thể hiểu và tránh nhầm lẫn các khoản thanh toán khi thực hiện đặt vé máy bay.
Biến động về nhiên liệu, tỷ giá kéo giá tăng?
Liên quan đến chi phí một chuyến bay, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam thông tin thêm, trên thực tế, trong cơ cấu giá dịch vụ vận chuyển hành khách, các chi phí chiếm tỷ trọng lớn nhất là chi phí nhiên liệu bay (khoảng 35-40% tổng chi phí) và chi phí liên quan đến tàu bay như thuê, mua, sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay (40- 42%).
Điển hình Vietnam Airlines và Vietjet Air, chi phí nhiên liệu chiếm từ 37-42%, chi phí liên quan đến thiết bị bay, sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay chiếm tỷ trọng từ 32% đến 41%. Chi phí phục vụ chuyến bay (phục vụ mặt đất, điều hành bay…) chiếm tỷ trọng 6-7%. Còn lại là các chi phí liên quan nhân công trực tiếp, chi phí bán hàng, chi phí quản lý, phục vụ hành khách…chiếm tỷ trọng từ 16% đến 19%.
“Các chi phí này hầu hết là khoản chi được thanh toán bằng ngoại tệ, chịu sự tác động rất lớn của tỷ giá. Do vậy, biến động về giá nhiên liệu và tỷ giá là 2 yếu tố chính tác động đến chi phí của một chuyến bay. Thời điểm tháng 4, các biến động chi phí tác động làm tăng chi phí một chuyến bay của Vietnam Airlines tăng lên 5,5%. Vietjet Air tăng lên 6,5% so với giai đoạn cùng kỳ năm ngoái”, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam chia sẻ.
Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết, để góp phần tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 42 trong đó tiếp tục duy trì chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay (mức thu giảm còn 1.000 đồng/lít) có hiệu lực thi hành kể từ 1/1 đến hết 31/12.
Hiện, Chính phủ đã đồng ý việc Ngân hàng Nhà nước đề xuất ban hành Thông tư gia hạn thời gian áp dụng Thông tư số 02/2023 đến hết năm 2024 (quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn) giúp các hãng hàng không vượt qua khó khăn, ổn định hoạt động và kỳ vọng tiếp tục “hạ nhiệt” giá vé.