Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, nhiều ý kiến phản ánh điều kiện cho vay của gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng hỗ trợ nhà ở xã hội hiện vẫn còn có điểm chưa phù hợp với thực tế, như một số quy định “thu nhập không thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân”, “chưa có nhà ở”,…
Sáng 6/11, sau khi nghe các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ nhất về kinh tế tổng hợp.
Phát biểu điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, về lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, phạm vi chất vấn tập trung vào tiến độ, kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, công tác quy hoạch, việc lập các quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, phát triển hộ kinh doanh và doanh nghiệp, giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác chuẩn bị đầu tư, triển khai dự án giải ngân vốn đầu tư công…
Về lĩnh vực tài chính, phạm vi chất vấn liên quan việc thực hiện nghị quyết giám sát chuyên đề về rà soát tồn tại, hạn chế trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, việc hoàn thiện pháp luật, chính sách thuế, việc mở rộng nguồn thu, chống xói mòn cơ sở thuế, chống thất thu thuế…
Về lĩnh vực ngân hàng, phạm vi chất vấn tập trung vào việc hoàn thiện pháp luật về cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu, chính sách ưu đãi khuyến khích nhà đầu tư tham gia xử lý tài sản bảo đảm, mua bán nợ xấu, việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về xử lý các ngân hàng yếu kém.
Tham gia chất vấn các thành viên Chính phủ, đại biểu Trần Thị Thanh Hương (đoàn An Giang) cho biết, việc hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội là một chủ trương rất nhân văn của Đảng và Nhà nước được cử tri và đông đảo người dân phấn khởi và kỳ vọng. Nhưng đến nay tỷ lệ giải ngân gói tín dụng hỗ trợ đạt rất thấp, chỉ khoảng 100 tỷ đồng.
Đại biểu đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thông tin về những khó khăn, vướng mắc và giải pháp để góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói tín dụng phát triển nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, đại biểu cũng bày tỏ quan tâm đến các giải pháp để thúc đẩy việc thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian tới.
Nguồn cung nhà thuộc đối tượng của chương trình còn hạn chế
Trả lời câu hỏi của đại biểu về gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nêu rõ đây là chương trình hưởng ứng của ngành ngân hàng thực hiện nhiệm vụ theo Nghị quyết của Chính phủ tiến tới mục tiêu 1 triệu căn hộ trong 10 năm tới. Gói tín dụng sử dụng nguồn tiền huy động từ các tổ chức tín dụng, lãi suất ưu đãi cũng từ nguồn tài chính của các ngân hàng tham gia.
Thống đốc cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản hướng dẫn các tổ chức tín dụng thực hiện; đồng thời có văn bản gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố quan tâm xây dựng và công bố các dự án thuộc diện được cho vay theo gói tín dụng này. Về phía các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo các ngân hàng ban hành quy trình nội bộ để triển khai.
Kết quả, thời gian qua đã có 18/63 Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã gửi văn bản công bố danh mục dự án tham gia chương trình và công bố trên cổng thông tin điện tử, gồm 53 dự án với tổng nhu cầu vay 27 nghìn tỷ đồng. Đến nay, gần 105 tỷ đồng cho 3 dự án ở 3 tỉnh, thành đã được giải ngân.
Lý giải về tỷ lệ giải ngân thấp, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nêu rõ, nguồn cung nhà thuộc đối tượng của chương trình còn hạn chế; nhu cầu nhà ở lớn nhưng nhu cầu của người dân đi vay để mua nhà lại là câu chuyện người dân phải cân nhắc kỹ lưỡng.
Ngoài ra, nhiều ý kiến phản ánh điều kiện cho vay của gói tín dụng hiện vẫn còn nhiều điểm chưa phù hợp với thực tế, như một số quy định “thu nhập không thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân”, “chưa có nhà ở”…
Mặt khác, chương trình được thực hiện trong thời gian dài 10 năm, các khoản cho vay bất động sản thường kéo dài nên việc giải ngân sẽ theo thời gian, dẫn đến tỷ lệ giải ngân còn thấp.
Từ những hạn chế nêu trên, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố sớm công bố danh mục các dự án nhà ở thuộc diện cho vay để hệ thống ngân hàng tích cực triển khai. Đồng thời, cho biết Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp các bộ, ngành tăng cường thông tin tuyên truyền để người dân nắm rõ.
Tăng cường biện pháp bảo mật trong thanh toán không dùng tiền mặt
Trả lời chất vấn về nội dung thanh toán không dùng tiền mặt, Thống đốc cho biết, để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước thực hiện nhiều giải pháp như rà soát hành lang pháp lý để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, tạo thuận lợi cho việc thanh toán không dùng tiền mặt.
Đến nay, nhiều hoạt động đã được triển khai qua các kênh số, ứng dụng công nghệ, bảo đảm an toàn hoạt động thanh toán, thí dụ như xác thực khách hàng, thanh toán qua QR code…
Trong 9 tháng đầu năm 2023, các chỉ số thanh toán không dùng tiền mặt đạt tăng trưởng cao như: tỷ lệ giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 49% về số lượng, giao dịch qua internet tăng 60,3%, qua kênh điện thoại di động tăng 60,8%, qua QR code tăng 105%…
“Giao dịch qua ATM giảm cho thấy xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt đã gia tăng. Đến tháng 9/2023, tỷ lệ thanh toán tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán giảm 9,17% so với mức 11,73% vào cuối năm 2020, điều này cho thấy kết quả đáng kể trong thanh toán không dùng tiền mặt”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhận định.
Liên quan khó khăn trong thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đề cập một số vấn đề như: thói quen, tâm lý sử dụng tiền mặt, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn; tâm lý e ngại của người dân khi tiếp cận công nghệ mới trong hoạt động thanh toán. Bên cạnh đó, xu hướng tội phạm công nghệ cao cũng là nguyên nhân khiến người dân e ngại.
Về giải pháp trong thời gian tới, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục rà soát các văn bản và phối hợp với các cơ quan để hoàn thiện hành lang pháp lý. Đồng thời, có các biện pháp phòng ngừa để bảo mật thông tin, bảo đảm an ninh, an toàn cho khách hàng, tăng cường công tác thông tin truyền thông.