Cho biết dư nợ lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam hiện chiếm khoảng 20%-21% tổng dư nợ nền kinh tế, Thống đốc khẳng định Ngân hàng Nhà nước không cấm các ngân hàng cho vay bất động sản.
Tại phiên chất vấn ngày 11/11, nhiều đại biểu Quốc hội đã gửi đến Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng về nguồn vốn tín dụng dành cho bất động sản.
Đại biểu Đỗ Huy Khánh (Đồng Nai) nêu vấn đề tín dụng bất động sản Việt Nam chiếm khoảng 20%-21% tổng dư nợ trong khi tỷ lệ này tại Trung Quốc nhiều thời điểm cao hơn 30%. “Như vậy, còn dư địa cho vay bất động sản hay không và quan điểm của Thống đốc thế nào?,” đại biểu đặt câu hỏi.
Trả lời vấn đề này, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết việc cấp tín dụng vào lĩnh vực nào, tỷ lệ bao nhiêu hoàn toàn phụ thuộc vào sự quyết định của các ngân hàng thương mại, dựa trên cơ sở nguồn vốn huy động.
Hiện nay, có ngân hàng huy động được nhiều vốn dài hạn, có ngân hàng chủ yếu huy động được vốn ngắn hạn. Hiện nay, 80% nguồn vốn huy động của hệ thống ngân hàng là ngắn hạn. Trong khi đó, tín dụng bất động sản chủ yếu là kỳ hạn dài. Vì vậy, các ngân hàng khi cho vay phải dựa trên khả năng cân đối vốn của mình, đảm bảo nguyên tắc an toàn, đảm bảo khi người dân rút tiền thì các ngân hàng có khả năng chi trả.
“Ngân hàng Nhà nước không có quy định cấm cho vay, không cho vay bất động sản,” bà Hồng khẳng định.
Liên quan tới câu hỏi của đại biểu Hồ Thị Minh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị) về việc ngân hàng “chạy sô” tăng trưởng tín dụng và đề nghị hạn chế tín dụng bất động sản, Thống đốc cho hay Ngân hàng Nhà nước luôn đặt an toàn hệ thống lên trên hết.
Mục tiêu điều hành của Ngân hàng Nhà nước vừa phải làm sao góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô nhưng vẫn vừa phải đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, mà an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, đây là một vấn đề cần phải đặt lên trên hết và trước hết, bởi vì nếu hệ thống các tổ chức tín dụng tiềm ẩn rủi ro thì có hệ lụy rất lớn đối với nền kinh tế bởi tác động lan truyền của nó.
Chính vì thế, Ngân hàng Nhà nước căn cứ vào những diễn biến thực tế, trong nhiều năm vừa qua Ngân hàng Nhà nước đã quyết định phải sử dụng công cụ room tín dụng, hạn mức tín dụng, đã thực hiện từ năm 2011 đến nay.
Cũng theo Thống đốc, đặc thù của Việt Nam là vốn dựa vào hệ thống ngân hàng rất nhiều, nên có thời kỳ, tăng trưởng tín dụng đạt hơn 30%, có những năm tăng hơn 50%, gây ra hệ lụy và rủi ro với hệ thống ngân hàng. Đơn cử có ngân hàng huy động vốn ngắn hạn nhưng lại cho vay trung và dài hạn.
Vì vậy từ năm 2011 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng cơ chế cấp hạn mức tín dụng, dựa trên xếp hạng các ngân hàng và khả năng mở rộng tín dụng của các ngân hàng này. Ngân hàng Nhà nước cũng thường xuyên cảnh báo các ngân hàng tăng trưởng tín dụng cao, tiềm ẩn rủi ro.
“Khi chúng tôi phân bổ và thông báo hạn mức tín dụng cho các tổ chức tín dụng thì đều phải đánh giá trên cơ sở xếp hạng các tổ chức tín dụng cũng như khả năng mở rộng tín dụng của các tổ chức tín dụng, đi đôi với đó thường xuyên giám sát và cảnh báo những tổ chức tín dụng nếu tăng trưởng tín dụng cao và tiềm ẩn rủi ro. Cũng có thể có những tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng cao nhưng quản trị rủi ro tốt, có những tổ chức tăng trưởng tín dụng thấp nhưng lại tiềm ẩn rủi ro, vì phụ thuộc vào cân đối kỳ hạn huy động vốn cũng như tín dụng cấp ngắn hạn hay dài hạn, hay cấp vào các lĩnh vực rủi ro,” Thống đốc cho biết.
Về tín dụng bất động sản, bà Hồng nhắc lại Ngân hàng Nhà nước không cấm cho vay bất động sản. Các ngân hàng không cho vay dựa trên khả năng trả nợ của các doanh nghiệp bất động sản, mà còn cần căn cứ khả năng huy động nguồn vốn ngắn hạn hay dài hạn. Chính vì vậy, có những dự án bất động sản khả thi, có khả năng trả nợ nhưng ngân hàng vẫn phải từ chối cho vay nếu không phù hợp với khả năng cân đối vốn của ngân hàng.
Ngân hàng Nhà nước cũng quy định các tổ chức tín dụng không được cho vay quá 30% vốn ngắn hạn với các khoản vay trung và dài hạn để giảm rủi ro cho hệ thống./.