Tâm lý thị trường chứng khoán đang chịu nhiều sức ép từ áp lực bán ròng của khối ngoại và thanh khoản thấp.
VN-Index đang tiệm cận vùng hỗ trợ quan trọng quanh 1.220-1.225 điểm. Đây là vùng kiểm tra tâm lý quan trọng, nếu không giữ được vùng này, chỉ số có nguy cơ điều chỉnh sâu hơn.
Trong khi đó, thanh khoản duy trì ở mức thấp càng cho thấy lực cầu yếu và sự hạn chế tham gia của nhà đầu tư trong giai đoạn cận Tết Nguyên đán.
Thị trường vẫn diễn biến tiêu cực, trong đó nhà đầu tư ngoại cũng chưa có dấu hiệu cải thiện khi bán ròng tới gần 650 tỉ đồng, gấp hơn 8 lần phiên trước đó, với tâm điểm bán chính là các cổ phiếu bluechip.
Bên cạnh đó, áp lực bán tập trung tại các cổ phiếu vốn hóa lớn như nhóm ngân hàng VPB, TCB, STB và nhóm công nghệ như FPT, góp phần kéo thị trường đi xuống.
Nhóm bất động sản tiếp tục giao dịch trầm lắng khi thanh khoản ở mức thấp, do lo ngại về các vấn đề pháp lý và chính sách tín dụng thắt chặt đối với lĩnh vực này.
Quan điểm của nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, xu hướng ngắn hạn VN-Index suy giảm dưới vùng kháng cự gần nhất 1.245-1.255 điểm, mức cao nhất năm 2023, vùng hỗ trợ mạnh 1.200-1.220 điểm. Xu hướng ngắn hạn chỉ cải thiện khi vượt lên lại kháng cự này.
Trong khi đó, VN30 chịu áp lực bán ở kháng cự 1.300 điểm, chịu áp lực điều chỉnh về vùng giá quanh 1.270 điểm.
Những diễn biến thị trường cho lực cầu ngắn hạn đang cải thiện dần với VN30 và dòng tiền ngắn hạn cải thiện khi VN-Index, nhiều mã tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh.
Các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán VDSC nhận định, thị trường thận trọng tại vùng 1.235-1.240 điểm và lùi bước trở lại.
Quá trình thăm dò cung cầu có thể tiếp diễn trong phiên giao dịch hôm nay (15.1). Tuy nhiên, tín hiệu hỗ trợ vào ngày 13.1 có thể vẫn còn tác động nâng đỡ thị trường trong thời gian tới.
Nhà đầu tư vẫn cần quan sát diễn biến cung cầu để đánh giá trạng thái thị trường. Tạm thời vẫn nên giữ tỉ trọng danh mục ở mức hợp lý để phòng ngừa rủi ro hoặc cơ cấu lại danh mục theo hướng giảm thiểu rủi ro cho đến khi thị trường có diễn biến tạo nền hỗ trợ tốt.
Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cũng đưa ra quan điểm cho rằng, VN-Index có thể sẽ tiếp tục biến động gần vùng 1.230-1.240 điểm trong phiên kế tiếp. Đồng thời, các chỉ báo đã giảm về vùng quá bán nên thị trường vẫn có thể sẽ xuất hiện các nhịp hồi phục trong những phiên tới, các nhà đầu tư cần hạn chế bán ra ở giai đoạn hiện tại.
Chiến lược ngắn hạn Yuanta đưa ra đó là xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ tỉ trọng cổ phiếu 40-50% danh mục và quan sát (tức là hạn chế mua hay bán trong giai đoạn này).
Công ty Chứng khoán Asean (Aseansc) có quan điểm cho rằng, thị trường chứng khoán trong nước sẽ tiếp tục diễn biến rung lắc trong phiên 15.1 và các phiên sắp tới cho đến khi các yếu tố vĩ mô ổn định trở lại.
Tuy nhiên, theo quan điểm Aseansc, những bất ổn về vĩ mô đang đi vào những giai đoạn cuối cùng, nhà đầu tư nên sẵn sàng lượng tiền mặt để thiết lập vị thế danh mục chắc chắn trước bối cảnh thanh khoản thị trường cạn kiệt và định giá rất hấp dẫn, có thể cân nhắc tiếp tục giải ngân từng phần với các cổ phiếu lớn có nền tảng cơ bản và triển vọng kinh doanh tích cực.
Aseansc đánh giá cao thị trường chứng khoán trong trung và dài hạn với nhiều điều kiện hỗ trợ như triển vọng nâng hạng thị trường và tiềm năng tăng trưởng tốt của nội tại nền kinh tế, đồng thời về dài hạn, chỉ số DXY giảm vẫn sẽ là xu hướng tất yếu trong môi trường nới lỏng chính sách tiền tệ, dòng vốn vẫn sẽ dần quay trở lại thị trường đầu tư mới nổi và có tiềm năng tăng trưởng cao như Việt Nam.