Sự chênh lệch về lượt xem giữa Vietnam Idol và Ca sĩ Mặt nạ là điều dễ hiểu. Mặc dù Vietnam Idol năm nay được làm khá chỉn chu, chọn lọc các tiết mục lên sóng, BGK nhận định khá công tâm và hài hước trong chừng mực, tỉ lệ thí sinh thực tài cũng hơn hẳn các kỳ trước. Nói chung nhà tổ chức có cố gắng nhưng vẫn không thể đi quá xa thể thức của một cuộc tìm kiếm tài năng ca hát…
Tiếng là thi hát nhưng đầu vào của Ca sĩ Mặt nạ đều là những giọng ca có thâm niên đứng trên sân khấu, chưa kể còn có sự tham gia của những ca sĩ đã là sao hoặc đẳng cấp thanh nhạc ở mức cao. Chương trình được dàn dựng chỉn chu cả về âm thanh lẫn sân khấu, lại có yếu tố đánh đố khiến người xem vừa ngắm các mascot vừa không ngừng tò mò về giọng hát đằng sau.
Mascot tiếp tục đắt khách
Ca sĩ Mặt nạ mùa đầu có thể coi là một gameshow bùng nổ về hiệu ứng truyền thông, tạo bước đà cho các cuộc thi hát truyền hình trở lại. Tuy nhiên kết quả chung cuộc không thực sự khiến khán giả tâm phục khẩu phục. Nếu tính điểm dựa trên bình chọn, giọng ca ai cũng biết là ai – Hà Trần – đáng ra phải chiếm ưu thế mới phải. Mặt khác sau khi thắng giải một cuộc thi đình đám như vậy, đến nay Ngọc Mai vẫn án binh bất động, không có bất kỳ sản phẩm nào tương xứng với những gì cô thể hiện trong chương trình. Điều này càng làm dấy lên nghi ngại chương trình làm hậu kỳ quá kỹ trước khi phát sóng, dùng kỹ xảo chỉnh giọng quá đà.
Ca sĩ Mặt nạ mùa 2 không có dấu hiệu hạ nhiệt khi ngay từ số đầu tiên đã tung ra hai mascot “khủng” là Happy Hippo và Cú Tây Bắc khiến người xem phần nào “bấn loạn”. Giọng của Cú Tây Bắc đưa khán giả ngược dòng quá khứ về miền Nam thời trước 1975 khi những giọng ca vàng như Thái Thanh hay Thanh Thúy ngự trị. Giờ đây có thể nói không mấy ai giọng trầm mà lại luyến láy kiểu như Cú Tây Bắc nữa, nhất là ở trong nước nên khó lòng mà đoán được Cú là ai. Happy Hippo có thể dễ đoán hơn (vì tiêu biểu cho kiểu hát bây giờ), song cũng là một giọng ca có quãng rộng và kỹ thuật ở mức cao có khả năng giữ chân khán giả.
Trong tập 2, chương trình tung ra “món” mới: Cá Ngựa Đôi tức là một cặp song ca thi chung với các thí sinh hát đơn khác. Họ thể hiện khá hòa quyện và nếu tách riêng cũng là những giọng hát có cá tính. Tuy nhiên họ vẫn bị rơi vào vòng nguy hiểm cùng với Cừu Bông. Thay vì gỡ mặt nạ người có phiếu bình chọn thấp hơn ngay tại trận như số đầu, chương trình lại hẹn khán giả chờ thêm mấy ngày. Phải chăng đây là cách để chương trình gặt hái thêm lượt xem và quảng cáo?!
Trong tập Vietnam Idol mới nhất, Mỹ Tâm tỏ ý phiền lòng với một nam thí sinh tuy học đại học năm thứ 3 vẫn xưng “con” với giám khảo. Tất nhiên là cô đùa, nhưng không ít lần BGK nhắc khéo thí sinh rồi. Ngoài luật bất thành văn trong giới ca sĩ, nghệ sĩ rằng đồng nghiệp chỉ nên xưng hô anh – em, việc xưng “con” đối với các thí sinh ở độ tuổi sinh viên cũng cho thấy họ đang đặt mình vào vị trí học sinh trả bài thầy cô, chưa sẵn sàng bước lên sân khấu làm đồng nghiệp với giám khảo.
Ca sĩ Mặt nạ cũng tung thêm một thí sinh cũng có thể xếp vào dạng “át chủ bài” là Cún Tóc Lô. Nếu Phượng Hoàng Lửa năm ngoái cất giọng lên ai cũng biết là Hà Trần, Cún Tóc Lô được dự đoán phải đến 99% là Ngọc Anh. Hà Trần tuy là diva nhưng cũng phần nào nhờ Ca sĩ Mặt nạ mà tên tuổi được hâm nóng trở lại ở thị trường trong nước. Và rất có thể Ngọc Anh (nếu đúng là Cún Tóc Lô) cũng sẽ có một bước đại chúng hóa hơn.
Tuy nhiên Ca sĩ Mặt nạ mùa 2 bộc lộ một số điểm hạn chế. Đầu tiên là câu giờ. Bao giờ một mascot bước ra cũng có màn nhảy nhót tưng bừng chỉ tổ làm cho ca sĩ bên trong đổ mồ hôi nhiều hơn. Ngay như một động tác đơn giản là cố vấn nộp kết quả dự đoán sau mỗi phần thi, Ban tổ chức cũng bày trò thả bóng vào ống rồi dùng giỏ hứng quá rình rang. Nhiều lúc xem Ca sĩ Mặt nạ mà như xem chương trình dành cho thiếu nhi, bởi từ phong cách cho đến giọng nói các mascot đều như thú bông dễ thương lí lắc. Các cố vấn cũng bắt chước nhí nhố theo.
Chương trình ngày càng lạm dụng kỹ xảo nắn giọng khiến đôi lúc không nghe ra mascot nói gì. Một mascot nhưng mỗi lúc lại nói một giọng địa phương hoặc giới tính khác khiến khán giả không biết đường nào mà lần. Những chiêu trò quá lố này gây khó chịu hơn là thú vị. Cố vấn cũng bị cho là góp phần câu giờ khi cùng lúc đưa ra nhiều phán đoán không liên quan, chủ yếu để tung hỏa mù.
Tuy nhiên với các điểm mạnh đánh trúng tâm lý khán giả, Ca sĩ Mặt nạ tiếp tục tạo tiếng vang… cho đến trước màn trao giải chung cuộc. Nhưng xét cho cùng, chương trình cũng chẳng có nhiệm vụ phải tìm ra người tài nhất, hay nhất để trao giải quán quân. Ai tham gia chương trình cũng nổi tiếng hết rồi, họ chắc cũng chỉ cần nổi thêm chút nữa để có thêm nhiều sô diễn mà thôi. Những cuộc thi như Vietnam Idol dù sao cũng có vai trò khá tích cực trong khi cung cấp cho nền âm nhạc giải trí những gương mặt mới.
Hy vọng mới
Lần tổ chức gần đây nhất của Vietnam Idol (Thần tượng âm nhạc Việt Nam) là năm 2016, còn Giọng hát Việt từ 2019. Thời gian không có cuộc thi hát truyền hình nào (trừ Sao Mai) khiến cho các tài năng trẻ dồn ứ lại, trở thành mỏ vàng cho Vietnam Idol 2023 khai thác. Có thể thấy tài năng thí sinh năm nay khá đa dạng. Không hiếm những người vừa hát tốt vừa biết sáng tác và chơi nhạc cụ. Có thí sinh đã là quán quân của cuộc thi khác, có thí sinh du học opera ở nước ngoài, có thí sinh là diễn viên thành danh, có cả những thí sinh từ Mỹ, từ Nhật về góp giọng. Điều này báo hiệu một vòng thi Nhà hát rất sôi động.
Tuy nhiên vì không có kiểu chấm điểm giấu mặt như Giọng hát Việt nên có thể thấy đôi lúc, những giọng hát bình thường nhưng có ngoại hình bắt mắt vẫn được giám khảo Vietnam Idol ưu ái ra mặt. Nhưng thực ra mà nói giám khảo cũng chính là khán giả. Khán giả trước sau như một hẳn vẫn muốn vừa xem vừa nhìn.
Nói chung nếu chỉ có giọng hát mà đi thi Vietnam Idol năm nay là dở rồi. Vì các tài năng thế hệ mới có xu hướng tự trang bị cho mình rất nhiều kỹ năng. Và nhiều khả năng quán quân chung cuộc cũng sẽ là một người đa năng. Tất nhiên không hẳn thời của các “giọng khủng” đã qua, giọng khủng hôm nay mà biết chơi nhạc cụ, biết nhảy cũng không thừa.