Quy phạm pháp luật (QPPL) có tác động lớn đến đời sống kinh tế- xã hội. Xác định xây dựng, ban hành văn bản QPPL có vai trò quan trọng trong đưa pháp luật vào cuộc sống, tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL và các văn bản hướng dẫn thi hành; nhận thức, tư duy của các chủ thể có trách nhiệm trong xây dựng văn bản QPPL ngày càng có chuyển biến tích cực.
Luật Ban hành văn bản QPPL, được sửa đổi, bổ sung năm 2020 đã có nhiều sửa đổi, bổ sung về quy trình xây dựng văn bản QPPL ở địa phương. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thường trực HĐND, UBND tỉnh và hướng dẫn của ngành Tư pháp, quy trình xây dựng văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh đã được “chuẩn hóa”, đảm bảo quy định của pháp luật.
Hoạt động lập đề nghị xây dựng nghị quyết, bước đầu tiên trong chuỗi các hoạt động xây dựng văn bản QPPL được các cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản thực hiện nghiêm. Trình tự, thủ tục lập đề nghị xây dựng nghị quyết của HĐND cấp tỉnh đã từng bước đi vào nền nếp, thực hiện đảm bảo theo quy định của Luật và các Nghị định hướng dẫn. Trước khi trình Thường trực HĐND tỉnh xem xét, chấp thuận, cơ quan lập đề nghị đều tham mưu UBND tỉnh chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định và gửi Sở Tư pháp thẩm định. Từ khi Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015, Luật sửa đổi, bổ sung năm 2020 có hiệu lực đến nay, tỉnh đã lập 223 văn bản đề nghị xây dựng nghị quyết.
Các cơ quan, đơn vị phát huy tốt chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của mình trong việc tham mưu soạn thảo, ban hành, thực thi văn bản QPPL của tỉnh; kịp thời rà soát với các văn bản QPPL của cấp trên và tình hình thực tế của địa phương để tham mưu HĐND, UBND tỉnh ban hành. Nội dung, hồ sơ lập đề nghị xây dựng văn bản QPPL cơ bản đảm bảo chất lượng theo yêu cầu. Các chính sách đặc thù của địa phương được đầu tư nghiên cứu trong tổng thể hệ thống pháp luật, đánh giá đầy đủ về thẩm quyền ban hành, tính khả thi, nguồn lực đảm bảo thực hiện, cũng như đánh giá lợi ích của tổ chức, cá nhân, lợi ích của nhà nước khi văn bản có hiệu lực thi hành, chất lượng dự thảo văn bản QPPL ngày càng được nâng lên, giảm thiểu các sai sót về thẩm quyền, nội dung, thể thức, kỹ thuật trình bày…
Đến nay, HĐND tỉnh và UBND tỉnh đã ban hành 485 văn bản QPPL điều chỉnh trên các lĩnh vực (152 nghị quyết, 333 quyết định). Hệ thống văn bản QPPL được ban hành đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ chung trong hệ thống pháp luật, tính khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Cùng với đó, công tác kiểm tra văn bản được tiến hành thường xuyên theo quy định, đảm bảo các văn bản được gửi đến đều được thực hiện việc tự kiểm tra và kiểm tra theo thẩm quyền; chất lượng công tác kiểm tra văn bản từng bước được nâng cao, qua đó phát hiện và chấn chỉnh kịp thời các sai phạm, góp phần đảm bảo công tác ban hành, kiểm tra văn bản trên địa bàn đi vào nền nếp, hiệu quả. Công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL cũng được thực hiện thường xuyên, qua đó kịp thời phát hiện các quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội để kịp thời đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ, thay thế, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản mới, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ của văn bản QPPL trong hệ thống pháp luật và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội.
Toàn tỉnh thực hiện kiểm tra theo thẩm quyền 1.879 văn bản QPPL (cấp tỉnh kiểm tra 639 văn bản, cấp huyện kiểm tra 1.240 văn bản). Qua kiểm tra, phát hiện 65 văn bản ban hành không phù hợp theo quy định pháp luật, trong đó 41 văn bản do cấp huyện ban hành sai về thẩm quyền, 24 văn bản do cấp huyện, cấp xã ban hành không phải là văn bản QPPL nhưng có chứa QPPL. Các văn bản sau kiểm tra đều đã được xử lý.
Các cơ quan đã rà soát 3.538 văn bản, phát hiện 518 văn bản không đảm bảo hoặc không còn phù hợp với thực tiễn, đã kiến nghị xử lý 476 văn bản.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, hệ thống văn bản QPPL của tỉnh được ban hành theo đúng quy định của Luật và các Nghị định hướng dẫn, có tác động lớn, tạo hành lang pháp lý trong việc bảo đảm hoạt động hiệu quả của bộ máy nhà nước, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước ở địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, công tác xây dựng, ban hành văn bản QPPL còn một số tồn tại, hạn chế. Do Luật và Nghị định hướng dẫn có nhiều điểm mới, đặc biệt là quy trình thực hiện có nhiều thay đổi so với Luật cũ, nên mất nhiều chi phí về thời gian cho xây dựng văn bản QPPL; việc phối hợp lấy ý kiến các cấp, các ngành liên quan, nhất là những đối tượng chịu tác động trực tiếp của văn bản còn hạn chế; công tác kiểm tra, rà soát văn bản QPPL đôi lúc chưa thực hiện kịp thời, do đó việc sửa đổi, bổ sung, thay thế văn bản còn chậm. Quá trình thực hiện quy trình lập đề nghị xây dựng nghị quyết của HĐND cấp tỉnh đối với những văn bản QPPL quy định chính sách mang tính đặc thù tại địa phương phải thực hiện 2 quy trình rất phức tạp và mất nhiều thời gian…
Trên cơ sở phân tích đánh giá, xác định nguyên nhân của tồn tại, hạn chế, tỉnh cũng chỉ ra bài học kinh nghiệm, xây dựng giải pháp khắc phục, đưa ra các kiến nghị tới Bộ, ngành nhằm tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả.