VietinBank, BIDV, Agribank và Vietcombank đều đã giảm lãi suất huy động xuống dưới 5%/năm – đây là mức thấp nhất trong hàng chục năm trở lại đây.
Ngân hàng cuối cùng trong nhóm Big 4 là Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) niêm yết lãi suất huy động ở mức 5%/năm cũng vừa thông báo điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi.
Theo đó, ngày 22/3, VietinBank đã công bố điều chỉnh giảm lãi suất tiết kiệm thêm 0,1%-0,2% tại một số kỳ hạn.
Cụ thể, ngân hàng này đã điều chỉnh giảm 0,2% lãi suất tại kỳ hạn 3 tháng từ 2,2%/năm xuống 2%/năm và kỳ hạn 6 tháng từ 3,2%/năm xuống 3%/năm.
Đối với kỳ hạn dài hơn, VietinBank cũng hạ 0,1% lãi suất, đưa mức lãi tiền gửi kỳ hạn 12 tháng từ 4,8%/năm xuống 4,7%/năm và kỳ hạn từ 12 đến 24 tháng từ 4,8% xuống 4,7%. Tại kỳ hạn 24 tháng trở lên, VietinBank điều chỉnh giảm 0,2% từ 5% xuống mức 4,8%/năm.
Ngoài ra, ngân hàng này vẫn giữ nguyên mức lãi suất là 1,7%/năm đối với kỳ hạn dưới 3 tháng.
Trước đó, VietinBank là ngân hàng duy nhất trong nhóm Big 4 còn niêm yết lãi suất 5%/năm cho kỳ hạn tiền gửi dài trên 24 tháng. Trong khi 3 ngân hàng khác trong nhóm là BIDV, Vietcombank và Agribank đều đã kéo dải lãi suất xuống chỉ còn 1,7%-4,8%/năm.
Hồi đầu tháng Một, Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) là ngân hàng tiên phong giảm lãi suất huy động xuống dưới 5%/năm. Hiện, các khoản tiền gửi dưới 1 tháng tại Vietcombank có lãi suất là 0,2%/năm; kỳ hạn 1-2 tháng là 1,7%/năm; kỳ hạn 3 tháng là 2%/năm; kỳ hạn 6 và 9 tháng được hưởng cùng mức lãi suất là 3%/năm; mức lãi suất ưu đãi nhất đang được Vietcombank áp dụng là 4,7%/năm, dành cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
Sau động thái giảm lãi suất huy động của VietinBank, mức lãi tiết kiệm 5%/năm đã chính thức biến mất khỏi dải lãi suất các ngân hàng quốc doanh đồng thời lãi suất tại VietinBank cũng đã về mức tương đương với 3 ngân hàng còn lại. Đây là mức thấp nhất trong hàng chục năm trở lại đây.
Với việc chiếm gần một nửa thị phần huy động tiền gửi toàn hệ thống, động thái của nhóm Big4 được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các ngân hàng tư nhân giảm thêm lãi suất huy động trong thời gian tới.
Kể từ đầu tháng Ba, đã có nhiều ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động như PGBank, BVBank, BaoViet Bank, GPBank, ACB, Agribank, VPBank, PVCombank, Dong A Bank, MB, Techcombank, NCB, KienLong Bank, Agribank, SCB, Saigonbank, BIDV. Trong đó, BaoViet Bank, GPBank, BVBank, PGBank đã 2 lần giảm lãi suất huy động kể từ đầu tháng.
Theo giới chuyên môn, mặc dù lãi suất huy động giảm nhiều nhưng lượng tiền gửi tại hệ thống ngân hàng vẫn ở mức cao kỷ lục. Bên cạnh đó, do cầu tín dụng yếu do nhu cầu về sản xuất, tiêu thụ hàng hoá chưa được cải thiện nên hầu hết các ngân hàng chưa mặn mà với việc tăng lãi suất huy động trở lại để hút tiền gửi. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng được dự báo phục hồi trong quý 2 sẽ khiến thanh khoản hệ thống bớt dồi dào và có khả năng thúc đẩy các ngân hàng tăng lãi suất huy động.
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho biết đến nay lãi suất tiền gửi bình quân của các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại ở mức 3,3%/năm, giảm 0,2%/năm so với cuối năm 2023; lãi suất cho vay bình quân của các khoản vay mới ở mức 6,4%/năm, giảm 0,7%/năm so với cuối năm 2023 nhưng lãi suất đối với các khoản dư nợ hiện còn cao.
Cùng với động thái giảm lãi suất huy động của các ngân hàng, theo số liệu mới nhất được Ngân hàng Nhà nước công bố, lãi suất VND bình quân liên ngân hàng tại kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính chiếm khoảng 85%- 95% giá trị giao dịch) đã giảm về còn 0,22% trong phiên 19/3 từ mức 0,5% ghi nhận vào phiên trước đó. Đây là mức thấp nhất kể từ cuối tháng 1/2024 và chỉ bằng khoảng 1/7 so với cách đó 1 tuần (phiên 12/3 – lãi suất 1,47%).
Như vậy, lãi suất qua đêm liên ngân hàng đã trở lại vùng thấp lịch sử, ngang giai đoạn quý 3/2023 và nửa cuối năm 2020.
Lãi suất các kỳ hạn chủ chốt khác cũng giảm mạnh so với mức ghi nhận trước đó 1 tuần: kỳ hạn 1 tuần giảm từ 1,67% xuống 0,47%; kỳ hạn 2 tuần giảm từ 1,75% xuống 1,21%; kỳ hạn 1 tháng giảm từ 1,88% xuống 1,67%./.