Ngày 10/7, tại Kỳ họp thứ 19 HĐND tỉnh khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 216/NQ-HĐND về việc bổ sung, điều chỉnh, phân bổ dự toán ngân sách cấp tỉnh 2024, trong đó có điều chỉnh giảm gần 288 tỷ đồng kinh phí sự nghiệp hỗ trợ phát triển sản xuất bổ sung tăng chi đầu tư phát triển khác để ủy thác cho Ngân hàng CSXH cho vay phát triển sản xuất. Đây là trợ lực quan trọng để người dân vùng dân tộc thiểu số (DTTS) phát triển các mô hình sản xuất, triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Trong phân bổ dự toán chi ngân sách cấp tỉnh hàng năm, tỉnh Quảng Ninh đều dành nguồn ngân sách nhất định để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia nhằm hỗ trợ người dân, đặc biệt là người dân ở các vùng đồng bào DTTS phát triển sản xuất. Tuy nhiên trong hơn 1 năm qua, chưa có dự án phát triển sản xuất nào của doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ gia đình được lập để các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt làm cơ sở giải ngân nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất từ ngân sách tỉnh hỗ trợ các địa phương.
Cụ thể, năm 2023 ngân sách tỉnh đã phân bổ trên 155 tỷ đồng nguồn vốn hỗ trợ sản xuất chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới; nhưng tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh mới thực hiện giải ngân đạt khoảng 800 triệu đồng (chỉ có duy nhất huyện Bình Liêu thực hiện và giải ngân), còn lại hơn 154 tỷ đồng chưa giải ngân được.
Năm 2024, ngân sách tỉnh tiếp tục phân bổ 300 tỷ đồng bố trí thực hiện 3 chương trình MTQG cho 9/13 địa phương khó khăn về ngân sách; riêng các địa phương Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả, Đông Triều tự cân đối ngân sách chi thường xuyên để thực hiện chương trình. Với nguồn vốn này, đến hết tháng 6/2024 mới có 4 địa phương phân bổ trên 12 tỷ đồng (Ba Chẽ, Tiên Yên, Bình Liêu, Đầm Hà), 5 địa phương còn lại chưa phân khai và có văn bản đề nghị hoàn trả kinh phí về ngân sách tỉnh.
Qua đánh giá, rà soát của Văn phòng điều phối Nông thôn mới tỉnh, nguyên nhân chủ yếu là do một số cộng đồng dân cư có khả năng thực hiện các dự án phát triển sản xuất nhưng chưa đảm bảo điều kiện hỗ trợ, đất sản xuất nằm trong vùng quy hoạch chuyển đổi mục đích sang công nghiệp, dịch vụ… hoặc không đảm bảo tỷ lệ tham gia của người dân khi các hộ dân nằm trên địa bàn các phường không thuộc đối tượng của Chương trình nông thôn mới. Mặt khác, điều kiện của các nhóm hộ, HTX đăng ký thực hiện các dự án theo từng chương trình MTQG không đáp ứng được tỷ lệ tối thiểu người dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo là 50% để thực hiện theo chương trình MTQG giảm nghèo; địa điểm sản xuất cũng không thuộc địa bàn xã, thôn đặc biệt khó khăn nên cũng không đủ điều kiện hỗ trợ phát triển sản xuất theo Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi; các quy định đều gắn vào dự án hỗ trợ sau đầu tư nên các doanh nghiệp, HTX muốn tham gia phải có tiềm lực kinh tế, có kiến thức để thực hiện các thủ tục đầu tư.
Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT, Chánh văn phòng điều phối Nông thôn mới của tỉnh, cho biết: Ngoài những nguyên nhân nói trên thì các địa phương cũng chưa thực sự quyết liệt, tích cực trong việc vận động, mời gọi và hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX thực hiện xây dựng dự án liên kết chuỗi giá trị từ sản phẩm đến tiêu thụ; chưa nhiệt tình hỗ trợ, hướng dẫn người dân trong xây dựng dự án phát triển sản xuất, nhất là người dân vùng đồng bào DTTS. Khắc phục tình trạng không giải ngân được nguồn vốn của năm 2023 và để bảo toàn nguồn vốn phân bổ của tỉnh năm 2024, Sở đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, địa phương có liên quan xây dựng trình UBND tỉnh xem xét, ban hành quyết định quy định điều kiện, nội dung, mức cho vay ưu đãi để thực hiện chính sách tín dụng hỗ trợ ủy thác qua Ngân hàng CSXH trên địa bàn tỉnh thuộc nguồn vốn thực hiện các Chương trình MTQG. Như vậy, khi HĐND tỉnh quyết định cho ủy thác nguồn vốn trên qua Ngân hàng CSXH tỉnh sẽ giúp cho bà con nhân dân có điều kiện tiếp cận dễ dàng hơn với các nguồn vốn tín dụng. Điều này cũng tiếp tục thể hiện sự quan tâm rất lớn của tỉnh trong việc bố trí nguồn lực để thực hiện an sinh xã hội thông qua hoạt động tín dụng chính sách tại địa phương.
Theo đó, đối tượng được hỗ trợ vốn vay ưu đãi bao gồm doanh nghiệp, HTX, liên hiệp HTX thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng nông thôn, huyện nghèo; cá nhân người DTTS, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ có mức sống trung bình, người lao động tại địa bàn thuộc phạm vi thực hiện của các chương trình MTQG. Việc trình, phê duyệt và giao kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch vốn đầu tư hằng năm để ủy thác cho Ngân hàng CSXH tại địa phương sẽ không phải lập danh mục chương trình, dự án thep quy định của Luật Đầu tư công.
Việc tỉnh quyết định cho phép điều chỉnh nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất chưa sử dụng của các địa phương và ủy thác cho Ngân hàng CSXH tỉnh nhằm mục tiêu phát huy hiệu quả nguồn lực từ ngân sách và bảo toàn nguồn vốn. Chính vì vậy ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan đã nhanh chóng triển khai, đưa Nghị quyết sớm vào cuộc sống để thúc đẩy người dân vùng DTTS phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
Bà Vũ Thị Ngọc Bích, Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh, cho biết: Sau khi được UBND tỉnh bố trí nguồn vốn, đơn vị sẽ tổ chức giải ngân nguồn vốn sớm để người dân dễ tiếp cận trên cơ sở rà soát kỹ đúng đối tượng, khu vực thụ hưởng góp phần phát triển sản xuất. Đồng thời, ngân hàng cũng sẽ bám sát các chỉ tiêu kế hoạch được trung ương và địa phương giao, tập trung triển khai thực hiện, phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch tăng trưởng tín dụng được giao trước 31/10/2024, trong đó quan tâm triển khai thực hiện bảo đảm đúng chủ trương chính sách, đúng đối tượng thụ hưởng, tăng cường giám sát khách hàng vay sử dụng vốn đúng mục đích.