Cập nhật sáng 5/3, lãi suất huy động tại một số ngân hàng tiếp tục được điều chỉnh giảm.
Cụ thể, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) vừa giảm 0,2%/năm lãi suất huy động đối với tiền gửi trực tuyến kỳ hạn từ 6 đến 9 tháng và kỳ hạn 24 tháng; đưa lãi suất áp dụng tại các kỳ hạn này xuống còn lần lượt là 3%/năm và 4,8%/năm.
Các kỳ hạn khác, Agribank giữ nguyên lãi suất huy động như trước đó là 1,7%/năm với kỳ hạn 1-2 tháng, 2%/năm với kỳ hạn 3-5 tháng và 4,8%/năm với kỳ hạn 12-18 tháng.
Đây là ngân hàng đầu tiên trong nhóm các ngân hàng lớn “big 4” điều chỉnh lãi suất kể từ đầu tháng 3 tới nay.
Không riêng Agribank, một số ngân hàng cũng đã có điều chỉnh như: Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank), Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoVietBank), Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Dầu khí Toàn Cầu (GPBank)…
ACB giảm từ 0,1-0,4%/năm lãi suất nhiều kỳ hạn dưới 12 tháng. Trong đó, lãi suất giảm mạnh nhất ở kỳ hạn 3 tháng, từ 3,2%/năm xuống 2,8%/năm. Lãi suất huy động trực tuyến kỳ hạn 1-2 tháng cũng giảm 0,2%/năm, xuống còn 2,5-2,6%/năm; kỳ hạn 9 tháng giảm 0,1%/năm còn 3,9%/năm.
BVBank cũng hạ lãi suất tiết kiệm đối với tất cả các kỳ hạn, bước giảm từ 0,15-0,4%/năm. Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn từ 1-4 tháng giảm mạnh nhất 0,4%/năm xuống còn dao động từ 3,3-3,45%/năm.
Lãi suất kỳ hạn 6 tháng được BVBank giảm 0,25%/năm xuống 4,4%/năm; kỳ hạn 9 tháng giảm 0,2%/năm xuống còn 4,6%/năm; kỳ hạn 12 tháng giảm 0,15%/năm xuống còn 4,8%/năm. Lãi suất các kỳ hạn từ 15 tháng trở lên dao động từ 5,3-5,6%/năm, giảm từ 0,1-0,15%/năm so với trước đó.
Tại BaoVietBank, bước điều chỉnh lãi suất ghi nhận giảm 0,2-0,3%/năm. Biểu lãi suất mới nhất đang áp dụng ở mức 3,3-3,55%/năm với kỳ hạn 1-3 tháng; 4,6-4,7%/năm kỳ hạn 6-9 tháng; 5%/năm kỳ hạn 12 tháng.
PGBank có cùng bước điều chỉnh đưa lãi suất kỳ hạn từ 1-3 tháng xuống dao động từ 2,9-3,3%/năm; kỳ hạn 6 tháng còn 4,1%/năm; kỳ hạn 9 tháng 4,2%/năm.
Tính đến sáng 5/3, lãi suất niêm yết cao nhất trong hệ thống ngân hàng ghi nhận ở mức 10%/năm tại Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank), áp dụng khi khách hàng gửi mới từ 2.000 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 12 và 13 tháng.
Mức cao tiếp theo là 9,65%/năm tại Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), dành cho các trường hợp gửi tiết kiệm từ 1.500 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 13 tháng, lãi cuối kỳ và phải có phê duyệt của Tổng Giám đốc.
Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank) cũng áp dụng mức lãi suất cao nhất 8,1%/năm cho kỳ hạn 13 tháng tối thiểu từ 300 tỷ đồng.
Dự báo về xu hướng lãi suất, các chuyên gia của Trung tâm phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng Ngân hàng Nhà nước vẫn còn dư địa cho giảm lãi suất điều hành thêm một lần nữa. Tuy nhiên, lãi suất tiền gửi sẽ khó tiếp tục giảm mạnh.
SSI dự báo lãi suất tiền gửi 12 tháng vào cuối năm 2024 ở mức khoảng 5,5%/năm, tăng 50 điểm cơ bản so với 2023. Trong khi đó, lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện tại có thể có khả năng giảm thêm 50 – 100 điểm cơ bản trong nửa đầu năm 2024.