Rừng có vai trò quan trọng trong phát triển KT-XH của Quảng Ninh. Để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 28/11/2019 về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trên cơ sở đó, đã có nhiều chính sách với nguồn lực bố trí phù hợp thực hiện mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững.
Là người tiên phong trồng trà hoa vàng trong xã, đầu năm 2022, ông Triệu Quý Bảo, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ vay thêm 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị quyết 337/2021/HĐND ngày 24/3/2021 chính sách đặc thù khuyến khích phát triển lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Bằng số tiền vay, ông Bảo mở rộng diện tích trồng quế, sa mộc, giổi… kết hợp trồng trà hoa vàng xen kẽ dưới tán rừng. Trà hoa vàng thường cho thu hoạch từ tháng 11 đến hết tháng 2 năm sau. Bình quân 1 cây trà cho thu từ 1-2kg hoa tươi/năm, tương đương khoảng 1 triệu đồng/cây/năm. Trà hoa vàng có giá bán từ 13-15 triệu đồng/kg hoa sấy khô, hoa tươi thu mua với giá trung bình 150.000 – 200.000 đồng/kg, lá tươi trà hoa vàng cũng được tiêu thụ rộng rãi với giá khoảng 50.000 đồng/kg, lá khô là 300.000 – 500.000 đồng/kg.
Ông Bảo chia sẻ: Trà hoa vàng là cây ưa bóng râm, có thể trồng dưới tán rừng, chăm sóc dễ dàng. Do đó, gia đình đã vay vốn phát triển trồng rừng kết hợp với trà hoa vàng. Nhờ đó hằng năm đã mang lại cho gia đình thu nhập ổn định.
Không riêng gia đình ông Bảo, toàn tỉnh hiện có 15.508 hộ được vay vốn tín dụng chính sách với tổng dư nợ là 963,4 tỷ đồng để đầu tư mở rộng diện tích rừng, đầu tư khoa học kỹ thuật, phát triển sản xuất lâm nghiệp bền vững. Toàn tỉnh có 73.746ha rừng tập trung được trồng mới với nhiều loài cây có giá trị, như lim, giổi, lát, thông nhựa và 3,5 triệu cây phân tán các loại. Giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp tăng từng năm, giải quyết việc làm cho lao động tại các khu vực miền núi, biên giới, hải đảo, thực hiện thắng lợi các mục tiêu về phát triển bền vững.
Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế cho thấy, mức cho vay bình quân các hộ để phát triển lâm nghiệp vẫn ở mức thấp; số lượng chủ rừng là doanh nghiệp, tổ chức được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách còn ít, chỉ có 50 chủ rừng với 159.168ha rừng được giao. Dư nợ cho vay trong lĩnh vực lâm nghiệp chỉ chiếm gần 18% tổng dư nợ các chương trình tín dụng trên địa bàn tỉnh hiện nay. Diện tích trồng rừng lớn song nguồn vốn phân bổ cho vay chưa đồng đều, tập trung chủ yếu tại TP Hạ Long (120 tỷ đồng), huyện Ba Chẽ (265,9 tỷ đồng), Bình Liêu (208,3 tỷ đồng ), Tiên Yên (100 tỷ đồng), còn các huyện khác dưới 100 tỷ đồng. Nghị quyết 337/2021/HĐND chính sách đặc thù khuyến khích phát triển lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh chỉ được thí điểm triển khai tại TP Hạ Long và huyện Ba Chẽ.
Để từng bước khắc phục những tồn tại này, hiện Sở NN&PTNT đang xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND để báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét trong thời gian tới. Dự thảo Nghị quyết có một số điểm mới so với Nghị quyết 337/2021/NQ-HĐND như: Mở rộng phạm vi áp dụng từ 2 địa phương thí điểm lên thành áp dụng trên toàn tỉnh; mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách, từ chỉ hỗ trợ cho hộ gia đình, cá nhân lên thành hỗ trợ đối với tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, nhóm hộ, hộ gia đình, cá nhân; nâng mức hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn, từ chỉ hỗ trợ kinh phí mua cây giống với mức 15 triệu đồng/ha lên thành hỗ trợ kinh phí mua cây giống và công chăm sóc với mức 20 triệu đồng/ha; nâng mức hỗ trợ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội từ 20 triệu đồng/ha lên thành 30 triệu đồng/ha; bổ sung chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế dưới tán rừng…
Các chính sách này kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu về vốn của người dân, phát triển lâm nghiệp bền vững, hoàn thành mục tiêu duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng trên 55%, nâng cao chất lượng rừng, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp bình quân đạt khoảng 6%/năm, cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững 15.000ha rừng trồng sản xuất…