– Xin ông cho biết về hiện trạng phát triển lâm nghiệp của Quảng Ninh hiện nay?
+ Những năm qua, cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp của tỉnh đã ban hành, triển khai thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp phát triển lâm nghiệp. Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên có nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững, phát triển xanh, tuần hoàn sau khi Luật Lâm nghiệp có hiệu lực năm 2019.
Tính từ năm 2022 đến nay, toàn tỉnh đã trồng được 4.017,1ha lim, giổi, lát, đạt 76,5% chỉ tiêu trồng 5.000ha lim, giổi, lát đến năm 2025. Trong đó, năm 2022 trồng 2.288,8ha, năm 2023 trồng 1.078,3ha, năm 2024 trồng 650ha. Nhu cầu đăng ký trồng cây gỗ lớn, cây bản địa trong giai đoạn 2024-2026 của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh tiếp tục gia tăng, khoảng 5.000ha. Các địa phương cấp huyện đã hoàn thành việc xây dựng và phê duyệt phân vùng gỗ lớn, với tổng diện tích khoảng 144.512ha. Đây là cơ sở để triển khai chính sách hỗ trợ trồng cây gỗ lớn, cây bản địa và hình thành các cánh rừng gỗ lớn với sự đa dạng sinh học cao.
– Ông có thể cho biết, Nghị quyết số 37/2024/NQ-HĐND có những điểm gì mới so với Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND?
+ Nghị quyết lần này được thông qua có nhiều điểm mới mang tính đột phá và được mở rộng về chính sách hỗ trợ, đối tượng, điều kiện, phương thức hỗ trợ, nguồn kinh phí thực hiện hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn, hỗ trợ sản xuất dưới tán rừng trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, nghị quyết mới mở rộng phạm vi áp dụng đối với toàn bộ 13 địa phương trong tỉnh (trước đó chỉ áp dụng thí điểm tại 3 địa phương là Hạ Long, Ba Chẽ, Cẩm Phả); mở rộng đối tượng tham gia chính sách từ hộ gia đình, cá nhân, thành doanh nghiệp (trừ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài), hợp tác xã, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, tổ hợp tác (từ 2 hộ gia đình, cá nhân tham gia trở lên), hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh.
Đối với chính sách hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn, sẽ nâng mức hỗ trợ và nội dung hỗ trợ bằng tiền từ “Hỗ trợ 100% kinh phí mua cây giống với mức không quá 15 triệu đồng/ha” lên thành “Hỗ trợ kinh phí mua cây giống và công chăm sóc với mức hỗ trợ tối đa không quá 20 triệu đồng/ha”; hỗ trợ 400.000 đồng/ha kinh phí để tổ chức, hộ gia đình, cá nhân xây dựng hoặc thuê đơn vị tư vấn phương án trồng rừng gỗ lớn và sản xuất dưới tán rừng; nâng mức hỗ trợ vay vốn ưu đãi qua Ngân hàng CSXH từ tối đa không quá 20 triệu đồng/ha thành không quá 30 triệu đồng/ha trồng rừng gỗ lớn.
Cùng với đó, để hỗ trợ hộ gia đình, cá nhân tham gia trồng rừng gỗ lớn có điều kiện cải thiện sinh kế, lấy ngắn nuôi dài trong thời gian chưa có thu nhập từ cây trồng chính, nghị quyết bổ sung chính sách hỗ trợ sản xuất dưới tán rừng. Trong đó, sẽ hỗ trợ tối đa không quá 10 triệu đồng/ha rừng gỗ lớn để hộ gia đình, cá nhân mua cây giống lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu trồng dưới tán rừng gỗ lớn, hoặc mua con giống gia súc, gia cầm để chăn nuôi; cho vay ưu đãi qua Ngân hàng CSXH với mức không quá 30 triệu đồng/ha tính theo diện tích người dân đã tham gia trồng rừng gỗ lớn.
– Việc triển khai Nghị quyết số 37/2024/NQ-HĐND sẽ bắt đầu thực hiện từ thời điểm nào, thưa ông?
+ Ngay sau khi Nghị quyết số 37/2024/NQ-HĐND được ban hành, Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách đến toàn thể công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị; tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh nắm vững nội dung chính sách hỗ trợ theo nghị quyết mới đảm bảo đúng nguyên tắc, phạm vi, đối tượng, điều kiện, nội dung hỗ trợ. UBND cấp huyện, cấp xã tổ chức tập huấn triển khai nghị quyết, vận động các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hưởng ứng tham gia.
Đồng thời, Sở NN&PTNT cũng khẩn trương phối hợp với các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định về trình tự lập, thẩm định, phê duyệt và nghiệm thu phương án trồng rừng gỗ lớn, phương án sản xuất dưới tán rừng; quy chế quản lý, khai thác đối với diện tích trồng rừng gỗ lớn để làm cơ sở cho các sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã triển khai các bước tiếp theo. Phối hợp với các sở, ngành, địa phương xây dựng hướng dẫn liên ngành để hướng dẫn UBND huyện, cấp xã, tổ chức hộ gia đình, cá nhân triển khai các nội dung chính sách theo Nghị quyết số 37/2024/NQ-HĐND đảm bảo công khai, minh bạch, kịp thời, đúng đối tượng, đúng quy định, phù hợp với phân cấp quản lý và thực tiễn của địa phương. Sau khi hướng dẫn liên ngành được ban hành, UBND cấp huyện, cấp xã sẽ tổ chức tiếp nhận hồ sơ đăng ký của các đối tượng và triển khai các bước tiếp theo với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm, thực hiện đúng quy định và kịp mùa vụ trồng rừng.
– Xin cảm ơn ông!