Thời gian qua, nguồn vốn vay ưu đãi của Quỹ hỗ trợ nông dân đã giúp cho nhiều hội viên, nông dân trên địa bàn tỉnh có cơ hội đầu tư phát triển sản xuất, mở rộng mô hình, từng bước cải thiện thu nhập. Đây cũng là động lực thôi thúc hội viên, nông dân làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Nhận thấy điều kiện thổ nhưỡng phù hợp, năm 2021, ông Vũ Văn Hoan (khu Cửa Ngăn, phường Phương Đông, TP Uông Bí) đã vay 90 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân của Hội Nông dân tỉnh để bồi đất, đầu tư cây giống, lắp đặt hệ thống tưới triển khai dự án trồng ổi Đài Loan. Đồng thời, chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên cây phát triển tốt, quả to, vị ngọt đậm, tiêu thụ tốt, giá bán ổn định. Với diện tích trên 3.000m2, đến nay, vườn ổi của hộ ông Hoan cho thu nhập từ 100-150 triệu đồng/năm. Gia đình ông Vũ Văn Hoan nhiều năm được công nhận là Hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp thành phố.
Ông Vũ Văn Hoan cho biết: Nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân với thời gian cho vay dài, lãi suất ưu đãi, thủ tục nhanh chóng nên đã kịp thời đáp ứng nhu cầu về vốn cho gia đình tôi thực hiện mô hình trồng ổi Đài Loan. Mô hình trồng ổi đem lại kinh tế hiệu quả rất cao, gấp 3-4 lần so với cây lúa, thị trường tiêu thụ ổn định. Tôi mong hội viên, nông dân tiếp tục được quan tâm, tạo điều kiện được vay vốn để triển khai các mô hình phát triển sản xuất.
Khi mở rộng mô hình chăn nuôi gà, vịt và ngan, anh Phạm Văn Dũng (thôn An Lợi, xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà) đã được Hội Nông dân huyện xét duyệt và cho vay 50 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân để triển khai. Số tiền này cùng với khoản tiền vay mượn thêm từ họ hàng, anh Dũng tập trung cải tạo lại ao đầm, chuồng trại, khu chăn nuôi cùng với đó mua con giống, thức ăn phục vụ chăn nuôi 10.000 con gà, ngan, vịt mỗi năm. Đến nay, gia trại chăn nuôi gia cầm của anh Dũng phát huy hiệu quả, cho thu nhập từ 100-150 triệu đồng/năm, đời sống nâng lên rõ rệt… Anh Phạm Văn Dũng chia sẻ: Không chỉ được hỗ trợ vay vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân để phát triển sản xuất, gia đình tôi còn được Hội Nông dân huyện và xã thường xuyên tập huấn kỹ thuật chăm sóc vật nuôi, tiêm phòng dịch bệnh cho gia đình, kết nối tiêu thụ sản phẩm. Gia đình tôi có thu nhập ổn định, giải quyết việc làm cho 2 vợ chồng, xây dựng được nhà cửa khang trang. Tôi tiếp tục nghiên cứu để sản xuất giống gia cầm cung ứng cho bà con trên địa bàn.
Để đưa vốn kịp thời đến hội viên, nông dân, thời gian qua, các cấp hội nông dân trên địa bàn thành phố đã tích cực giải ngân cho vay nhân rộng các mô hình lợi thế của địa phương; đẩy mạnh các hình thức vận động tạo nguồn vốn; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các khoản vay đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục đích, đạt hiệu quả. Trên cơ sở nhu cầu vay vốn của hội viên, nông dân, hội nông dân các cấp đã khảo sát địa bàn, đánh giá khả năng phát triển sản xuất kinh doanh, lợi nhuận đem lại; hướng dẫn lập dự án vay vốn; tích cực tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng thương hiệu sản phẩm… từ đó nhằm nâng cao hiệu quả vốn vay. Đến nay, hội nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh đang quản lý trên 86,5 tỷ đồng Quỹ hỗ trợ nông dân với 1.234 hộ vay triển khai các dự án sản xuất, như: Miến dong, trà hoa vàng, dưa lưới, chè, ổi lê…
Việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân đã góp phần không nhỏ vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động địa phương, nâng cao đời sống hội viên, nông dân, thúc đẩy phát triển kinh tế. Nguồn vốn này cũng góp phần để Quảng Ninh hoàn thành mục tiêu thu nhập của người dân vùng nông thôn, dân tộc thiểu số, miền núi đạt 100 triệu đồng/người/năm vào cuối năm 2024.