“The 8 Show” thu hút sự chú ý khi được khán giả đặt lên bàn cân đối đầu “Squid Game”. Bộ phim có hướng tiếp cận thú vị, song lại mất điểm bởi cách triển khai kịch bản.
Chưa đầy một tuần ra mắt, The 8 Show nhanh chóng chiếm đoạt ngôi vương Netflix tại thị trường Việt Nam. Tác phẩm được chuyển thể từ webtoon nổi tiếng Money Game do đạo diễn Han Jae Rim thực hiện. Bộ phim còn có sự góp mặt của Ryu Jun Yeol, nam diễn viên có màn tái ngộ khán giả kể từ lùm xùm tình ái.
Cùng khai thác chủ đề trò chơi sinh tồn, phân tầng xã hội, bộ phim khiến người xem liên tưởng tới series Squid Game (2021) hay The Platform (2019). Dẫu vậy, nỗ lực của The 8 Show là chưa đủ để vượt qua cái bóng quá lớn từ Squid Game.
Món đồ đắt giá nhất lại là niềm tin
Hai yếu tố nổi bật, trói buộc nhóm người chơi trong The 8 Show là thời gian và tiền bạc, một điều thường thấy trong đời thực. Tuy nhiên, khán giả sẽ có câu trả lời khác sau khi theo dõi sau 8 tập phim và đó là niềm tin. Để bảo toàn lợi ích cá nhân, niềm tin bỗng chốc trở thành món đồ xa xỉ nhất mà tiền hay thời gian đều không thể mua được.
Bộ phim khởi đầu với Bae Jin Su (Ryu Jun Yeol đóng) là một chàng thanh niên khờ khạo. Chỉ vì tin lời một người đàn ông lạ mặt mà rơi vào cảnh nợ nần. Theo đó, Bae Jin Su than thân trách phận, còng lưng kiếm tiền trả nợ nhưng không đáng kể. Trong lúc định kết thúc cuộc đời, anh chàng bất ngờ nhận được lời đề nghị hấp dẫn, tham gia trò chơi bí ẩn để xóa nợ.
Bước vào trò chơi, Bae Jin Su chọn số 3 tương ứng nơi ở và mỗi phút trôi qua người chơi sẽ nhận một khoản tiền. Tổng cộng có 8 người chơi phân thành 8 tầng với số tiền thưởng khác nhau được quy định bởi dãy Fibonacci, còn được biết đến là tỷ lệ vàng. Tham gia trò chơi càng lâu, người chơi càng tích lũy lượng tiền lớn cho bản thân. Trò chơi sẽ kết thúc khi quỹ thời gian chung cạn hết hoặc có người chơi mất mạng.
Ngoài ra, người chơi có thể dùng tiền thưởng để mua vật phẩm, nhưng giá tiền đắt gấp 100 lần. Tuy nhiên, nếu mang vật phẩm ra khỏi phòng hoặc rời khỏi phòng trong khoảng thời gian quy định sẽ thua cuộc. Đồ ăn và thức uống được cung cấp miễn phí, gửi xuống từ tầng 8. Để thuận tiện trong giao tiếp, nhóm người chơi gọi nhau bằng con số thay cho tên thật.
Trong 4 tập đầu, nhóm người chơi chung sống hòa thuận, họ sẵn sàng chia sẻ mọi thông tin mà mình biết được. Thông qua cô nàng ở tầng 8, nhóm phân thành hai đội leo tầng để nâng thời gian. Chỉ khi lượng thời gian tăng đột biến khi số 4 gặp nạn, họ mới nhận ra rằng phía sau camera theo dõi là những kẻ bí ẩn sẵn sàng chi tiền và thời gian cho nhóm để thỏa mãn nhu cầu giải trí.
Để gia tăng quỹ thời gian, họ đã thực hiện hàng loạt trò chơi, tiết mục giải trí khác nhau. Tới tập 5, mọi thứ xoay chiều khi số 8, 7, 6, 4 yêu cầu những người còn lại thực hiện theo kế hoạch họ đề ra. Liên tiếp tập 6, 7 chứng kiến những bước ngoặt, nút thắt bất ngờ lần lượt từ các người chơi. Đáng tiếc, The 8 Show rơi vào cảnh “đầu voi đuôi chuột” với một đoạn kết khó thuyết phục.
Thực chất, The 8 Show đại diện cho một xã hội thu nhỏ, phản ánh cuộc sống của con người ở từng mức thu nhập khác nhau. Để xã hội này vận hành hiệu quả, nhóm tự sắp xếp thứ tự công việc, vai trò từng người, tiến hành bầu chọn, đưa ra luật lệ để quản lý. Thế nhưng, nhóm yếu thế sẽ vùng lên đấu tranh khi lợi ích bị đụng chạm, đời sống rơi vào cùng cực.
Chỉ với 8 tập phim, The 8 Show là cảnh tỉnh người xem về giá trị đồng tiền, vị thế trong xã hội. Đồng thời, bộ phim lột tả khía cạnh thô thiển nhất về bất bình đẳng, bóc lột lao động và tình trạng nghèo đói.
Chưa thể vượt qua cái bóng “Squid Game’
“Bộ phim nỗ lực tạo nên sự khác biệt so với người tiền nhiệm, song không phải lúc nào việc đổi mới cũng sẽ mang lại lại hiệu quả. So với những phút giây đầu tiên đầy hứa hẹn, The 8 Show nhanh chóng đánh mất sức hút” là nhận định của cây bút Elisa Guimaraes từ Collider.
Thời gian qua, The 8 Show và Squid Game khó tránh cảnh bị đặt lên bàn cân so sánh bởi nhiều yếu tố tương đồng. Đều lấy ý tưởng là trò chơi sinh tồn, thử nghiệm xã hội làm nội dung cốt lõi. Dàn nhân vật là những con người thiếu thốn về tiền bạc, ép buộc họ hãm hại lẫn nhau chỉ để mua vui cho kẻ giàu có.
Tới đây, The 8 Show mới đổi hướng tiếp cận chủ đề nhằm tạo dấu ấn. Bộ phim chỉ yêu cầu người chơi duy trì quỹ thời gian bằng mọi cách để tối ưu số tiền thưởng thay vì chà đạp lẫn nhau để sở hữu món tiền tưởng như Squid Game.
Đúng hơn, bộ phim tập trung nhiều vào sự phân tầng xã hội và cách họ đối xử với nhau bởi mỗi người chơi được định danh theo số tầng, số tiền thưởng riêng biệt. Chưa kể, chỉ cần có người chết trò chơi sẽ kết thúc khiến cả nhóm rụt rè đã phần nào giảm bớt kịch tính cho trò chơi.
Chính quy định đó đã mở ra thảm kịch là lần lượt người chơi tra tấn nhau để nâng quỹ thời gian. Triển khai hướng đi này, The 8 Show vận dụng yếu tố hài đen để châm biếm, song hầu hết nhân vật không có đủ sức nén tâm lý khiến người xem khó lòng đồng cảm. Dễ thấy, độ căng thẳng giảm sút, khán giả mất kết nối với nhân vật cùng loạt trò chơi vòng vo, tẻ nhạt khiến The 8 Show khó tạo tiếng vang như người tiền bối trước đó.
Về mặt diễn xuất, Ryu Jun Yeol cho thấy sự đuối sức kể từ giây phút tham gia trò chơi. Trong phim, nam diễn viên thể hiện nhân vật số 3 một cách nhàm chán, thiếu chiều sâu. Ngoài ra, số 3 còn phụ thuộc quá nhiều vào lời trần thuật, chỉ gỡ gạc dấu ấn bằng cách gây cười cho người xem. Trong khi đó, Bae Seong Woo và Chun Woo Hee diễn xuất tròn vai, dẫn dắt cảm xúc người xem qua từng tình huống.
Sở hữu khối nhân vật cùng loạt nút thắt dày đặc, kịch bản của The 8 Show còn hạn chế trong cách triển khai, mắc sạn, đặc biệt là đoạn kết tập trung vào nhân vật số 1 (Bae Seong Woo đóng) chưa đủ thuyết phục. Nhìn chung, tác phẩm có một cách tiếp cận thú vị về chủ đề trò chơi sinh tồn, song cái bóng Squid Game vẫn quá lớn để The 8 Show có thể vượt qua.